Ông Phạm Văn Tường là nông dân có kinh nghiệm sản xuất rau ăn lá và là thành viên của Tổ liên kết sản xuất rau an toàn ở ấp Tân Hậu B2, xã Long An, thị xã Tân Châu (An Giang).
Ông Tường chăm sóc cải bẹ dún.
Vụ đông xuân vừa qua, ông Tường trồng cải bẹ dún (còn gọi là cải dún; là một loài thực vật thuộc họ Cải ) với diện tích 2.000m2. Sau thời gian chăm sóc 40 ngày thì tiến hành thu hoạch, năng suất đạt 4 tấn/1.000m2, bán 4.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Tường thu lợi nhuận 6,7 triệu đồng/1.000m2, cao gấp 4-5 lần cấy lúa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được lợi nhuận trên vì theo ông Tường, cải bẹ dún khó trồng, nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm, cây sẽ óp bắp và bị thương lái chê, khó bán hoặc bán không được giá.
Trao đổi về kỹ thuật trồng cải bẹ dún, ông Tường chia sẻ:
Cây giống ươm đến 20 ngày tuổi thì đem ra trồng trên luống. Khâu chuẩn bị đất rất quan trọng vì ảnh hưởng đến sự phát triển cây sau này. Đất xới tơi xốp, lên luống với chiều cao 50-60cm, chiều rộng 70-80 cm, diệt côn trùng gây hại trong đất bằng sản phẩm thuốc Secsaigon 5EC (2 bình/công theo liều lượng khuyến cáo), bón lót 20 kg phân NPK Việt Nhật/1.000m2. Sau đó rải rơm phủ lên, tưới nước cho ướt đất và tiến hành trồng cây giống trên luống.
Nhằm tránh cho cây cải mất sức khi đem ra trồng trong thời tiết nóng, nhiệt độ cao so với trồng vườn ươm, nên cho nước vào rãnh liên tục trong 4 ngày đầu để cây có đủ nước phục hồi và phát triển rễ. Sau 4 ngày trồng cải xuống luống thì cách 1 ngày cho nước vào 1 lần.
Cải bẹ dún rất nhạy cảm với nhiều loại thuốc BVTV nên sau khi trồng chỉ sử dụng các loại thuốc trừ sâu chiết xuất từ tự nhiên, có tính an toàn cao và thân thiện với môi trường như: Radiant 60SC ở các thời điểm 7 ngày và 30 ngày sau khi trồng.
Ngoài ra, ông Tường còn sử dụng phân urê sau khi trồng 13 ngày (15 kg/1.000m2), phân NPK sau khi trồng 20 ngày (75 kg/1.000m2) và phân bón lá Root 2 (150 cc/1.000m2) ở thời điểm 6 ngày, 11 ngày và 15 ngày sau khi trồng để kích thích bộ rễ phát triển, giúp cây cải có đủ chất dinh dưỡng qua lá và rễ để nuôi cây.
Trước khi thu hoạch 10 ngày, ông Tường không sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào, vì theo ông, phải có thời gian cách ly để thuốc phân hủy không còn khả năng gây độc cho người và vật nuôi, đó là trách nhiệm của người sản xuất nông sản để cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau an toàn, chất lượng.
Nguyễn Thị Mỹ Tiên
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.