Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 9 năm 2024 | 10:52

Thanh long “bén duyên” giúp người dân Đông Bắc có thu nhập ổn định

Từ cấy lúa chuyển sang trồng ngô, rồi mía nhưng hiệu quả không cao, một người dân trồng thử thanh long và cây trồng này đã “bén duyên” ở xã Đông Bắc (Kim Bôi - Hòa Bình).

Giờ đây, thanh long đang cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhà vườn nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của xã Đông Bắc nói riêng, huyện huyện Kim Bôi nói chung.

Người đưa thanh long về Đông Bắc

Tổ hợp tác cây thanh long Đông Bắc (xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc) hiện có 15 thành viên, trồng 4,5ha theo quy trình VietGAP. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Bình (SN 1962), Tổ trưởng Tổ hợp tác cho hay, cây thanh long được ông mang về trồng đầu tiên ở xã Đông Bắc cách đây 10 năm. Hiện, gia đình trồng 500 gốc trên diện tích 0,45ha.

Hiện, Tổ hợp tác cây thanh long Đông Bắc, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc đang trồng 4,5ha thanh long theo quy trình VietGAP.

Ông Bình nhớ lại, trước đây ở xóm Đồng Nang còn nhiều cây cối, lại có nước thường xuyên nên gia đình cấy 1 vụ lúa/năm. Sau này, cây bị chặt nhiều, đất đai dần cằn cỗi, thiếu nước tưới, gia đình ông phải chuyển sang trồng ngô, mía, tuy nhiên hiệu quả không cao. Năm 2014, ông cất công đến huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) để tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng thanh long. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định mua giống về trồng thử. Sau nhiều năm, thấy ông trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác, nhiều hộ dân trong xóm đã chuyển sang trồng giống cây này.

Theo ông Bình, thanh long có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, từ đất khô cằn, đất cát, đất xám bạc màu, đất phèn đến đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, thịt pha sét đều thích hợp. Trước khi trồng phải chuẩn bị các trụ bê tông, các trụ cách nhau 3m. Thời gian trồng thích hợp nhất là vào tháng 11, tháng 12 hàng năm. Sau khoảng 18 tháng, cây sẽ cho ra quả bói và đến năm thứ 3 thì cho thu hoạch ổn định.

Chia sẻ với phóng viên về kỹ thuật chăm sóc, ông Bình cho hay, cuối vụ thu hoạch vào tháng 12 năm trước đến tháng 1 sang năm, khi hoa thanh long không còn nở, lúc đấy cây sẽ bắt đầu nuôi mầm. Mỗi cây chỉ để khoảng 15-20 mầm trên một đỉnh trụ. Thời gian này cần làm cỏ, bón phân chuồng, phân gà và NPK cho cây.

Cây thanh long đã giúp người dân xã Đông Bắc có thu nhập ổn định hơn so với một số cây trồng khác.

Vào khoảng tháng 4, khi cây bắt đầu ra nụ, tiến hành tỉa bớt nụ, chỉ để mỗi cành 1-2 nụ. Mỗi gốc để khoảng 25-30 nụ. Sau khoảng 1 tháng, nụ sẽ nở hoa. Sau đó khoảng 1 tháng, quả sẽ chín và bắt đầu cho thu hoạch. Thanh long thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12. Nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng có thể cho thu 2 lứa. Sau các đợt thu hoạch, cần bổ sung 200 - 300g NPK để cây hồi sức và cho ra nụ, hoa mới.

Để cây khỏe, ra quả đạt theo yêu cầu, theo ông Bình, thanh long hay bị bệnh thối cành, vì vậy, khi có hiện tượng này phải tiến hành cắt bỏ ngay. Điều quan trọng nhất của việc trồng theo quy trình VietGAP là khi sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo thời gian cách ly theo đúng quy định trước thu hoạch từ 10 - 15 ngày.

Thu nhập ổn định

Ông Bình cho hay, so với các loại trái cây khác, quả thanh long dễ bán, lứa này bán không được giá thì lứa sau lại bán được với giá cao. Đặc biệt, những quả trên 400g sẽ được thương lái ở Hải Dương và Hà Nội đến tận nơi thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Với 500 gốc thanh long, mỗi năm gia đình thu 10 tấn quả, trừ chi phí, thu lãi 120-150 triệu đồng.

Với 500 gốc thanh long, sau khi trừ chi phí gia đình ông Bình thu về từ 120-150 triệu đồng/năm.

Cây thanh long đã giúp nhiều thành viên trong Tổ hợp tác Đông Bắc có thu nhập tương đối ổn định. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Tình (xóm Đồng Nang) hiện trồng 700 gốc trên diện tích 0,5ha. Ông Tình chia sẻ, để cây phát triển tốt, hàng năm, gia đình  tiến hành phát cỏ, bón phân định kỳ 4 lần. Phân bón được sử dụng là phân chuồng hoặc phân gà kết hợp với bón phân NPK. Phân gà giúp làm tơi đất, cây cũng khỏe hơn. Từ cây thanh long, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định hơn.

Được biết, ngoài hộ gia đình ông Bình, ông Tình thì nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đông Bắc đã chuyển sang trồng cây thanh long, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Minh Anh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Bôi, cho hay, huyện hiện có gần 30ha thanh long, trong đó, xã Đông Bắc có 10ha. Đây là cây trồng được huyện định hướng phát triển, bởi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng mà nó còn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.

Vấn đề hiện nay là chi phí đầu tư ban đầu còn hơi cao nên người dân còn e ngại. Để phát triển và mở rộng diện tích thanh long, huyện sẽ tiếp tục định hướng các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết thành lập hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ vay vốn, chứng nhận quy trình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ do huyện, tỉnh tổ chức.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Thu lợi 1 tỷ đồng/năm từ mô hình VAC

    Đó là thành quả mà ông Đàm Duy Từ, sinh năm 1963, ở xóm 10, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đạt được.

  • Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông

    Với diện tích 2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.

  • “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    “9X” làm giàu từ nuôi chồn hương

    Sau nhiều lần thất bại, anh Phạm Minh Phương đã thuần hóa và nuôi thành công chồn hương - con nuôi tốn không nhiều chi phí thức ăn cũng như công chăm sóc, từng bước mở rộng quy mô, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Top