Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 12 năm 2019 | 15:49

Bộ Công Thương xây dựng thị trường thực phẩm an toàn

Bộ Công Thương vừa tổ chức Lễ công bố Chương trình “Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương” năm 2019, với 2 thông điệp: “Tôi hành động vì an toàn thực phẩm” và “Xây dựng cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm”.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Chương trình được tổ chức tập trung nhiều hoạt động hướng đến doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng người tiêu dùng. Chương trình thu hút được sự hưởng ứng của 150.000 đoàn viên Công đoàn Công Thương và hàng ngàn tình nguyện viên. Các tỉnh thành phố trên cả nước đã hưởng ứng Chương trình với nhiều hoạt động phong phú.
 
lãnh-đạo-bộ-công-thương-trải-nghiệm-với-các-sản-phẩm-thực-phẩm-an-toàn.jpg
Lãnh đạo Bộ Công Thương trải nghiệm với các gian hàng có sản phẩm thực phẩm an toàn

 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương là 1 trong 3 cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Thời gian qua, Bộ đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.
 
Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho các DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu; tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và DN xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP. Bộ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các DN có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.
 
Song song với đó, Bộ Công Thương còn phối hợp với các bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Công tác thông tin tuyên truyền đã được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Chương trình “Hành động vì an toàn thực phẩm” ngành Công Thương trong những năm qua là một điểm sáng trong công tác truyền thông về ATTP của Bộ Công Thương.
 
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được phân công, tiếp tục xác định công tác quản lý ATTP là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ với nhóm 6 giải pháp góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.
 
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ ATTP và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
 
 
Vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm
 
Hai đặc điểm cơ bản là chất lượng và tiêu chuẩn để đánh giá tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là đối với những hàng hóa là thực phảm và đồ uống. Hai đặc điểm này giúp người tiêu dùng có những thông tin quan trọng về sản phẩm mà họ mua và cải thiện được tính minh bạch trong quản lý.
dscf1004.jpg
Diễn đàn thực phẩm và đồ uống Việt nam năm 2019. 
 
Đây là những nội dung chủ yếu được thảo luận và trao đổi trong Diễn đàn Thực phẩm và Đồ uống Việt Nam 2019 với chủ đề “Hành động vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn”. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức
 
Diễn đàn tập trung trao đổi về các cơ hội và thách thức của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam từ nhiều khía cạnh khác nhau trong bối cảnh hiện nay và chia sẻ các thông lệ và thực tiễn quốc tế trong lĩnh vực này để cùng hướng tới mục tiêu bền vững trong kinh doanh và quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
 
Diễn đàn đã tạo cơ hội để các diễn giả và đại biểu tham gia thảo luận và chia sẻ các thực tiễn về môi trường kinh doanh, kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm, các xu hướng mới từ quốc tế và trong nước cũng như các sáng kiến cho sự phát triển bền vững với hành động vì môi trường và sức khỏe con người. Hội thảo gồm hai phiên đối thoại với các chủ đề ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống hành động vì môi trường bền vững và Đối thoại về chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
 
Chất lượng và tiêu chuẩn là đặc điểm cơ bản để đánh giá tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là đối với thực phẩm và đồ uống vì chúng giúp người tiêu dùng hiểu các thông tin quan trọng về sản phẩm họ mua và đồng thời cải thiện tính minh bạch trong quản lý thực phẩm. Việc cải tiến quản lý tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm cũng sẽ dẫn đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước bằng cách chuẩn hóa các quy định về chất lượng đáp ứng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.
 
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến có một diễn đàn thường niên của ngành đồ uống và thực phẩm, đây sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cùng nhau thảo luận trao đổi về chính sách, quy định, tiêu chuẩn, môi trường kinh doanh, sản xuất và phát triển bền vững đối với ngành quan trọng này.
 
Việc trở thành đối tác của Amcham, của Diễn đàn Đồ uống và Thực phẩm thể hiện quan điểm của Tổng cục TCDLCL trong việc luôn đồng hành cùng các hiệp hội, các doanh nghiệp để ngày càng cải thiện các quy định nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam và góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế”.
 
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top