Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 1 năm 2024 | 20:51

Sắn, cây giảm nghèo cho người dân huyện Mường Lát

Người trồng sắn ở huyện Mường Lát (Thanh Hoá) phấn khởi vì được mùa, giá thu mua sắn từ nhà máy cao gấp nhiều lần so với những năm trước, đời sống kinh tế nhiều gia đình nghèo nhờ đó được cải thiện hơn.

Hiện, cây sắn đang được đánh giá là cây nông nghiệp bản địa góp phần giúp người dân địa phương từng bước xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội.

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm TP Thanh Hóa 240km. Với đường biên giới 105,5km, phía Bắc giáp huyện Xốp Bâu, phía Tây giáp huyện Viêng Xay (Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào), phía Tây Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La (với đường biên 30km), phía Đông giáp huyện Quan Hóa. Mường Lát là huyện nghèo nhất của tỉnh và là một trong 73 huyện nghèo của cả nước.

Cây sắn được người dân huyện Mường Lát trồng thay thế cây xoan đem lại thu nhập.

Trong những năm qua, Mường Lát được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai ở Mường Lát, song hiệu quả không như mong đợi. Điển hình là dự án trồng rừng 147 với mục đích chuyển đổi đất nương rẫy sang trồng rừng sản xuất để trồng cây xoan phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Người dân được hỗ trợ cây giống miễn phí, Chính phủ hỗ trợ 10kg gạo/khẩu/tháng để trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến khi thu hoạch xoan. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, dự án không đạt được mục tiêu đề ra.

Người dân nơi huyện nghèo phấn khởi khi vụ sắn năm nay được mùa.

Ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11, về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đến nay, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh và các ban ngành, các địa phương trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mường Lát đã chủ động, tích cực vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Dọc tuyến đường tỉnh từ trung tâm thị trấn Mường Lát ven theo sông Mã hướng về xã Mường Lý, nhìn về phía các triền đồi, chúng tôi bắt gặp những bao tải sắn nằm rải rác trên sườn đồi được bà con dân bản vừa thu hoạch. Bên vệ đường, nhiều xe tải lớn, nhỏ đã mở sẵn thùng chờ bốc sắn chở về Nhà máy chế biến tinh bột ở huyện Ngọc Lặc và Bá Thước.

Ông Hà Văn Lại, vui mừng vụ sắn năm nay được mùa, được giá, giúp người dân thoát nghèo.

Tại nương sắn của gia đình ông Hà Văn Lại (SN 1976), thuộc bản Nàng 1, xã Mường Lý những người dân ở bản Nàng 1 đang tập trung lên đồi thu hoạch sắn cho gia đình ông Lại. Ở đây, người dân thu hoạch nông sản theo phương thức “đổi công”, cả bản tập trung thu hoạch cho từng hộ gia đình, thu hoạch xong gia đình này rồi mới chuyển sang thu hoạch giúp gia đình khác.

Trên nương sắn, mỗi người một công việc, đàn ông có nhiệm vụ dùng cuốc, thuổng để đào, nhổ sắn, phụ nữ dùng dao đốn sắn ra khỏi gốc rồi gom vào bì xác rắn, còn những thanh niên trai tráng có nhiệm vụ khuân vác từng bì sắn chất lên xe ô tô tải đang chờ sẵn dưới chân đồi. Chen lẫn giữa cái giá rét nơi miền biên viễn là tiếng nói, cười của người dân bản khi vụ thu hoạch sắn được mùa, được giá.

Cây sắn được mùa, cây giảm nghèo cho người dân nơi đây. 

Ông Lại cho biết, gần 10 năm thực hiện dự án 147 trồng cây xoan không hiệu quả, năm nay gia đình ông chuyển sang trồng sắn, vụ này gia đình ông thu hoạch được khoảng 50 tấn sắn tươi, với giá sắn hiện tại, cho thu nhập trên 120 triệu đồng. So với cây trồng khác thì cây sắn rất dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có những cây tốt sẽ cho 2 – 3kg củ sắn tươi.

Tại bản Xa Lung, xã Mường Lý, anh Ma Xeo Xanh (SN1989), đang đứng ở ven đường chờ bốc sắn lên  xe ô tô tải đậu gần đó. Anh Xanh cho hay, gia đình tôi có 5 đứa con, đứa lớn nhất 10 tuổi, còn lại mấy đứa nhỏ lít nhít, cuộc sống quanh năm khó khăn, làm không đủ ăn. Vụ sắn năm nay được giá (cao gần gấp đôi năm trước), với sản lượng ước đạt 15 tấn sắn tươi, cho gia đình thu nhập hơn 30 triệu đồng, đây là số tiền không hề nhỏ mà gia đình tôi có được. “Nhờ vụ sắn được mùa, được giá, Tết nay gia đình có thêm niềm vui, con trẻ được sắm thêm cái áo, cái quần mới”, anh Xanh phấn khởi chia sẻ.

Anh Thào A Sự vui mừng vì được mùa sắn, năm nay, con cái anh có thêm cái áo, cái quần mới để đón Tết.

Nở nụ cười trên môi, ông Thào A Sự, ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý nói rằng, địa hình của bản đi lại khó khăn, sắn thu hoạch xong phải vận chuyển ra bến đò chở sang bên kia mới bán được,  nên giá không bằng những nơi khác, tuy vậy giá thu mua sắn năm nay khá cao nên bà con trong bản rất vui mừng.

Ông Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý chia sẻ: Vụ sắn năm nay, toàn xã trồng được khoảng trên 500ha, sản lượng cho thu hoạch ước đạt 6.000 – 7.000 tấn. Diện tích trồng sắn được chuyển đổi chủ yếu từ diện tích trồng xoan theo dự án 147 trước đây, hiện, cây sắn đang cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương đang hướng dẫn bà con trồng xen canh cây luồng, vì sau 3 vụ liên tục, năng suất cây sắn sẽ giảm.

Người dân nơi đây đang tập chung đưa những bao tải sắn xuống đường để nhập cho thương lái.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Năm 2023, là năm đầu tiên huyện thực hiện triển khai Nghị quyết 11, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030. Hiện tại, huyện đã xây dựng được bản đồ thổ nhưỡng, lựa chọn cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, tổ chức triển khai đồng bộ đến tận người dân, để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức chính quyền vào cuộc, xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp, nông nghiệp, triển khai danh mục dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Bắt tay vào triển khai, huyện đã kêu gọi được một doanh nghiệp nông nghiệp là Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc) vào hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, từ trồng xoan kém hiệu quả sang trồng sắn và bao tiêu sản phẩm.

Được mùa sắn những đứa trẻ nơi đây cũng có thêm nhiều niềm vui. 

Năm nay, diện tích trồng sắn của người dân tăng lên đáng kể, đạt khoảng gần 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại (từ 2,4 - 2,6 triệu đồng/tấn), toàn huyện đạt hơn 100 tỷ đồng. Thu nhập từ cây sắn đang góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo, ông Bình chia sẻ.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", huyện Mường Lát lựa chọn cây sắn làm cây sinh kế giúp người dân nhanh chóng có thu nhập, đảm bảo cuộc sống, từ đó yên tâm trồng rừng và các loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao hơn để thoát nghèo bền vững.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, món ăn đặc sản của Bắc Ninh được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

    Dưa gang muối, một trong những món ngon dân dã mang đậm hương vị truyền thống của thị xã Quế Võ vừa được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận, tạo thuận lợi thương mại hóa cho đặc sản địa phương.

  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

Top