Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 3 năm 2022 | 16:34

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Gắn du lịch cộng đồng với kinh tế nông nghiệp bản địa là khai thác nguồn vốn vô hạn

Trong chuyến công tác tại Tuyên Quang mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm một số điểm du lịch cộng đồng homestay tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).

Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hoá.

t1.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thăm các mô hình du lịch cộng đồng Homestay tại tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).

 

Chúng ta phải bán giá trị

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, chúng ta đang làm nông nghiệp, đang làm du lịch, chúng ta bán cái gì, nhiều khi chúng ta bán những cái thấy nó rẻ lắm, nên phải bán cái người ta không thấy nó mới đắt. Bán nông sản của bà con làm ra gọi là bán giá cả, homestay này bán vé 100.000 đồng/đêm, đấy là chúng ta bán giá cả, mà bán giá cả thì chúng ta không giàu được, chúng ta phải bán giá trị.

Tôi xin tặng các điểm du lịch một số cuốn sách, cuốn đầu tiên với tựa đề rất hay, “Người nghèo, nghèo cái túi, người giàu, giàu cái đầu”. Cái đầu người ta làm giàu chứ không phải cái tay chân làm giàu, cuốn sách này của người Trung Quốc họ viết, họ dạy cho người dân họ làm giàu.

Ngày xưa làm giàu phải có vốn liếng, nhưng vốn hữu hình là đồng tiền nó không là bao, mà vốn trong đầu, vốn cách nghĩ, cách làm, vốn đó nhân mãi, nhân mãi ra. Người Trung Quốc người ta làm giàu dựa trên cái đầu. Người nông dân nói, tôi chân lấm, tay bùn, cặm cụi quanh năm nhưng tôi vẫn nghèo. Tôi nói rằng, người ta làm giàu không phải bằng bàn tay mà làm giàu bằng khối óc, làm giàu bằng cách nghĩ khác.

Cuốn thứ hai là kinh nghiệm thành công của người Trung Quốc, họ dạy nghề nấu rượu, làm bánh bao… nhưng thông qua câu chuyện họ dạy bán nông sản… Đọc xong tôi thấy rất bất ngờ, chuyện người ta dạy rất đơn giản, mình đọc xong bảo sao mình nghĩ cái gì xa vời, niềm tin, sự lạc quan, sự gắn bó trong cộng đồng đó mới là nguồn vốn.

Tôi được biết huyện Lâm Bình từ 15 homestay nay lên 50 homestay, bản thân nó là một nguồn vốn, nông lâm homsaty thị trường rất lớn, truyền thông lớn đủ quy mô, 50 homestay này nếu bà con đoàn kết với nhau, chia sẻ với nhau. Tôi ước mơ một ngày nào đó, homestay này có biển quảng cáo cho homestay nhà hàng xóm, homestay hàng xóm lại quảng cáo lại cho homestay khác. Ông bà mình thường nói, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải cùng nhau mà đi.

t2.jpg
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, huyện Lâm Bình đang phát triển du lịch đúng hướng, không phá vỡ cảnh quan tự nhiện, bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

 

Bán câu chuyện cho khách

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi khách đến đây, người ta thấy homestay này đặt biển quảng cáo cho homestay đường kia thì người ta thấy yêu mến homestay này, người ta thấy có một cái gì đó rất là hay, lúc này cảm xúc người ta rất là đặc biệt. Chúng ta làm du lịch nông nghiệp, nông thôn chẳng qua là bán một câu chuyện và bán cảm xúc cho người khách. Ăn uống cũng vậy, chúng ta ăn uống có được bao nhiêu đâu, nhưng người ta ăn bằng cảm xúc. Đó là sản phẩm bản địa, bình thường nó ở trên đồi, trên núi, nó là tài nguyên bản địa cộng với văn hoá của người dân ở đây là bà con dân tộc Tày, dân tộc Dao…. người ta đang tìm đến là tìm đến cái đó.

“Vừa rồi anh Hiền (Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Bình) có nói, Lâm Bình là vùng sâu, vùng xa, hãy bỏ tư tưởng vùng sâu, vùng xa đi, nói vùng sâu, vùng xa biết đâu cái đó lại là lợi thế của mình. Những người ở Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến đây là tìm tới cội nguồn lịch sử, một bản sắc văn hoá. Ngày xưa muốn phát triển kinh tế phải có vốn mới làm được, vốn người ta nghĩ là tiền. Nhưng ngày nay, người ta phát hiện ra một điều, vốn đó rất là hữu hạn, còn vốn vô hạn là văn hoá của địa phương”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy ví dụ, ở Lâm Bình có 50 homestay nhưng không liên kết với nhau, không đoàn kết dù mình có bao nhiêu tiền, người này cạnh tranh người kia, người này nói xấu người kia. Bi kịch du lịch là như thế. Khi cạnh tranh nhau thì tôi muốn được nhiều tôi phải nói xấu anh kia, nói xấu bên kia. Còn nếu đoàn kết nhau, tôi nói cho anh, anh nói lại cho tôi, tôi nói cho anh này, anh này nói lại cho tôi. Khi về miền quê ai cũng nói tốt cho nhau, ai cũng sẵn sàng chia sẻ với nhau, người ta không nghĩ cho mình mà nghĩ cho người khác, lúc này rất nhiều khách họ đến.

t3.jpg
Ông Nguyễn Thành Trung (bên phải), Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình tặng quà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

Chuyển sang kinh tế nông nghiệp

Vốn văn hoá, vốn xã hội để phát triển kinh tế, tức vốn vô hình chuyển hoá thành vốn hữu hình. Chúng ta đừng nghĩ tiền, nhà, đất đai mới là vốn. Cái mà ta thấy được là cái hữu hình, mà thường thường cái hữu hình thì nó hữu hạn. Đất đai chỉ có bấy nhiêu, Lâm Bình 76% là rừng núi, con người thì càng sinh sôi nảy nở, không thể trồng rừng dày đặc lên được, hồ ở Na Hang, hồ ở Lâm Bình chỉ có bây nhiêu dung tích, có bấy nhiêu nước, dung tích đó nuôi bao nhiêu cá, đẩy năng suất thì đến một ngưỡng nào đó nó sẽ dừng lại. Thậm chí sau này phát triển kinh tế phải lấy đất đai để làm đường, thu hút nhà đầu tư, cái hữu hình sẽ hữu hạn, giới hạn đó là quy luật.

Nhưng vốn văn hoá, vốn xã hội là vô hình thì nó là vô hạn, khai thác hoài nó còn hoài, người đi trước khai thác rồi, người đi sau làm cho nó giá trị cao hơn. Cũng một sản phẩm từ lạc, từ rượu hôm nay chúng ta bán 100.000 đồng/chai, nhưng thế hệ sau nghĩ làm sao phải bán được 120.000 đồng/chai, bởi làm bao bì tốt hơn, làm quảng cáo, truyền thông tốt hơn. Nhưng người sau nữa có thể bán tới 200.000 đồng/chai, cái đó nó đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị vô cùng chứ không dừng lại ở sản lượng. Do vậy, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nó là như vậy.

Lúa bậc thang ở đồng bào phía Bắc so với sản lượng thì không thể bằng lúa ở ĐBSH, so với ĐBSCL, trong đó có Đồng Tháp quê tôi thì đừng có mơ một ngày nào đó bằng được như vậy. Nhưng lúa bậc thang lại mang giá trị của lúa bậc thang, làm sao phải bán gấp 10 lần lúa ở ĐBSCL nếu chúng ta biết kể một câu chuyện, chúng ta biết quảng cáo, chúng ta biết nâng giá trị từ vốn văn hoá, từ lịch sử, từ vẻ đẹp của ruộng bậc thang, chúng ta bán là bán cả không gian, trước giờ ta bán cái hữu hình mà quên đi cái vô hình, Bộ trưởng chia sẻ.

Giúp cộng đồng năng động, đoàn kết, văn minh hơn

Du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ mang về tiền bán vé, tiền chụp hình, cái đó không quan trọng, quan trọng đối với tôi là tôi thấy người dân văn minh hơn, ngày xưa chỉ sáng ra vườn, về nhà đụng vợ con, nó quanh quẩn, khi tôi thấy sáng ra làm ăn nó dễ hơn, khi có khách tới nhà, nhà cửa sạch sẽ hơn, vợ con nói năng cũng văn minh hơn, rồi xóm an ninh trật tự, bởi người ta giữ cho nhau để làm du lịch.

Chúng ta làm một việc ra được rất nhiều việc, chứ không phải chỉ thu được 100.000 đồng/đêm, giá trị vô hình đằng sau đó là gắn kết cộng đồng và tạo sự năng động của cộng đồng nông thôn. Và mang lại du lịch trải nghiệm cuộc sống địa phương, trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp hoạt động du lịch thu được lợi ích kinh tế và chịu trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ địa phương, lúc đó chúng ta sẽ tự hào giới thiệu về địa phương mình. Người làm du lịch của chúng ta giống như làm nông nghiệp, mình bán cái người khác cần, chứ không bán cái mình có, phải coi khách cần gì, thoả mãn nhu cầu của khách là mình bán cái đó, cái gì tiện ích, có văn hoá chiều sâu là họ yêu thích, Bộ trưởng cho hay.

.


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top