Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ Hội các cấp, đồng thời đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân.
"Làm giàu" cho nông dân cả vật chất lẫn tinh thần là yêu cầu cấp thiết (Ảnh: HNV)
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.
Đoàn kết - Dân Chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển
Phát biểu tại buổi Họp báo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề “Đoàn kết-Dân chủ-Sáng tạo-Hợp tác-Phát triển”. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028; kiểm điểm sự lãnh đạo của BCH nhiệm kỳ Đại hội VII; thông qua điều lệ HNDVN (sửa đổi, bổ sung); bầu ban chấp hành, Ban Thường vụ trung ương Hội.
“Điểm mới trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá VIII là giảm số lượng thành viên của Trung ương hội, tăng cơ cấu doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp và tiêu thụ nông sản sẽ được tăng lên sẽ góp phần giúp việc tăng cường hợp tác, liên kết với nông dân để nông dân sản xuất kinh doanh tốt hơn”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh sau hơn 35 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết số 18, 19, 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XIII liên quan tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm phát biểu tại buổi Họp báo.
Tại đại hội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của đại hội: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII trình tại đại hội; dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân khóa VII; dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Cũng tại đại hội, cùng với việc thảo luận quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ, đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028.
Tạo đột phá trong phát triển kinh tế tập thể
Nhấn mạnh về kết quả công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023 Phó chủ tịch Bùi Thị Thơm cho hay, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ xây dựng 5.003 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời đã phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn cho trên 36.000 cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và hội viên nông dân; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập 10.561 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả (2.127 hợp tác xã, 8.434 tổ hợp tác).
Bên cạnh đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Hằng năm bình quân có trên 6,2 triệu hộ đăng ký (đạt 104,04% so với chỉ tiêu Đại Hội VII), trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 6,74% so với chỉ tiêu Đại Hội.
Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng; trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân và giúp cho trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất; đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương.
Đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết, giới thiệu việc làm cho nông dân được các cấp Hội chú trọng với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, bình quân hằng năm các cấp Hội trực tiếp, phối hợp đào tạo nghề cho trên 110 nghìn nông dân, trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định; tạo việc làm tại chỗ cho hàng triệu lao động.
Dự kiến trong nhiệm kỳ tới Hội sẽ hỗ trợ thành lập mới 15.000 tổ Hội nông dân nghề nghiệp, 3.000 chi Hội nông dân nghề nghiệp
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho trên 11,8 triệu lượt hội viên, vượt 39,24% so với chỉ tiêu Đại hội VII. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 12.927 mô hình điểm; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả phục vụ sản xuất, kinh doanh, đến nay có trên 7,3 triệu hội viên truy cập Internet, vượt 23% chỉ tiêu Đại hội VII đề ra.
Trên cơ sở những thành tích đạt được, dự kiến trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 1.000 hợp tác xã nông nghiệp và thành lập mới 15.000 tổ Hội nông dân nghề nghiệp, 3.000 chi Hội nông dân nghề nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn với nhiệm vụ xây dựng người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ được tổ chức từ ngày 25-27/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển", Đại hội dự kiến có sự góp mặt của 1.000 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên, nông dân của cả nước./. |
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.