ATVSTP bữa ăn bán trú: Phụ huynh cần tham gia giám sát thực phẩm
Thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú, nào là định lượng không đủ; thực phẩm thiu thối, nhiễm sán…Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần tham gia vào công việc giao nhận thực phẩm.
Những vụ việc đau lòng
Cuối tháng 2, một số phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "vòng vo, không thỏa đáng".
Trưa ngày 5/3, phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối. Họ đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm.
Ngày 15/3, phụ huynh của 400 học sinh mẫu giáo Trường Mầm non Thanh Khương đã được đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn.
Ngày 3/4, trong lúc tham gia cùng tổ giao nhận thực phẩm của nhà trường, phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phát hiện 35kg thịt gà của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt giao bốc mùi nồng nặc.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, bộ phận tiếp nhận và nhà bếp đã báo cáo với nhà trường. Sau đó, nhà trường đã yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm đổi lại số thịt gà bị hỏng. Đến 8 giờ 15 phút cùng ngày, nhân viên công ty đã đến đổi lại số thực phẩm trên. Trong nhận xét đánh giá giao nhận thực phẩm của Trường Tiểu học Chu Văn An ngày 3/4 cũng ghi “chưa đạt” vì lý do “thịt gà để đông lạnh lâu có mùi ôi thiu, nồng nặc”.
Theo phụ huynh này chia sẻ, từ đầu tháng 3/2019, vì không yên tâm với thực phẩm, bữa ăn của con nên họ đã cắt cử nhau giám sát khâu giao nhận hàng lúc 6 giờ sáng cùng nhà trường. Không có bất cứ phương tiện, thiết bị gì hỗ trợ đánh giá chất lượng thực phẩm nên họ chỉ kiểm tra cân nặng cũng như nhìn, sờ, nắn để đánh giá.
Ngày 28/3/2019, Báo Kinh tế nông thôn cũng đã có bài viết phản ánh về Trường Tiểu học thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) bị phụ huynh tố về định lượng bữa ăn ít hơn so với giá tiền mà phụ huynh đã đóng.
Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng nhà trường Đào Thị Mai thừa nhận: Đúng là suất ăn này hơi ít, nhưng nguyên nhân là do đang trong quá trình có dịch tả lợn châu Phi nên phụ huynh đề nghị không cho ăn thịt lợn, vì vậy, thức ăn có ít một chút. Nhưng chỉ có bữa hôm đó thôi.
Rất nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học thị trấn Yên Viên đều không đồng tình với cách trả lời của Hiệu trưởng bởi lẽ việc suất ăn của học sinh ít hơn với tiền phụ huynh đóng đã xảy ra rất lâu, nhưng nhà trường không có động thái để khắc phục, thậm chí khi phụ huynh đề nghị được kiểm tra, giám sát việc nhập thực phẩm của đơn vị cung cấp cho nhà trường đều không được đáp ứng.
Phụ huynh cần trực tiếp tham gia tiếp nhận thực phẩm
Mặc dù toàn bộ chi phí cho bữa ăn bán trú đều do phụ huynh đóng góp trên cơ sở thỏa thuận với nhà trường, nhưng không phải trường nào cũng tham khảo ý kiến của phụ huynh trước khi lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm.
Chị Đào Thị Hồng, nhà ở xóm Bàng, xã Mão Điền, có 2 con học Trường Tiểu học Thanh Khương, cho biết, chị không thể yên tâm với nguồn thực phẩm từ bữa ăn bán trú, nhiều phụ huynh trong trường đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng với giáo viên chủ nhiệm các lớp học tạo điều kiện phụ huynh thay nhau kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào bữa ăn nhà trường.
Mặc dù trong các văn bản của ngành giáo dục đã có chỉ đạo đối với các trường tổ chức ăn bán chú, phải tổ chức công tác giao nhận thực phẩm bao gồm: Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường; Đại diện Ban Đại diện cha mẹ học sinh; Bộ phận nấu ăn của nhà trường; Đơn vị cung cấp thực phẩm...
Tuy nhiên, rất ít trường khi tiến hành giao nhận thực phẩm cho học sinh ăn bán trú lại có đầy đủ các thành phần như đã quy định, hầu như đại diện cha mẹ của học sinh đều không có mặt để tham gia công tác giao nhận thực phẩm vào mỗi buổi sáng này.
Nhiều vị phụ huynh học sinh cho rằng, việc giám sát giao nhận thực phẩm là trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, nhưng những vị này không hoàn thành trách nhiệm hoặc có rất nhiều lý do khác mà không thể tham gia.
Để bữa ăn của con em mình đang theo học tại các nhà trường có tổ chức ăn bán trú, vừa bảo đảm thực hiện theo đúng các quy định, vừa bảo đảm chất lượng bữa ăn của học sinh, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường và các lớp phải phát huy hết tinh thần trách nhiệm này của mình trước phụ huynh toàn trường.
Tổ chức và phân công cùng với nhà trường và các bên liên quan đến kiểm tra, giao nhận thực phẩm. Phát hiện và xử lý ngay những trường hợp thực phẩm ôi thiu, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh và chính con em của mình.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, để phụ huynh tham gia giám sát an toàn thực phẩm tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Dù không có chuyên môn, không có công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.
Ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Ngoài ra, các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn. Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.
Còn theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đường dây nóng: 0243.2321556 hoặc 0911.811.556 tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động 24/24 giờ hằng ngày. Chính vì vậy, phụ huynh khi nghi ngờ chất lượng thực phẩm cung cấp cho trường học không bảo đảm an toàn hay có thông tin về đơn vị cung cấp thực phẩm không tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hãy gọi tới đường dây nóng. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành thanh tra đột xuất và có thể trực tiếp đến trường để kiểm tra, mà không thông qua địa phương.