Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 5 năm 2023 | 10:35

Thay đổi tư duy trong trồng cây ăn trái ở Kon Tum: Hiệu quả kinh tế cao

Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn trái của tỉnh Kon Tum, thời gian qua, với sự phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương trong công tác tuyên truyền vận động, khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ các điều kiện cần thiết, người dân đã chú trọng đầu tư trồng nhiều loại cây trái, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập.

Hướng tới xuất khẩu

Tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), nhằm khai thác tiềm năng đất đai màu mỡ, phù hợp với việc trồng cây ăn trái, nhiều hộ dân mạnh dạn đưa các giống cây ăn trái có giá trị cao vào trồng như sầu riêng, bơ, mít Thái, thanh long ruột đỏ... Địa phương này trở thành vựa trái cây của thành phố Kon Tum với tổng diện tích đạt khoảng 300ha. Đẩy mạnh phát triển cây ăn trái đã góp phần khai thác thế mạnh của các địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển cây ăn trái ngày càng được người dân quan tâm, nhưng hầu như mới chỉ dừng ở việc mở rộng về diện tích.

 

Tại xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà), thời gian qua, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân và thực tế triển khai đã đáp ứng yêu cầu đề ra, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân. Vì vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích cây ăn trái trên địa bàn không ngừng được mở rộng, toàn xã hiện có trên 200ha cây ăn trái.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Kon Tum, tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh hiện có  9.423ha, tập trung nhiều ở một số địa phương như thành phố Kon Tum và các huyện Đắk Hà, Sa Thầy, Đắk Tô, Ngọc Hồi. Các loại cây ăn trái được lựa chọn trồng chủ yếu là: Bơ, sầu riêng, mít, cây có múi (cam, chanh và bưởi), chuối, chanh dây. Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế mà cây ăn trái mang lại cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác nên có sức hấp dẫn với nông dân.

Cùng với việc mở rộng diện tích, ngành Nông nghiệp và PTNT tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng để hướng tới xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng cây ăn trái được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã số với diện tích 287,51ha.

Theo đánh giá, các vùng trồng cây ăn trái này đều đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật như canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động. Nhờ đó, các loại trái cây đã thuận lợi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc ngay cả vào những thời điểm khó khăn và dễ dàng tiêu thụ ở các kênh bán lẻ hiện đại tại thị trường nội địa; mang lại thu nhập cao, ổn định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân. Đây là tín hiệu vui đối với việc phát triển trái cây của tỉnh.

Sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật cao giúp sản phẩm chuối già Nam Mỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Duy Tân thuận lợi xuất khẩu. Ảnh T.H

 

Thay đổi tư duy

So với diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh Kon Tum thì diện tích các vùng trồng cây ăn trái tập trung, chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn còn khá khiêm tốn. Hiện nay, các địa phương chưa xây dựng được đề án quy hoạch phát triển cây ăn trái tập trung riêng, hầu như vẫn làm theo kiểu tự phát, phong trào. Từ đó, phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ trồng một loại cây, áp dụng một cách sản xuất khác nhau nên số lượng hàng hóa ít, chất lượng không đồng đều; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc chưa được chú trọng đúng mức, chưa xây dựng được thương hiệu trái cây của từng vùng.

Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp chính quyền các địa phương hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn đưa cây ăn trái vào thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả là hướng đi đúng. Nhưng để việc đầu tư trồng cây ăn trái trên địa bàn phát huy hiệu quả thì cần thay đổi lối canh tác manh mún, xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung quy mô lớn. Đồng thời, chú trọng chuẩn hóa về quy trình sản xuất vùng chuyên canh, tạo nguồn sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng cao và ổn định lâu dài, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là “yếu tố căn cơ” để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Vẫn biết, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển sản xuất từ “bề rộng sang chiều sâu”, vừa gia tăng về lượng, vừa nâng cao về chất, là quá trình không hề đơn giản. Thế nhưng, dẫu khó vẫn phải có giải pháp giúp người dân thay đổi “tư duy sản xuất”, bởi đây hướng đi cần thiết để giúp sản phẩm trái cây của Kon Tum tiếp cận thị trường xuất khẩu, mang lại lợi nhuận cao cho người trồng.

Thùy Hương/Báo Kon Tum
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top