Thành tựu lớn nhất của Hội Làm vườn (HLV) Bắc Ninh trong 30 năm qua là xây dựng được những mô hình trang trại, gia trại thu bạc tỷ trên đất cằn, ruộng trũng, giúp bà con nông dân thoát nghèo, làm giàu bền vững và được chính quyền địa phương tin cậy, công nhận là hội đặc thù.
Tin tưởng giao nhiệm vụ
Điểm khác biệt của HLV Bắc Ninh là những năm đầu khi mới thành lập, Hội sinh hoạt chung với HLV Việt Nam (1986), đó là một đơn vị của huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc cũ (nay là phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh). Ban đầu, Hội chỉ có 15 hội viên, tài chính tự lo bằng các nguồn do hội viên đóng góp hoặc thu từ các nguồn kinh doanh dịch vụ của Hội.
Ngày 23/3/1989, HLV Hà Bắc chính thức được thành lập, song do chia tách tỉnh nên phải đến tháng 1/1997, HLV Bắc Ninh mới có tên gọi như ngày nay. Tuy nhiên, thời gian đầu, Hội chủ yếu làm VAC dinh dưỡng, tự giải quyết thực phẩm để cải thiện bữa ăn là chính. Sau 3 năm làm thử (1988 - 1990) và 10 năm chính thức (1991 - 2001), nếu như lúc đầu chỉ có 4 xã điểm với trên 20 hộ tham gia, thì khi chương trình kết thúc đã có hàng vạn hộ có mô hình. Thành công thiết thực của VAC dinh dưỡng không những được nhân dân khen ngợi mà còn được bạn bè quốc tế khâm phục, cho đây là cách làm độc đáo của Việt Nam.
Tiếp theo, giai đoạn 2 là thời kỳ phát triển VAC kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hướng tới mục tiêu 50 triệu đồng/hộ/năm và 50 triệu đồng/ha/năm. Giai đoạn này giá trị thu nhập của cả nước mới đạt 29,2 triệu đồng/ha, nhưng khi chuyển sang làm VAC, nhiều hộ ở Bắc Ninh đã đạt 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, phải đến giai đoạn 3, phát triển VAC trang trại, bộ mặt Bắc Ninh mới thực sự khởi sắc như ngày nay. VAC bây giờ không bó hẹp trong phạm vi gia đình, tự cung tự cấp mà đã trở thành nhà vườn, đồi vườn, vườn đồng, vườn rừng… rộng từ hàng chục đến hàng trăm hecta. Trong chăn nuôi, không bó hẹp trong vật nuôi truyền thống mà đã có nhiều con nuôi mới như: hươu, nai, trăn, rắn, vịt trời…
Như vậy là từ 15 hội viên ban đầu, sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, HLV đã có mặt tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã với 125/125 xã, phường, thị trấn, 561 chi Hội, thu hút 17.100 hội viên, trong đó có 2.086 hội viên là chủ trang trại, gia trại. Ngoài ra, còn có 2 đơn vị trực thuộc là Trung tâm Dịch vụ VAC và Câu lạc bộ trang trại tỉnh Bắc Ninh.
Điểm nổi bật của HLV Bắc Ninh trong 30 năm qua là đã tuyên truyền để các chủ trang trại nhận thức về sự cần thiết phải có HTX kiểu mới. Đây là mấu chốt quan trọng giúp tăng thu nhập cho xã viên nhờ việc cung cấp đầu vào giá thấp, chất lượng cao và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Vì vậy, Hội đã trực tiếp hướng dẫn, soạn thảo điều lệ, văn bản trình cấp thẩm quyền ra quyết định thành lập HTX theo Luật HTX 2012. Theo đó, đã thành lập được 32 HTX sản xuất thương mại, dịch vụ VAC với 356 hội viên; 12 công ty, xí nghiệp sản xuất và dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp với tổng số vốn điều lệ trên 65 tỷ đồng; thu hút 336 chủ trang trại, 650 lao động. Tạo việc làm cho trên 5.700 lao động, thu nhập hàng năm từ kinh tế VAC đạt trên 65% giá trị sản xuất, bước đầu các HTX hoạt động khá hiệu quả.
Nhờ những hoạt động hữu ích của mình, HLV Bắc Ninh đã được tỉnh công nhận là hội có tính đặc thù, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng; có chỉ tiêu biên chế, trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và kinh phí hoạt động thường xuyên. Được tham gia một số hoạt động quản lý nhà nước, các dịch vụ công và một số đề tài khoa học, các chương trình, dự án.
Hướng tới VAC VietGAP
Để phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, hàng năm HLV Bắc Ninh còn tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tham quan mô hình, trực tiếp trao đổi với chủ trang trại để nắm bắt tình hình phát triển. Vì vậy, tháng 4/2015, tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học về chính sách phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn Bắc Ninh giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Hội được giao nhiệm vụ mời các nhà khoa học, các doanh nghiệp và chủ trang trại, đồng thời hướng dẫn các thành phần trên chuẩn bị nội dung báo cáo tham luận.
Giờ đây, nói đến Bắc Ninh, người ta nghĩ ngay đến các mô hình kinh tế VAC trang trại và gia trại. Chỉ tính riêng giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh đã có hàng trăm mô hình trang trại và gia trại cho thu nhập 1 - 1,5 tỷ đồng/năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Đăng Hiển ở xã Tân Chi (Tiên Du), với diện tích gần 3ha, trong đó có 1ha ổi Đài Loan, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; 2ha táo Thái Lan, cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân (Lương Tài) trồng măng tây xanh trên diện tích 2,5ha, sản lượng bình quân 13 tấn/năm, doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Nhờ sự giúp đỡ của Hội, tháng 5/2015, trang trại măng tây của bà đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… với giá 50.000đồng/kg.
Được biết, năm 2015, Hội được tỉnh cấp kinh phí để xây dựng 4 mô hình điểm trồng cây ăn quả và mô hình nào cũng đem lại lợi nhuận cao. Ông Nguyễn Đăng Hiển ở xã Tân Chi (Tiên Du) cho biết, ông tham gia trồng táo Thái Lan với gần 2ha, được hỗ trợ 120 triệu đồng, tháng 11/2015 thu hoạch, năng suất bình quân 200 tấn/ha, sau khi thu hoạch táo (2/2016) sẽ trồng dưa lê. Dự kiến, năm 2016, Hội sẽ đầu tư vào khu vườn của ông 500 triệu đồng để nâng cấp hệ thống tưới tiêu thành vườn cây ăn quả đặc sản, công nghệ cao theo hướng VietGAP.
Ở xã Đình Tổ (Thuận Thành), ông Nguyễn Văn Nho cũng tham gia mô hình điểm trồng cam Canh của Hội. Ông cho biết, cam phát triển tốt, sai quả, dự kiến sang tháng Chạp bán với giá 50.000- 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào những tháng gần thu hoạch này, cam rụng nhiều do trồng ở đất bãi, chịu ảnh hưởng của gió bão. Ngoài sự tư vấn của tỉnh Hội, ông còn tham khảo các nhà khoa học và được biết, nên trồng xen ổi để làm cây chắn gió bảo vệ cho cam.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.000 mô hình VAC tổng hợp (2.855 gia trại, 145 trang trại). Trong đó có 25,5% trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp; 54,5% chăn nuôi gia súc, gia cầm; 12,4% nuôi trồng thủy sản, 7,6% trồng trọt; thu hút 10.864 lao động thường xuyên và gần 30.000 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 1,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản lượng kinh tế trang trại chiếm gần 35% trong ngành nông nghiệp.
Xứng niềm tin
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vững, Phó chủ tịch Thường trực HLV Bắc Ninh, cho biết: “Đây là lần đầu tiên Bắc Ninh được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách của địa phương. Điều này khẳng định rõ vai trò, vị thế của Hội ngày càng được đánh giá cao. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh đã có quyết định bổ sung thay thế quyết định cũ (năm 2014) về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn Bắc Ninh. Đây cũng là lần đầu tiên kinh tế vườn, kinh tế trang trại được chú trọng và có chính sách hỗ trợ để phát huy tối đa hiệu quả”.
Ông Vững còn cho biết thêm, từ năm 2012 đến nay, Hội đã tổ chức được 27 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 810 hội viên. Công tác huấn luyện nghề cho hội viên luôn được đổi mới, phù hợp với điều kiện người học. Giờ học, thực hành có trao đổi kinh nghiệm giữa học viên và giáo viên, giải đáp thắc mắc của bà con trong quá trình sản xuất VAC. Hình thức dạy và học như trên khá có hiệu quả vì đã đem lại cho hội viên những kiến thức cơ bản, thiết thực.
Do đạt được nhiều thành tích xuất sắc, năm 2001, HLV Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Từ 2010 đến nay, có 40 lượt đơn vị Hội cơ sở được bình bầu tập thể lao động xuất sắc; 20 đơn vị tập thể lao động tiên tiến; 50.730 lượt hội viên đạt tiêu chuẩn thi đua các cấp.
Trong 5 năm gần đây, HLV Bắc Ninh được HLV Việt Nam tặng Bằng khen cho 24 lượt tập thể; 32 lượt cá nhân là cán bộ, hội viên. Tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen cho 15 lượt tập thể, 40 lượt hội viên, các cấp Hội. Chủ tịch HLV Bắc Ninh tặng Giấy khen cho 32 lượt tập thể và 74 lượt cá nhân cán bộ, hội viên trong tỉnh. Đặc biệt, trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bắc Ninh lần thứ IV có 5 hội viên của Hội được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Được biết, nhiệm kỳ tới, HLV Bắc Ninh sẽ tham gia tuyên truyền về chủ trương, chính sách đất đai, lao động, việc làm liên quan đến mảng nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Chính phủ, của tỉnh. Củng cố tổ chức Hội, tăng cường tập huấn kỹ thuật để hội viên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Dương An Như
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.