Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 7 năm 2022 | 21:17

Xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh phân bón giả thuốc bảo vệ thực vật, cây giống kém chất lượng

Trước tình trạng sản xuất - kinh doanh (SXKD) phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và cây giống giả, kém chất lượng diễn ra thời gian qua, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho người nông dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Những vấn nạn xảy ra trong ngành nông nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm

Mới đây, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Tây Ninh tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Qua đó, vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn là vấn nạn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón giả tràn lan gây thiệt hại cho người nông dân và ngành nông nghiệp.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND Tây Ninh quan tâm đến những vấn đề như hiệu quả của nhóm giải pháp hỗ trợ nông dân, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ lãi vay, nông nghiệp công nghệ cao, các vấn đề khác như tưới tiêu, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, xây dựng công trình xâm phạm các công trình thủy lợi. Riêng vấn nạn vật tư nông nghiệp, giống, phân bón giả có nhiều lượt ý kiến.

“Tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng còn diễn ra khá nhiều như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… nhất là khi giá cả các mặt hàng ngày càng leo thang. Để hạn chế các sản phẩm không chất lượng lưu thông trên thị trường, giúp nông dân yên tâm sản xuất, trách nhiệm của ngành nông nghiệp như thế nào?”, đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc chất vấn.

 

giam_doc_so_nnptnt_tay_ninh_nguyen_dinh_xuan.jpg

Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân.

Trả lời các ý kiến chất vấn, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, thời gian qua các mô hình, giải pháp hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả. Riêng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nhân lực có trình độ cao và phải có kênh bán hàng hiện đại. Vì vậy, giải pháp đưa ra là, cùng với xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao thì phải có cách liên kết tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đình Xuân cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp như quản lý kinh doanh, buôn bán giống… thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu các mô hình bán giống, hình thành những điểm bán tin cậy để giới thiệu cho nông dân…

Đối với vấn nạn giống giả, phân bón giả, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, khó khăn trong xử lý là các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả có trụ sở ngoài tỉnh nên ngành chức năng chỉ mới có thể xử lý các đại lý trong tỉnh bằng cách phạt nặng, công khai tên đại lý để người dân nắm thông tin. Ngoài ra, ông Xuân cũng đề nghị các địa phương và người dân phối hợp hỗ trợ trong phát hiện để xử lý.

“Nếu bà con mua phân bón cần giữ lại hóa đơn, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ phân bón giả cần gọi điện cho chính quyền địa phương và lấy mẫu miễn phí để kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm chính quyền sẽ yêu cầu xử lý và thậm chí là yêu cầu bồi thường nếu chứng mình được hậu quả gây cho người dân”, ông Xuân nhấn mạnh.

 

nong_dan_tay_ninh_neu_mua_phai_giong_gia_ai_boi_thuong_-_anh_minh_hoa_tham_nguyen.jpg

Nông dân Tây Ninh chất vấn, nếu mua phải giống cây giả, ai sẽ có trách nhiệm bồi thường?

Sau phần trả lời của ông Xuân, các đại biểu tiếp tục dành nhiều câu hỏi chất vấn về việc hỗ trợ cho người nông dân bởi, hậu quả của mua phải vật tư nông nghiệp giả, cây giống không đúng chất lượng có thể phải rất lâu dài mới thấy. Ví dụ, người nông dân dồn hết vốn liếng trồng cây lâu năm nhưng nếu gặp phải “hàng giả” thì hậu quả khôn lường và cũng không thể chứng minh được để bắt cơ sở bán sản phầm đền bù…

“Giám đốc Sở có nói khi người nông dân chứng minh được việc mua phải vật tư giả sẽ yêu cầu cơ sở đó bồi thường. Nhưng trường hợp không chứng minh được thì sao mà rất nhiều trường hợp không chứng minh được? Tôi ví dụ trường hợp người dân mua phải cây giống giả nhưng qua nhiều năm vẫn không thể chứng minh được, người nông dân phải gánh chịu”, đại biểu Nguyễn Tiến Hưng đặt vấn đề.

Trả lời nội dung chất vấn, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, nếu mua phải vật tư kém chất lượng, người dân được quyền ưu cầu bồi thường nhưng thẩm quyền thuộc về tòa án.

“Đây là vấn đề phức tạp và chắc chắn người bị thiệt hại phải chứng minh mình có thiệt hại, từ việc mua hàng phải có hóa đơn chứng từ, phải giữ lại bao bì nhãn mác và phải có thủ tục là khởi kiện ra tòa. Ngành nông nghiệp chỉ có thể hòa giải hoặc xử phạt doanh nghiệp và không có thẩm quyền bồi thường”, ông Xuân nêu rõ.

Phát hiện nhiều mẫu phân bón giả
 
Mới đây, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Công an, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và lấy mẫu kiểm tra chất lượng.
 
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra 363 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV và kiểm tra chất lượng 85 mẫu phân bón, thuốc BVTV. Kết quả phát hiện 7 mẫu phân bón giả (19.490kg), 3 mẫu phân bón kém chất lượng (7.000kg), 2 mẫu thuốc BVTV kém chất lượng (9,9 kg).
a.gif

Lực lượng chức năng tiêu hủy phân bón giả.

Lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số phân bón giả trên, thu hồi trả lại nhà sản xuất thuốc kém chất lượng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV trong 2 tháng đối với 3 cơ sở, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong 2 tháng đối với 1 cơ sở.
 
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, trước thực trạng giá các loại phân bón liên tục tăng cao, trên thị trường tỉnh này đã xuất hiện ngày càng nhiều phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và quyền lợi của người sử dụng.

Xử lý nghiêm tình trạng sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, xuất hiện tình trạng sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cùng với không ít đại lý phân phối tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tài (xã Định Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bức xúc: “Làm nông nhiều năm nhưng tôi rất khó phân biệt được phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng khi chỉ nhìn bao bì, nhãn mác. Sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả, nông dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, nông dân thua lỗ nặng. Chưa kể những hàng giả này còn gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước. Với những hộ trồng cây ăn trái thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý triệt để tình trạng này”.

 

3thao.jpg

Nông dân với nỗi lo phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, vật tư nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp được ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng. Theo đó, đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến các cơ sở SXKD và người dân để nâng cao nhận thức và cách phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Những tháng đầu năm 2022, Sở NN&PTNT An Giang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra 243 cơ sở. Qua đó, phát hiện và xử lý 80 đối tượng vi phạm, chủ yếu kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng, phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phân bón không có quyết định lưu hành; phân bón, thuốc BVTV có nhãn ghi thông tin không đúng bản chất sự thật; kinh doanh thuốc BVTV không đủ điều kiện kinh doanh.

Đã xử phạt gần 1,5 tỷ đồng; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm (hàng giả, hàng ngoài danh mục) và đình chỉ lưu thông theo quy định pháp luật. Sở NN&PTNT chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh để điều tra, xử lý 2 vụ (2 tổ chức và 3 cá nhân) có hành vi vi phạm kinh doanh phân bón giả.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Để hạn chế tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác nắm bắt, xử lý thông tin, chú trọng việc phản ánh về chất lượng vật tư nông nghiệp, niêm yết giá...

Qua đó, ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp ngành chức năng thực hiện thanh, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

qltt.jpg

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường; chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra hoạt động buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn; tiếp tục hướng dẫn cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp thực hiện kê khai giá theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mặt khác, về phía các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV cần xây dựng chiến lược chống hàng giả, nhất là công tác truyền thông về sản phẩm và chủ động đề xuất với các cơ quan nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả. Về phía nông dân, cần lựa chọn nhãn hiệu, thương hiệu tốt, có uy tín, đại lý có uy tín và không nên ham rẻ, không mua thiếu. Khi nông dân mua phân bón, cần lưu mẫu, lấy hóa đơn khi mua. Nông dân mua phân bón với số lượng lớn có thể yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng phân bón thì báo cho ngành nông nghiệp để có hướng xử lý kịp thời.

 

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao. Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo nông dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ nhằm giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất xanh và sạch hơn.
Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top