Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 | 9:56

Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Từng bước xóa canh tác nhỏ lẻ

Là xã vùng gò đồi, có tổng diện tích đất lâm nghiệp 3.878/4.382ha đất tự nhiên, những năm qua, xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia trại, trang trại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế gò đồi của địa phương.

Để xóa tập quán canh tác nhỏ lẻ tiến tới các mô hình gia trại, trang trại có giá trị kinh tế cao, cán bộ, đảng viên đã làm nòng cốt trong công tác định hướng, vận động, hướng dẫn. Đồng thời, các Hội Làm vườn, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên phải là nòng cốt, đỡ đầu, tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện. Trong đó, quan tâm đến chất lượng, tạo thương hiệu sản phẩm của địa phương, liên kết tiêu thụ theo các quy chuẩn như gỗ rừng chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng bền vững), trái cây chất lượng VietGAP...

Nhiều địa phương tập trung vốn để hỗ trợ các mô hình sản xuất, chăn nuôi của người dân.

Anh Nguyễn Đức Hòa, ở thôn Phụng Sơn, là điển hình trong phong trào phát triển kinh vùng gò đồi ở địa phương. Được chính quyền, tổ chức đoàn thể của xã tạo điều kiện, gia đình anh Hòa đã quy hoạch vùng sản xuất, đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế, gồm: 1ha tiêu, 3ha bưởi da xanh, hơn 1ha sầu riêng, 2.500m2 thanh long ruột đỏ... Ngoài ra, gia đình anh Hòa đang trồng rừng kinh tế theo tiêu chí FSC với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Theo Trưởng thôn Phụng Sơn Trần Hòa, toàn thôn có 118 hộ, trước đây hầu hết bà con chỉ trồng rừng kinh tế, bình quân mỗi hộ 2-3ha. Sau khi có chủ trương về phát triển kinh tế vùng gò đồi của Đảng ủy xã, cấp ủy chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất mới, đa dạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho hay, để tạo bước đột phá mới, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng gò đồi trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, địa phương xác định 3 loại cây trồng chính là cây lâm nghiệp, cây dược liệu và cây ăn quả. Đồng thời, khuyến khích các hộ gia đình phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại và trang trại, mở rộng các mô hình nuôi gà thả đồi, nuôi lợn bản địa với hình thức bán chăn thả...

Cùng với đó, quan tâm thêm các nguồn vốn khác như vốn hỗ trợ sản xuất theo Quyết định 32 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, vốn từ các tổ chức đoàn thể, từ các chương trình, đề án… nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất. Toàn xã đã phát triển trồng mới hàng chục hecta cây ăn quả, gồm bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long ruột đỏ và tham gia trồng rừng chứng chỉ FSC hơn 100ha.

Xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) có diện tích tự nhiên 26.160,48ha, trong đó đất nông nghiệp 23.342ha (chiếm 89,23%). Thông qua chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực, Dương Hòa đã đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế như thanh trà, bưởi da xanh, cam...

Đến nay, diện tích thanh trà trên địa bàn xã có trên 75ha, bưởi da xanh trên 10ha, cam khoảng 4ha, trong đó, tổng diện tích cho quả 35ha (năng suất bình quân đạt 34,32 tấn/ha). Riêng về thanh trà, theo tính toán, giá trị kinh tế loại cây đặc sản này đạt bình quân 350 - 400 triệu đồng/ha (cây từ 7 năm tuổi trở lên), có hộ đạt 400 - 500 triệu đồng/ha.

Dự kiến vào tháng 8 tới, thanh trà Dương Hòa sẽ được cấp “Chỉ dẫn địa lý”. Điều này vừa giúp khẳng định chất lượng, nâng tầm thương hiệu, ổn định đầu ra, vừa trở thành động lực lớn để hơn 300 hộ dân trồng thanh trà Dương Hòa tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng cho loại quả đặc sản trên vùng đất này.

Dương Hòa cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, hiện tổng đàn gia súc ở xã đạt gần 1.000 con. Từ năm 2022, với việc áp dụng mô hình phát triển đàn bò chất lượng cao, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ), đến nay, mô hình không chỉ góp phần hạn chế gây ô nhiễm môi trường mà còn tăng sản lượng, chất lượng thịt, qua đó, tạo được thương hiệu, có sức lan tỏa đến thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp tăng thu nhập thêm 5-10% cho các hộ nuôi.

Phát triển mô hình mới

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hương Thủy Lê Bá Lam, về các hoạt động khuyến nông, Trung tâm đã lựa chọn xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch theo định hướng phát triển nông nghiệp của thị xã, phù hợp với nội dung, mục tiêu của Kế hoạch 106/KH-UBND ngày 03/08/2021 của UBND thị xã về việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao năm 2021, định hướng đến năm 2025 và Đề án Phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy lợi thế vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã đẩy mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển kinh tế.

Năm 2023, với nguồn vốn ngân sách hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng, Trung tâm đã tập trung hỗ trợ các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu.

Cụ thể là: Mô hình nuôi lợn bản địa sinh sản hướng hữu cơ (tổng đàn 48 con với 8 con đực giống) và trồng cây ăn quả tại xã Phú Sơn; mô hình hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây Hương Bài 1,5ha liên kết tiêu thụ sản phẩm với công ty TNHH MTV Tân Nguyên tại xã Thủy Phù; mô hình phát triển vùng nguyên liệu 4ha Tràm Năm Gân liên kết theo chuỗi giá trị với HTX Lâm nghiệp Bền vững Phú Sơn, xây dựng nhãn hiệu tại xã Phú Sơn; mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao ở Phú Bài 500m2 nhà kính…

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho hay, phát triển kinh tế vùng gò đồi theo hướng bền vững và hiệu quả là mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền thị xã Hương Thủy. Phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp. Bên cạnh công tác quy hoạch, sắp xếp lại các loại rừng, cụm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, du lịch sinh thái, huyện khuyến khích và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đến đầu tư, khai thác có hiệu quả du lịch vùng gò đồi, xem đây là thế mạnh của vùng, tập trung đầu tư, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Thị xã rất quan tâm nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ cho chương trình phát triển kinh tế gò đồi. Mục đích là để người dân vùng gò đồi tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi và xây dựng các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở chế biến nông – lâm – thủy sản, đặc biệt, quan tâm nguồn vốn cho phát triển đàn bò chất lượng cao.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế, đánh giá: Phát triển kinh tế vùng gò đồi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc; hạn chế và chấm dứt tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn; khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai và lao động; tăng khối lượng sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện môi trường sinh thái.

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top