Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 11 năm 2023 | 14:48

“Vị ngọt” từ giống nho Hạ Đen

Men theo hồ Xuân Dương (xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), tôi tìm đến vườn nho Hạ Đen của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thảo ở xóm 9. Từ ngỡ ngàng với cảnh đẹp thiên nhiên, tôi hết sức ấn tượng với vườn nho của nhà chị Thảo.

Nho Hạ Đen - “Ngọc trong đá”

Sương chùng chình, đeo bám trên những quả nho mọng nước, tím lịm. Nhìn vườn nho thẳng tắp... mới thấy sự kì công, dồn tâm, dồn sức của gia đình chị Thảo.

Dọc lối đi, hai bên là những gốc nho trực chờ thu hoạch, chị Thảo tâm tình: “Từng gốc nho ở đây, gia đình đã chọn lựa kĩ càng. Không chỉ phù hợp với khí hậu khô nóng, thổ nhưỡng nơi này, nho Hạ Đen còn rất kén chọn. Kén ở đây có thể hiểu là cực kì khó tính”.

Mô hình nho hạ đen gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thảo.

Biết được thông tin Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang trồng khảo nghiệm thành công giống nho Hạ Đen (nguồn gốc Trung Quốc), gia đình chị tìm hiểu, trồng thử nghiệm và may mắn áp dụng thành công trên mảnh đất xóm 9 (Diễn Phú) này.

Được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, cung ứng giống nên gia đình mua 3.000 cây nho Hạ Đen trồng trên diện tích 1 ha.

Chị Thảo chia sẻ: Trồng nho Hạ Đen phải chú trọng về mặt kỹ thuật. Trước khi đưa cây giống vào trồng, phải làm sạch cỏ và cày bừa kỹ đất; sau đó, làm luống và đào hố trồng; sử dụng phân lân NPK, phân chuồng hoai mục và phân vi sinh để bón lót cho cây. Trong quá trình chăm sóc, cách một tháng bón phân một lần, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển.

Trong quá trình chăm sóc, cần thường xuyên tỉa bớt các lá già, lá bị sâu bệnh gây hại, lá bị che khuất tầng dưới. Để chùm nho đều quả, phát triển cân đối, phải thường xuyên tỉa quả, cắt bỏ quả bị chèn ép vào nhau khi quả còn xanh. Đây là công đoạn quyết định chất lượng, hình dáng chùm nho sau này.

Ngoài bón phân cân đối, hợp lý với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây nho, cần thường xuyên tưới nước, đảm bảo độ ẩm thích hợp cho vườn nho phát triển.

Gia đình đã đầu tư một số vốn khá lớn, trồng một cách bài bản, khoa học. Vườn nho được đầu tư căng giàn ngang và giàn hình chữ Y theo dọc luống, bên trên làm mái vòm nylon trong suốt để hạn chế mưa, sương, gió.

Ngoài việc lên luống cao, gia đình chị còn đào thêm các tuyến mương để trữ, thoát nước xung quanh vườn nhằm tránh ngập úng. Theo chị Thảo, kỹ thuật trồng nho quan trọng nhất là phải thiết kế được hệ thống thoát nước, chống ngập úng.

Chị Thảo chia sẻ: Trồng nho Hạ Đen phải chú trọng về mặt kỹ thuật...

Và sau 9 tháng (kể từ khi xuống giống tháng 2), vườn nho của gia đình chị cho thu hoạch vụ đầu với năng suất 1,5 - 2kg quả/cây. Giá bán sỉ tại vườn từ 150.000 đồng/kg. Giống nho Hạ Đen khi chín có màu đen, được phủ một lớp phấn trắng ngoài quả, khi ăn thấy giòn, mọng nước...

Nho Hạ Đen có chu kỳ sinh trưởng 15 - 20 năm. Mỗi năm, cây cho thu hoạch 2 vụ, vào tháng 3 và tháng 6. Vì vậy, dù vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng hiệu quả kinh tế kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí.

Kết hợp du lịch trải nghiệm

Nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, giúp người nông dân gắn bó với nông thôn.

Du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại là hình thức “xuất khẩu” hàng hóa nông nghiệp tại chỗ hiệu quả và người mua được tiếp cận tận gốc sản phẩm, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, không gian cộng đồng làng quê và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

Nắm bắt được xu thế, vừa làm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm, thời gian tới, gia đình chị Thảo dự định  mở rộng vườn nho kết hợp du lịch trải nghiệm để thu hút nhiều hơn khách tham quan, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ở địa phương... Mới đây, một số trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã liên hệ để được tham quan, trải nghiệm.

Chị Thảo chia sẻ: Bước đầu, sản phẩm nho Hạ Đen cung ứng ra thị trường trong huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An; một phần  phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm trên địa bàn để người dân và du khách tham quan, trải nghiệm ăn thử nho tại vườn. Tôi hy vọng, hình thức du lịch nông nghiệp này sẽ giúp du khách hiểu thêm quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

 

Lưu Khuyên
Ý kiến bạn đọc
  • Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.

  • Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Nuôi chim cảnh đã giúp một thanh niên khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, đó là trường hợp của anh Trần Hữu Vinh (31 tuổi, ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ việc nhân nuôi giống chim chào mào đột biến (giống lai) đã giúp chàng trai trẻ này có thu nhập tiền tỷ.

  • Tiên phong nuôi dúi, chàng trai Tày tạo sinh kế mới

    Tiên phong nuôi dúi, chàng trai Tày tạo sinh kế mới

    Với sự nhạy bén và tinh thần dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Hoàng Văn Nghinh ở bản Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) đã tiên phong nuôi dúi, loài động vật hoang dã giàu tiềm năng kinh tế.

Top