Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 3 năm 2023 | 9:39

Xây dựng mã số vùng trồng để trái cây “xuất ngoại”

Bình Dương có gần 160.000ha cây ăn trái với sự đa dạng về chủng loại. Thời gian qua, các mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ nội địa nên giá trị chưa cao. Hiện nay, việc giao thương hàng hóa giữa các quốc gia thuận lợi, là cơ hội cho các mặt hàng trái cây của Việt Nam xuất khẩu. Để trái cây có thể “xuất ngoại” dễ dàng, Bình Dương đang tập trung xây dựng mã số vùng trồng (MSVT).

Chú trọng xây dựng

Sản xuất cây ăn trái của Bình Dương có những chuyển biến về diện tích trồng, tổ chức sản xuất, áp dụng  tiến bộ kỹ thuật…, song vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả kinh tế chưa cao. Việc phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với sản lượng hàng hóa đủ lớn để đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu cho mỗi vùng là cần thiết.

Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn tại từng vùng trồng cây ăn trái tập trung, nhằm giúp nhà vườn có sự am hiểu đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng MSVT để trái cây có đủ điều kiện xuất khẩu.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. MSVT là một trong những tiêu chí đầu tiên để nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc có MSVT không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. Đó còn là vấn đề công bằng và minh bạch trong sản xuất.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng MSVT sầu riêng cho nhà vườn ở huyện Phú Giáo.

Chi cục tăng cường công tác tuyên truyền về các quy trình, tiêu chuẩn VietGAP... Đồng thời, triển khai hướng dẫn thủ tục để cấp được MSVT tới Phòng kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã để phổ biến rộng rãi. Năm 2022, Chi cục đã kiểm tra và trình Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cấp 21 MSVT với diện tích 603,93ha.

Tính đến thời điểm hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương đã cấp được 17 MSVT (tăng 8 MSVT so với năm 2021) với tổng diện tích 760,15ha (tăng 143,93ha) cho các loại cây trồng (chuối, mít, măng cụt) xuất sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt có 2 MSVT thanh nhãn đi thị trường Hoa Kỳ và 3 MSVT bưởi được cấp để xuất khẩu sang EU, Anh và Nga với tổng diện tích 32,93ha. Bên cạnh đó, đã cấp 1 mã đóng gói chuối đi thị trường Trung Quốc và đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 4 mã số cơ sở đóng gói.

Ứng dụng mạnh khoa học - công nghệ

Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, Chi cục đề ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Tích cực tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đầu tư ứng dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thứ hai, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất về một nền nông nghiệp an toàn. Thứ ba, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu thu mua, liên kết trang trại, hộ sản xuất đủ điều kiện tham gia xuất khẩu. Tổ chức triển khai thực hiện cấp MSVT trong nước theo quy định của BộNông nghiệp và PTNT. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp MSVT cho các loại cây trồng theo tiêu chuẩn của các quốc gia mà Việt Nam đã ký nghị định thư. Tăng cường quản lý, giám sát những vùng trồng đã được cấp mã số để vùng trồng duy trì những quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cùng với đó, triển khai Kế hoạch số 6445/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2021-2030. Tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào nhóm sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo và thanh tra, truy xuất, xử lý tận gốc các trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn. Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng để người tiêu dùng nâng cao lòng tin vào sản phẩm, kích cầu thị trường và bảo đảm giá trị sản phẩm của người sản xuất.

Trên địa bàn Bình Dương hiện có 283 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Diện tích được chứng nhận là 1.024ha và hơn 580ha sản xuất áp dụng sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng có múi, rau và cây trồng khác. Đặc biệt, có 5 cơ sở quy mô gần 200ha cây ăn trái các loại đạt các chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế (USDA, GlobalGAP). Bên cạnh đó, diện tích sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng, năm 2022 là 5.849,5 ha, tăng 1,5% so với năm trước.

 

 

Thoại Phương - Thảo Trúc
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top