Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 9 năm 2019 | 14:25

Bài 5: Khởi tố Phan Văn Vĩnh vì “ra quyết định trái pháp luật”

Ngày 10/9/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao quyết định khởi tố bị can Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.

image001.jpg
Cựu tướng Vĩnh tại TAND tỉnh Phú Thọ

Ngày 10/9/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao quyết định khởi tố bị can Phan Văn Vĩnh, cựu Trung tướng, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo quy định tại Khoản 2 Điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi của ông Vĩnh là đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái pháp luật trong vụ án “buôn lậu” gỗ trắc.

Có phải nhóm lợi ích bán vật chứng?

Quyết định khởi tố bị can được VKSND tối cao (Vụ 6) phê chuẩn. Điều tra ban đầu xác định: Trong quá trình chỉ đạo điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật. Hành vi đã gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Quá trình bán vật chứng vụ án liên quan nhiều người. Ban đầu, ngày 12/7/2013, bà Khương Thị Minh Hằng-Phó vụ trưởng Vụ 1 VKSND tối cao ký văn bản số 25/VKSTC-V1 yêu cầu “tiến hành đấu giá lô hàng thu giữ của Công ty Ngọc Hưng”. Ngày 31/7/2013, Đại tá Lê Đình Nhường-Cục trưởng C44 ký “Quyết định xử lý vật chứng” số 21/C44-P4 cho tổ chức bán đấu giá. Sau đó tạm dừng và ngày 24/9/2013, cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương kết luận: “Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”.

Ngày 15/10/2013, Đại tá Nhường ký kết luận điều tra số 13/KLĐT-C44(P4), quyết định “chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vụ án đến Vụ 1 VKSND tối cao”. Nhưng ngày 11/12/2013, ông Nguyễn Mạnh Hiền-Vụ trưởng Vụ 1 VKSND tối cao ký quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V1 trả hồ sơ cùng tang vật cho C44 “để điều tra bổ sung”.

 

tang-vat.jpg
Tang vật của vụ án.

 

Đến ngày 23/12/2013, Đại tá Nhường ký công văn số 3599/C44-P4 gửi Trung tướng Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an xin ý kiến chỉ đạo “xử lý vật chứng của vụ án”. Ngày 27/12/2013, Tướng Vĩnh ký Công văn số 900/C41-C44 gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất: “Cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ vật chứng của vụ án”.

Bộ trưởng Bộ Công an phê: “Đồng ý xử lý theo pháp luật và kết luận của cuộc họp liên ngành”. Ngày 31/12/2013, Đại tá Nhường ký công văn số 905/C44-P4 gửi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP. Hà Nội “tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng vụ án”. Cuộc bán đấu giá diễn ra ngày 10/01/2014, được 63 tỷ 920 triệu đồng (trước khi VKSND tối cao ra cáo trạng lần đầu vào ngày 7/5/2014). Theo chủ lô gỗ Trương Huy Liệu, giá thị trường phải hơn 300 tỷ đồng.

Đại tá Nhường sau này được phong Thiếu tướng, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa XIV. Ngày 12/4/2019, ông Nhường bị miễn nhiệm chức vụ và cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV vì các vi phạm trong thời gian công tác tại Bộ Công an. Liên quan việc bán vật chứng còn có quan chức ở Vụ 1 của VKSND tối cao. Hiện nay, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi của những người có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngược dòng kỳ án, đến “giám định chui”

Theo hồ sơ, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng) của vợ chồng ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung mở tờ khai hải quan, nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào, nộp thuế đủ. Hai ngày sau, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai xuất khẩu nguyên lô gỗ đã đóng vào 22 container, sang Hong Kong. Khi chở gỗ xuống tàu ở cảng Đà Nẵng, một xe container bị công an địa phương tạm giữ qua việc chi 50 triệu đồng “mua tin báo”. Chiếc xe được xác định “vi phạm trong lĩnh vực hải quan” nhưng Hải quan cảng Đà Nẵng kiểm tra không phát hiện vi phạm. Vụ việc được chuyển lên Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan để khởi tố vụ án “buôn lậu”.

Hồ sơ khởi tố vụ án chuyển sang C46 Bộ Công an nhưng ngày 06/6/2012, C46 có Công văn số 231/C46-P(10) xác định “chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu” nên trả hồ sơ. Ngày 11/6/2012, Tổng cục Hải quan có công văn gửi Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề nghị chỉ đạo C44 tiếp nhận hồ sơ, điều tra vụ án. Ngày 12/7/2012, C44 có công văn gửi Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị chuyển giao hồ sơ vụ án và đưa về Phòng 4 nơi con trai của ông Ngọ lãnh đạo “để điều tra theo thẩm quyền”. Sau đó, lô gỗ vật chứng bị bán.

 

unnamed.jpg
Các bị can tại tòa.

 

Lô gỗ lại được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam giám định cho ra hai kết quả: ngày 12/3/2012 xác định có 453,104 m3 đến ngày 26/11/2013 lại xác định 614,672 m3. Vì vật chứng đã bị bán nên cấp sơ thẩm 03 lần mở phiên xét xử phải hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung, đến lần thứ tư sử dụng kết quả giám định ban đầu để tuyên án vào chiều 23/8/2018: phạt bị cáo Liệu 1 năm 16 ngày tù (bằng thời gian tam giam), 4 người khác 6-9 tháng tù treo. Còn tòa phúc thẩm sử dụng kết quả giám định lần sau để buộc tội, tuyên án ngày 26/7/2019: tăng hình phạt bị cáo Liệu lên 7 năm tù, bà Dung lên 3 năm tù treo.

Bản án phúc thẩm bị dư luận rộng rãi phản ứng, cho rằng “giám định chui” vì tổ chức cũng như các cá nhân giám định không có tư cách giám định tư pháp, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam còn không có khả năng giám định khối lượng gỗ. Sử dụng “giám định chui” buộc tội công dân là gây oan sai. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã trực tiếp chất vấn Chánh án TAND tối cao tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 15/8/2019 và nay đang đề nghị xem xét giám đốc thẩm.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Nếu tòa tuyên án ông Trương Huy Liệu tội buôn lậu 78,871m3 gỗ trắc. Vậy, số gỗ 535,8m3 không phải buôn lậu thì bây giờ xử lý ra sao?.  

 

Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh (64 tuổi) sinh tại Nam Định từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 12, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 30/11/2018, ông Vĩnh bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 9 năm tù giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đã tạo điều kiện cho đường dây đánh bạc qua mạng internet hàng chục ngàn tỉ đồng do Nguyễn Văn Dương cầm đầu.

 

Nhóm PV miền Trung

Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top