Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021 | 9:22

Biến đất hoang thành vườn cây ăn quả

Vào lập nghiệp ở làng Kóp, xã Kon Gang (Đak Đoa - Gia Lai) từ năm 2010, ông Nguyễn Duy Đô trở thành triệu phú với vườn cây ăn quả rộng hơn 3ha. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp nhiều người dân trong xã có thu nhập ổn định từ làm vườn.

Thoát nghèo nhờ vườn cam

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng hơn 3ha với đủ loại cây trồng sai trĩu quả, ông  Đô cho hay: “Hơn 10 năm trước, khu vực này là vùng trũng thấp, đất pha cát nên khó trồng trọt, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người thấy tôi thuê đất trồng cam thì khuyên can. Tuy nhiên, khi mình đã quyết thì phải làm cho bằng được, chịu khó cải tạo lại đất. Đất không phụ công người, cây cam đã cho trái ngọt”.

Kể về mối lương duyên với mảnh đất Kon Gang, ông Đô tâm sự: “Tôi sinh ra ở vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Năm 2010, tôi vào Gia Lai thăm người nhà. Thấy đất đai ở xã Kon Gang rộng rãi, khí hậu mát mẻ, rất thích hợp để trồng các loại cây có múi nên tôi đưa vợ con vào đây lập nghiệp”.

Từ số vốn tích góp được, ông Đô thuê 1,6ha đất với giá 30 triệu đồng trong vòng 10 năm để trồng cam. Đồng thời, ông vay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đak Đoa 50 triệu đồng để mua cây giống, phân bón. Ông ra tận Nghệ An để mua cây giống cam Vinh về trồng. “Do đất ở đây là vùng trũng nên tôi đào các rãnh thoát nước giữa các luống cây để luôn giữ ẩm vào mùa nắng và tránh bị ngập úng khi mưa. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, 200 cây cam cho năng suất cao, chất lượng không thua kém gì cam trồng ở Nghệ An. Tôi trả được nợ ngân hàng và có tích lũy”, ông Đô nhớ lại.

Theo chia sẻ của ông Đô, cây cam thường mắc các bệnh sâu đục thân, rệp trắng, vàng lá. Để hạn chế những loại bệnh gây hại này, tôi tuyệt đối không dùng thuốc hóa học mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học, cắt tỉa cành để tránh lây lan mầm bệnh. Nhờ canh tác khoa học nên vườn cam của tôi cho sản lượng gấp 2-3 lần bình thường, trung bình đạt 40-60 kg/cây, giá bán tại vườn là 25 ngàn đồng/kg.

 

vc.jpg
Ông Nguyễn Duy Đô (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả với người dân xã Kon Gang, huyện Đak Đoa.

 

Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả

Sau khi thành công với vườn cam, ông Đô mua 1,7ha đất để trồng thêm 1.000 cây cam xen canh cùng các loại cây ăn quả khác. Lợi thế của việc đa canh chính là mùa nào cũng có sản phẩm để thu hoạch. Năm 2017, ông  trồng thử nghiệm giống cam không hạt và cấy ghép thành công giống cam ruột đỏ, có vị ngọt thanh hơn. Hai loại cam này ông Đô bán với giá 40-50 ngàn đồng/kg. Ông tạo nhãn hiệu trái cây an toàn Năm Đô, canh tác theo phương pháp hữu cơ, được chứng nhận VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ông A Lưng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Đoa, đánh giá: “Ông Đô là người tiên phong trồng cây ăn quả ở xã Kon Gang. Nhờ ông mà nhiều  nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả. Hội Nông dân huyện đã tổ chức nhiều đợt tham quan, tạo điều kiện cho bà con học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ mô hình sản xuất của ông Đô. Ông Đô đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020”.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đô còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây ăn quả cho bà con trong xã. Năm 2014, ông Đô vận động 12 hộ dân trong xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cây có múi với diện tích 7ha. Năm 2019, ông Đô tiếp tục xây dựng Tổ liên kết chuỗi giá trị nông sản với 20 thành viên, mở rộng thêm 15,2 ha các loại cây có múi khác. Tổ liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang để bao tiêu sản phẩm. Anh Nguyễn Thành Trung (làng Kóp) cho biết: “Trước đây, gia đình mình trồng cà phê nhưng thu nhập khá bấp bênh. Nhờ chú Đô hỗ trợ cây giống và hướng dẫn quy trình chăm sóc, mình đã chuyển hướng sang trồng cam. Nhờ đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định”.

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Đô trở thành địa chỉ tham quan của nhiều nông dân trên địa bàn. Hàng năm, vườn cây mang lại cho ông lợi nhuận 200-250 triệu đồng. Ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

“Việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ sẽ khó phát triển bền vững. Vì vậy, chúng tôi liên kết để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp tăng năng suất cây trồng, ổn định được đầu ra sản phẩm. Tôi cảm thấy rất vui vì có thể giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá”, ông Đô phấn khởi cho hay.

Phan Lài
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top