Ông Quách Công Thọ, Bí thư Đảng ủy thị trấn, chiếm dụng hơn 9 mẫu đất nông nghiệp để sử dụng riêng, trong khi bà con phải tận dụng từng mét vuông đất để canh tác.
Người dân thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang - Hải Dương) gửi đơn đến Tạp chí Kinh tế nông thôn phản ánh về việc ông Quách Công Thọ, Bí thư Đảng ủy thị trấn, chiếm dụng hơn 9 mẫu đất nông nghiệp để sử dụng riêng, trong khi bà con phải tận dụng từng mét vuông đất để canh tác.
Đất giao cho Đoàn Thanh niên “biến” thành của cá nhân?!
Về thị trấn Kẻ Sặt, khi người dân ở đây đang rất vui mừng, phấn khởi khi chính quyền huyện Bình Giang đã kiên quyết xử lý sai phạm của một lãnh đạo địa phương, vì đã có nhiều vi phạm liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng, tài chính, gây hậu quả rất nghiêm trọng, kéo dài, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phóng viên Kinh tế nông thôn được ông Cao Văn Cử, ở khu Hạ, cho biết: Khoảng tháng 11/1974, ông Phụng là chủ nhiệm HTX Tráng Liệt, có phát động phong trào khai hoang phục hóa, quai đê lấn sông Sặt lấy đất canh tác lúa và hoa màu, tạo thành cánh đồng Triều Viềng. Sau đó, Công ty Thủy nông Bắc Hưng Hải có tiến hành nạo vét sông Sặt bơm hút phù sa từ sông vào cánh đồng Triều Viềng để bà con có đất canh tác.
Năm 1976, HTX Tráng Liệt tiến hành chia ruộng ở bãi Triều Viềng cho các đội sản xuất; sau đó, đội sản xuất lại chia cho từng xã viên để canh tác trồng lúa mỗi năm 1 vụ, sau đó trồng màu để tăng thu nhập.
Ông Cử phản ánh: “Đến năm 2001, xã có thu hồi lại toàn bộ đất nông nghiệp khu bãi Triều Viềng và cho nhân dân đấu thầu, có khoảng 60 hộ trên địa bàn xã Tráng Liệt ( thị trấn Kẻ Sặt - NV) trúng thầu, mỗi năm phải trả cho xã 55kg thóc/sào. Nhưng chúng tôi chỉ được canh tác đến hết năm 2008, sau đó xã thông báo thu hồi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bãi Triều Viềng giao cho Đoàn Thanh niên làm mô hình HTX do Trung ương Đoàn đầu tư kinh phí.
Tuy nhiên, từ khi giao đất cho Đoàn Thanh niên xã làm mô hình HTX (lúc đó ông Quách Công Thọ làm Bí thư Đoàn xã) đến nay, chúng tôi không thấy hoạt động gì hết, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, trong khi người dân ở đây thiếu đất sản xuất. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này do ông Quách Công Thọ quản lý và sử dụng”.
Còn bà Lê Thị Thái thì cho biết, chính quyền xã thu hồi đất nông nghiệp của bà con nông dân, giao cho Đoàn Thanh niên xã làm mô hình HTX. Chúng tôi tin tưởng và bàn giao ngay, nhưng thu hồi đất xong không thực hiện dự án nào, bây giờ lại rơi vào tay của cá nhân quản lý. Điều này không thể chấp nhận được.
Cần sớm làm rõ phản ánh của người dân
Phóng viên cùng ông Phạm Văn Phát (người dân thị trấn Kẻ Sặt) “mục sở thị” cánh đồng Triều Viềng được giao cho Đoàn Thanh niên làm dự án, theo người dân phản ánh thì cánh đồng này hiện nay do ông Quách Côn Thọ, Bí thư Đảng ủy thị trấn Kẻ Sặt quản lý.
Dẫn tôi đi ra sông Sặt trên một con đường nhỏ bé, gồ ghề ôm lấy con sông vào mùa này nước không hề cao lắm, chỉ cho tôi một khu vườn um tùm cây xanh, ông Phát cho biết, đây chính là cánh đồng Triều Viềng, trước đây giao cho bà con canh tác.
“Còn bây giờ, muốn đi vào cánh đồng Triều Viềng, nhà báo phải đi qua chiếc cổng sắt do chính ông Quách Công Thọ dựng lên và đang quản lý khu này”, ông Phát nói.
Chỉ cho tôi một ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn, ông Phát cho biết: Ngôi nhà kia được xây từ năm 2008 khi xã thu hồi đất giao cho Đoàn Thanh niên làm mô hình HTX, đến nay, gia đình ông Thọ chăn nuôi gà, vịt... Chúng tôi được lãnh đạo cho biết, từ khi gia đình ông Thọ trông giữ và chăn nuôi đến nay, chưa hề nộp bất cứ đồng thuế nào cho Nhà nước. Người dân rất bức xúc, nếu để cho chúng tôi canh tác, mỗi sào thu được 55 kg thóc, tính sơ sơ cũng được hơn 1.700 kg thóc/vụ.
Để có những thông tin chính xác về cánh đồng Triều Viềng có phải do ông Quách Công Thọ đang quản lý và sử dụng hay không, phóng viên Kinh tế nông thôn đã trao đổi qua điện thoại và được ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã nhận được đơn của bà con. Chúng tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra, rà soát lại và có thông tin đến cơ quan báo chí”.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.