Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 10 năm 2021 | 11:2

Bột rau sấy lạnh và hành trình khởi nghiệp của cô gái 8X

Từng làm kiểm định viên cho công ty nước ngoài 10 năm, được “bay nhảy” khắp nơi, nhưng Ngô Thị Hiền lại khiến nhiều người không khỏi bất ngờ trước quyết định về quê khởi nghiệp, ôm “cối đá” nghiền rau thành bột.

br1.jpg
Khu vực trồng rau không sử dụng thuốc trừ sâu của công ty.

 

Thất bại 100 triệu đồng “vẫn liều khởi nghiệp”

Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Trường Đại học Hải Phòng năm 2009, Ngô Thị Hiền (SN 1987, trú tại xã An Thắng, huyện An Lão, TP. Hải Phòng) đi làm thuê cho một công ty nước ngoài ở vị trí chuyên viên kiểm định chất lượng, với mức thu nhập khá.

Nghĩ lại thuở ban đầu, Hiền trầm ngâm nói: Thời điểm đó, tôi thường xuyên được công ty cử đi công tác tại nước ngoài. Tiếp cận nền văn hóa của nước bạn và nhận thấy sản phẩm nông nghiệp của họ được phát triển sâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí họ còn phải nhập nguyên liệu từ đất nước mình. Còn tại Việt Nam, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp nhưng nông sản chưa có giá trị cao do chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa có sự đặc sắc, đa dạng trong chế biến sâu. Các sản phẩm chật vật đường ra, “được mùa, mất giá”, nhiều khi còn phải giải cứu.

 

br3.JPG
Rau sau khi thu hoạch về được chế biến, làm sạch và sấy lạnh theo công nghệ của Nhật Bản.

 

Trăn trở vì điều đó, cùng với khao khát muốn tạo ra sản phẩm sạch, hướng đến bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng… nên mỗi lần ra nước ngoài công tác, tôi luôn tận dụng thời gian để tìm hiểu chuyên sâu về sản phẩm nông nghiệp, cách đưa khoa học kỹ thuật của người Thái Lan, Trung Quốc vào sản xuất nông nghiệp, Hiền tâm sự.

Nung nấu ước mơ xây dựng cho mình một thương hiệu riêng, sản phẩm do mình làm ra, năm 2019, chị  quyết định nghỉ việc về quê, khởi nghiệp trên chính 3 sào  (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng của gia đình.

Chị Hiền chia sẻ: “Hiện nay, người dân dần mất cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, ăn thừa thịt, cá mà thiếu rau, dẫn đến các căn bệnh như: táo bón, nổi mụn, nóng trong người, cho đến những bệnh nguy hiểm hơn như: trĩ, dạ dày, gan, tim, ung thư… Việc chế biến rau củ tươi thành dạng bột siêu mịn nhằm bổ sung lượng rau thiếu hụt, ở dạng bột nên rất tiện lợi và linh hoạt với nhiều mục đích sử dụng khác nhau: sinh tố, nước detox, pha nước ép, sữa chua, mật ong, khuấy cùng cháo bột, trộn cơm cho trẻ em… dạng bột tiện lợi  rất phù hợp cho những người bận rộn không có thời gian chế biến”. Và rồi chị thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Lineup, bắt tay vào nghiên cứu, chế biến bột rau.

Ban đầu, khởi nghiệp với nhiều khó khăn, chị thử sức với 2 loại bột rau má và diếp cá: “Tôi tự mua máy sấy hơn 50 triệu đồng về sấy rau, nhưng không phù hợp, phải đổi máy khác. Sản phẩm làm ra không như ý mình, cứ làm ra là bị hỏng do sấy quá nhiệt dẫn đến cháy, lần thì chất lượng không đạt, những mẻ đầu làm ra phải mang đổ đi, có  đêm tôi mang sản phẩm hỏng bỏ đi không cho gia đình biết vì mọi người tiếc sản phẩm do chính mình làm ra… Không nản chí, tôi tự động viên bản thân “người ta làm được, mình cũng làm được; làm 1 lần không được, thì 10 lần, 10 lần không được thì 100 lần sẽ được”. Ban đầu làm tôi thất bại,    mất đến 100 triệu đồng cho thất bại đó. Bài học nào cũng sẽ mất phí, nên tôi coi đó như kinh phí để trả cho bài học khởi nghiệp”, chị Hiền kể.

 

br5.JPG
Chị Hiền luôn tỷ mỉ, cần trọng trong các khâu chế biến bột rau, để sản phẩm giữ được nguyên chất dinh dưỡng.

 Ôm cối đá nghiền rau, kiếm doanh thu hàng tỷ đồng

Sau những thất bại từ sản phẩm làm ra không đạt, chị Hiền dần có kinh nghiệm hơn, để đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất, chị đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua trang thiết bị mới bằng công nghệ sấy lạnh theo công nghệ Nhật Bản, đầu tư 6 cối đá granite để xay nghiền rau. Đây là loại cối giúp bột mịn hơn, giữ trọn màu và không làm mất chất dinh dưỡng.

Rau sau khi thu hoạch được rửa sạch rồi qua công đoạn sấy lạnh tiệt trùng. Tùy loại rau mà thời gian sấy khác nhau, trước khi được nghiền thành bột và đóng gói, tất cả được làm theo quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh.

Khi chất lượng bột rau được đảm bảo đúng yêu cầu, chị Hiền cũng chủ động đi các đại lý, tham gia các hội chợ, hội thảo… quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến. “Tôi từng mang sản phẩm của mình tham gia các cuộc thi của TP. Hải Phòng. Giải thưởng tôi từng đạt được vào năm 2019 khi tham gia cuộc thi Techfest và đoạt giải nhất với dự án bột Rauta (Bột rau củ và các sản phẩm giá trị gia tăng từ rau củ); Giải nhất Hội thi Sáng tạo nhà nông lần thứ 3 năm 2020-2021 với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chế biến các loại rau kết hợp với hoa quả thành bột dinh dưỡng uống liền; tham gia cuộc thi ươm mầm khởi nghiệp do Thành Đoàn Hải Phòng tổ chức, hiện sản phẩm đã lọt vào vòng chung kết”, chị Hiền cho biết.

Đến nay, khoảng 3 năm khi sản phẩm bột rau của công ty chị Hiền được chào bán sản phẩm ra thị trường, chị có thể tự tin về chất lượng, độ sạch của sản phẩm như cam kết ban đầu. Sản phảm của công ty được bán trên cả nước với 20 đại lý phân phối và các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Ông Ninh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện An Lão, đánh giá cao về mô hình phát triển bột rau của hội viên: “Mô hình sản xuất bột rau sấy lạnh của chị Hiền rất tiêu biểu, công ty đang đi đúng hướng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, nhiều người làm việc tại các công ty, đơn vị  kinh doanh không có thời gian chăm sóc, chế biến các sản phẩm từ rau cho bữa ăn, nên họ chọn bột rau để cân bằng dinh dưỡng. Năm nay, chị Hiền tham gia sản phẩm OCOP của huyện An Lão với 2 sản phẩm bột rau má và râu cần tây”.

Chị Hiền xây dựng công ty, khởi nghiệp trong khi cả nước phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều công ty khởi nghiệp điêu đứng. Thì từ khi thành lập đến nay, công ty của chị Hiền vẫn đều đặn xuất bán ra thị trường 1.500-2.000 sản phẩm mỗi tháng, cho doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Đó là thành quả của nhiều năm cố gắng và làm việc bằng tất cả đam mê.

Với niềm đam mê và mong muốn tạo ra những sản phẩm uy tín từ những nguyên liệu sạch, chị Ngô Thị Hiền đã  khởi nghiệp thành công. Có thể thấy, chị là tấm gương của người phụ nữ hiện đại đã hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao, thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Khi đại dịch Covid-19 đợt 4 hoành hành, nông sản tươi tiêu thụ khó khăn thì chế biến sâu - bột rau sấy lạnh của Ngô Thị Hiền là một giải pháp cần nhân rộng và tấm gương dám làm của Ngô Thị Hiền cũng cần nhân rộng.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top