Vịnh Lăng Cô (Phú Lộc) không chỉ là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên - Huế mà còn là nơi cung ứng nhiều loại thủy, hải sản cho thị trường trong nước.
Những năm gần đây, nuôi hàu ở vịnh Lăng Cô phát triển mạnh. Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi), trú tại thị trấn Lăng Cô, có thâm niên nuôi hàu lâu năm nay ở đầm Lập An, cho biết: “Mỗi vụ nhà tui thả vài ngàn lốp xe máy, mỗi lốp xe có thể cho thu hoạch 5 - 10kg hàu chưa tách vỏ. Giá bán hàu chưa tách vỏ 20.000 - 30.000 đồng/kg; hàu đã tách vỏ 70.000-80.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ nhà tui có thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Nhờ nuôi hàu mà nhà tui khấm khá hơn, xây nhà cửa khang trang và cũng nhờ con hàu mà con cái tui được ăn học đàng hoàng”.
Người dân thu hoạch hàu nuôi trên đầm Lập An.
Ông Hoàng Tiếp ở thị trấn Lăng Cô cũng cho biết, nuôi hàu ở đầm Lập An là nghề làm chơi nhưng ăn thiệt. Vào dịp đầu năm, gia đình ông cắm 500 cọc tre, lốp xe ở đầm; bình quân thu 4 tấn hàu/năm. Tùy giá lên xuống từng thời điểm, gia đình ông có thu khoảng 40-50 triệu đồng (khấu trừ chi phí không đáng kể).
“Mỗi lứa hàu thường được người dân trong vùng nuôi 6-9 tháng. Tháng 3 âm lịch, mỗi hộ thả khoảng 5.000-10.000 vỏ xe cũ. Nuôi hàu rất đơn giản, mỗi hộ chỉ cần mua vỏ lốp xe máy đã hỏng được thải ra, đem về dùng bót chà thật sạch, sau đó đem xẻ lốp làm đôi. Các lốp xe này được móc vào một thanh tre, rồi đóng những chiếc cọc xuống lòng đầm, treo thanh tre nằm ngang, những chiếc lốp xe nằm sâu dưới nước, cách đáy đầm chừng 10cm, lốp cách lốp khoảng 30cm. Sau khi con hàu bám vào lốp xe sẽ sinh sôi, phát triển thành từng chùm. Ước tính mỗi ngày Lăng Cô xuất ra thị trường hàng chục tấn hàu tươi. Vì đây là món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay đang vào mùa du lịch của vịnh biển Lăng Cô nên đây cũng là thời điểm hàu bán chạy nhất”, ông Tiếp cho hay.
Nuôi hàu mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Ông Trần Đình Vui, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết, nghề nuôi hàu là nguồn sinh kế của hàng trăm hộ dân địa phương. Diện tích khoanh nuôi hàu ở địa phương gần 200 ha, trung bình 2 ha/hộ (chiếm khoảng 24% tổng diện tích mặt nước đầm)... Nuôi hàu không cần nhiều chi phí, lại cho thu nhập cao nên nghề này thu hút rất nhiều hộ gia đình theo đuổi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Khu vực đầm Lập An đã trở thành điểm mua bán hàu lớn nhất khu vực. Hàu Lăng Cô rất được ưa chuộng, không chỉ có khách hàng ở địa phương mà còn có nhiều thương lái từ Nghệ An, Nha Trang (Khánh Hòa) hay TP. Hồ Chí Minh đặt mua.
Huyện Phú Lộc có trên 200ha nuôi hàu. Mỗi vụ, trung bình mỗi hộ dân có thu nhập 30- 40 triệu đồng, có hộ thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng nhờ nuôi hàu. Năng suất, sản lượng và hiệu quả của mô hình nuôi hàu bằng việc đón giống tự nhiên thường đạt cao ở những vùng nuôi gần cửa biển có nước lưu thông tốt và có xu hướng giảm dần ở các vùng nước của các thôn xa cửa biển, có nước lưu thông kém.
Theo các nhà chuyên môn, hàu nuôi bằng vỏ lốp tại Lăng Cô vẫn bảo đảm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho phép. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của huyện Phú Lộc đang phối hợp với chính quyền thị trấn Lăng Cô tiến hành giải tỏa một số diện tích nuôi hàu để đưa vào vùng quy hoạch nhằm hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường nước, đồng thời giữ cảnh quan môi trường xung quanh vịnh Lăng Cô.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.