Không chỉ là sinh viên xuất sắc, Bùi Hữu Tĩnh ở xã Quảng Long (Quảng Xương - Thanh Hóa) còn được mọi người biết đến với 28 lần tình nguyện hiến máu cứu người. Tĩnh được xếp trong danh sách những người tham gia hiến máu nhiều nhất xứ Thanh.
Bùi Hữu Tĩnh (giữa, cầm bằng khen) và nhóm bạn trong một lần tham gia công tác tình nguyện vùng cao.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (cơ sở tại Thanh Hóa), Tĩnh hăng hái tham gia phong trào tình nguyện và được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống, CLB tình nguyện những người hiến máu ở địa phương.
Tĩnh chia sẻ, bản thân sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhà đông anh em nên việc được ăn học đầy đủ là một niềm hạnh phúc lớn. Sau khi học hết lớp 12, Tĩnh thi đỗ Học viện Hậu cần và Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (tại Thanh Hóa). Đắn đo suy nghĩ, cuối cùng, Tĩnh chọn theo học ở ngôi trường ngay tại quê nhà.
Trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường, Tĩnh luôn là sinh viên xuất sắc, nhận học bổng toàn diện và rất tích cực tham gia phong trào tập thể. Về lần đầu tiên đến với phong trào hiến máu tình nguyện, Tĩnh chia sẻ, anh bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 2006.
Lần đó, Tĩnh cùng nhóm bạn đang trên đường đến trường nộp giấy dự thi đại học thì gặp tai nạn, hai thành viên bị thương nặng. Trong lúc cấp bách, bác sĩ yêu cầu người nhà nạn nhân phải cung cấp máu để mổ. Vượt qua sự sợ hãi của lần đầu, Tĩnh mạnh dạn đăng ký.
Tuy nhiên, những giọt máu của anh chỉ đủ cứu sống được một người, nạn nhân còn lại vì mất quá nhiều máu nên đã tử vong. “Ban đầu, tôi còn sợ hãi và lạ lẫm vì chưa từng hiến máu. Sau khi một trong hai người bạn qua đời, tôi mới thấu hiểu máu quan trọng đến nhường nào”, Tĩnh chia sẻ.
Trong mọi hoạt động, Tĩnh (đi đầu) luôn được đánh giá là thanh niên năng động, nhiệt huyết.
Từ đó, Tĩnh sẵn sàng tình nguyện hiến máu mỗi khi có ai cần. Những năm đại học, Tĩnh có điều kiện thúc đẩy và nhân rộng hoạt động nhân đạo trong tập thể. “Ban đầu, tôi cùng một số bạn sinh viên thành lập CLB sinh viên công nghiệp vì cộng đồng để tuyên truyền việc làm nhân đạo, giúp đỡ người nghèo”, Tĩnh chia sẻ. Không chỉ tham gia, anh còn vận động hàng nghìn bạn trẻ tham gia hiến máu mỗi năm. Tháng 7/2012, Tĩnh cùng nhóm bạn thành lập ngân hàng máu sống với 59 thành viên, sẵn sàng ứng cứu những bệnh nhân cần máu.
Hiện nay, trong danh bạ của Tĩnh, ngoài các thành viên trong CLB Ngân hàng máu sống, còn có thêm hơn 100 số điện thoại của sinh viên có thể tham gia cứu người khi cần sự giúp đỡ.
“Mình biết chi phối và điều tiết thời gian cho mọi công việc. Tham gia nhiều công tác nhưng việc học tập đối với mình vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Khi sắp xếp thời gian hợp lý thì mình sẽ không bị ảnh hưởng đến công việc học tập mà vẫn làm được nhiều việc khác”, Tĩnh chia sẻ.
Tính đến đầu năm 2016, Tĩnh đã có 28 lần hiến máu, giúp cứu sống được khá nhiều người. Tại Hội nghị tổng kết công tác hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 - 2011, Tĩnh là một trong 8 gương mặt trong cả nước được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tôn vinh và tặng bằng khen. “Cuộc sống này không chỉ có nhận. Chúng ta nên cho đi và sẽ cảm thấy cuộc sống này tươi đẹp, con người thân thiện hơn”, Tĩnh tâm sự.
Không chỉ nằm trong top những người hiến máu nhiều nhất xứ Thanh, Tĩnh còn học hỏi và đang sở hữu một trang trại nuôi các con đặc sản như ếch, rắn, cá..., tạo việc làm cho nhiều người. Từ cuối 2015 đến nay, Tĩnh đầu quân cho Công ty Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên.
Đã thành thông lệ, Lễ hội Xuân hồng đã trở thành nơi để cộng đồng chia sẻ những giọt máu đào với thông điệp: Một giọt máu trao đi, nhiều cuộc đời ở lại. Riêng tại Lễ hội Xuân hồng lần thứ IX (tổ chức ngày 28/2/2016) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, đã có khoảng 20.000 người tham gia và tiếp nhận 8.000 đơn vị máu. Đây là lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước, được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khởi xướng từ năm 2008. Trải qua 8 năm tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã trở thành sự kiện thường niên đầy ý nghĩa trong cộng đồng, nhận được sự ủng hộ và sẻ chia giọt máu đào của hàng ngàn người vào mỗi dịp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Không giống với hàng trăm lễ hội đầu xuân khác, Lễ hội Xuân hồng là nơi để mọi người cùng sẻ chia và tiếp nhận tình yêu thương, nhân ái khi cho đi những giọt máu đào. Đây cũng là lễ hội nhân đạo cần được lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng nhằm cứu giúp những người bệnh”. |
Duy Cảnh
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.