Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 31 tháng 1 năm 2016 | 2:57

Cần nghiêm trị hành vi xem thường pháp luật

Nhiều người dân ở địa phương rất bức xúc trước hành vi xem thường pháp luật của vợ chồng ông Lộc, bà Hồng cũng như sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương.

Theo trình bày của ông Đỗ Văn Trung, ngụ tại ấp Lao Vên, xã Viên Bình (Trần Đề - Sóc Trăng): Ngày 22/03/2012, ông tham gia đấu giá mua tài sản do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Đề bán là diện tích đất ruộng 25.000m2, tọa lạc tại ấp Lao Vên với giá 676 triệu đồng. Diện tích đất này của bà Lý Thị Duông bị phát mãi bán đấu giá.

Con mương “đoạn tình” mà bà Hồng đã mua.

Sau khi thực hiện xong hợp đồng mua bán, ông Trung được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất nói trên. Sau đó, bà Duông đề nghị ông Trung nhượng lại cho 5.000m2 để sinh sống và được ông đồng ý. Như vậy, ông Trung còn lại 20.000m2.

Tháng 9/2012, ông Võ Xuân Lộc, bà Trịnh Thị Cẩm Hồng (ngụ cùng địa phương) ngang nhiên vào chiếm dụng khoảng 13.000m2 đất của ông Trung với lý do đất này họ mua của bà Duông (không có giấy tờ chứng minh).

Thấy hai người trên chiếm đất ông Trung, bà Duông cũng chiếm luôn 7.000m2 còn lại với lý do đất gốc của bà.

Ông Trung khởi kiện đến TAND huyện Trần Đề. Ngày 17/11/2014, TAND huyện Trần Đề xét xử, tuyên buộc ông Lộc, bà Hồng, bà Duông phải giao trả toàn bộ đất cho ông Trung. Đồng thời buộc vợ chồng ông Lộc, bà Hồng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Trung  43.987.000 đồng; bà Duông phải bồi thường 23.625.000 đồng.

Ông Lộc, bà Hồng và bà Duông kháng cáo bản án. Ngày 14/4/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm và tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Lộc, bà Nhung và bà Duông. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Trần Đề ngày 17/11/2014.

Ngày 30/10/2015, cơ quan thi hành án dân sự huyện Trần Đề tiến hành thực hiện cưỡng chế buộc ông Lộc và bà Hồng giao đất cho ông Trung. Tiếp đó, ngày 13/11/2015, thực hiện cưỡng chế buộc bà Duông giao đất cho ông Trung.

Ông Trung bức xúc cho biết: “Sau khi nhận đất do cơ quan chức năng bàn giao, ngày 01/11, tôi xuống giống thì bị phía ông Lộc và bà Hồng ra phá hoại bằng cách đưa máy trục ra trục khiến cho 13.000m2 đã xuống giống của tôi bị hư hoàn toàn, thiệt hại khoảng gần 10 triệu đồng. Sau đó, tôi tiếp tục xuống giống thì phía bà Hồng tìm cách không cho tôi bơm nước vào ruộng. Hiện lúa không có nước nên bị chết rất nhiều”.

Theo ông Trung, bà Hồng đã mua đứt mương nước của một người dân chạy sát ruộng ông Trung để không cho ông lấy nước vào ruộng. Thấy tình cảnh khốn khó của ông Trung, một người dân đã cho ông Trung bơm nước từ kênh thủy lợi vào ruộng của hộ này sau đó bơm chuyển tiếp vào ruộng của ông Trung nhưng không thể được vì ruộng của hộ dân này cũng nằm sát mương nước bà Hồng vừa mua nên bà này không cho ông Trung đặt ống nước qua mương nhà bà.

Ông Dương Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Viên Bình, cho biết: “Sự việc xảy ra như ông Trung trình bày là có. Chúng tôi đã mời cả hai bên lên để hòa giải nhưng không thành khiến cho phía ông Trung bức xúc vì thiệt hại trước mắt là quá rõ. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục mời bà Hồng lên làm việc, nếu không xong sẽ chuyển hồ sơ lên cấp trên”.

Nhiều người dân ở địa phương rất bức xúc trước hành vi xem thường pháp luật của vợ chồng ông Lộc, bà Hồng cũng như sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. Theo bà con, hành vi chiếm dụng đất ông Trung của vợ chồng ông Lộc, bà Hồng, bà Duông suốt 3 năm là trái pháp luật cần phải khởi tố; hành vi hủy hoại tài sản (lúa giống đã gieo) của ông Trung do vợ chồng ông Lộc, bà Hồng thực hiện cũng phải khởi tố, thế nhưng cơ quan chức năng lại bỏ qua (?). Việc bà Hồng không cho ông Trung bơm nươc vào ruộng cũng là hành vi đáng lên án.

Một người dân ở địa phương cho biết: “Gia đình bà Hồng là đại gia, kinh doanh vật tư nông nghiệp nên nhiều tiền, có thể vì vậy mà hành vi của gia đình bà này không ai dám xử lý. Chúng tôi khẳng định, bà Hồng dùng chiêu không cho đưa nước vào ruộng không ngoài mục đích ép cho gia đình ông Trung lâm vào thế khó phải bán ruộng với giá rẻ thì bà Hồng sẽ mua chứ không ai dám mua bởi mương nước đã bị bà ta mua đứt rồi”.

Bà Lê Thị Thu Hằng (vợ ông Trung) nói trong nước mắt: “Chúng tôi sống nhờ cây lúa, vậy mà 6 vụ vừa qua gia đình không sản xuất được vì bị vợ chồng ông Lộc, bà Hồng và bà Duông chiếm đoạt mà không ai dám làm gì họ. Tòa tuyên buộc phải bồi thường cho gia đình tôi nhưng cho đến nay họ không bồi thường vẫn không ai làm gì. Nay ruộng của chúng tôi lúa chết vì không có nước mà không ai can thiệp”.

Xuân Huỳnh

 

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top