Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 10 năm 2021 | 22:33

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép

Trước tình trạng khai thác trái phép, khai thác sai vị trí so với giấy phép được cấp thẩm quyền cho phép…, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra xử phạt nhiều bến bãi, cơ sở kinh doanh, khai thác nguồn tài nguyên cát vi phạm.

Siết chặt quản lý khai thác cát trên dòng Sông Mã

Trước thông tin phản ánh của báo chí về khai thác cát khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, bến bãi theo quy định trên dòng Sông Mã, thuộc huyện Sông Mã, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Đặng Ngọc Hậu làm trưởng đoàn đã có cuộc kiểm tra thực địa.
 
Sau khi kiểm tra thực địa, lãnh đạo UBND huyện Sông Mã đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình khai thác cát trên dòng Sông Mã. Theo đó, trên địa bàn huyện được quy hoạch hơn 20 khu vực cát, sỏi lòng sông để thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Trong 10 tháng năm 2021, huyện đã xử lý 65 vụ vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, với tổng số tiền xử phạt hơn 150 triệu đồng; tịch thu gần 100m3 cát, 1 tàu hút cát cùng các dụng cụ liên quan.
đoàn-công-tác-kiểm-tra-thực-địa-khai-thác-cát-tại-huyện-sông-mã.jpg
Đoàn công tác kiểm tra thực địa khai thác cát tại huyện Sông Mã.
Riêng Chi nhánh cát Sông Mã thuộc Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc (đơn vị được phán ánh khai thác cát khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, bến bãi theo qui định) đã được UBND tỉnh Sơn La cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 199. Theo đó, cho phép khai thác 9 điểm mỏ cát trên địa bàn huyện Sông Mã làm vật liệu xây dựng thông thường, bằng phương pháp lộ thiên tại các xã Chiềng Sơ, Chiềng Khương, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Mường Lầm, với tổng diện tích khai thác là hơn 15ha.
 
Tính đến ngày 25/10, Chi nhánh cát Sông Mã đã nộp ngân sách Nhà nước gần 46 tỷ đồng, trong đó, Thuế tài nguyên (cát) 39,9 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường 6 triệu đồng, đơn vị đã tự tính và nôp vào ngân sách Nhà nước tiền thuê đất, thuê mặt nước với số tiền 50 triệu đồng. Tuy nhiên Chi nhánh chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất, bến bãi theo đúng quy định.
 
Sau khi kiểm tra thực địa, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Huyện Sông Mã cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép trên địa bàn, trường hợp vượt quá thẩm quyền trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo.
 
Các cấp, ngành, huyện Sông Mã phối hợp tập trung rà soát, kiểm tra lại thủ tục cấp phép để tổ chức việc khai thác đảm bảo theo Luật Khoáng sản; bổ sung các điểm bến bãi vào quy hoạch các điểm mỏ khai thác khoáng sản, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp khai thác cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt và khẩn trương làm các thủ tục thuê đất.
 

Vây bắt quả tang 25 tàu khai thác cát trái phép

Lực lượng chức năng của Bộ Công an phối hợp cùng một số đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hải Phòng vừa mật phục, vây bắt quả tang tới 25 tàu đang khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, đoạn chảy qua địa phận các huyện Tiên Lãng, An Lão và Kiến Thụy.

Theo một số nhân chứng, tại thời điểm diễn ra việc bắt giữ, các tàu khai thác cát trái phép này đang hút cát trái phép tại đoạn sông chảy qua địa phận các xã Toàn Thắng, Quang Phục (huyện Tiên Lãng), xã Ngũ Phúc, Minh Tân (huyện Kiến Thụy) và đoạn sông chảy qua địa bàn xã Quang Trung (huyện An Lão).

Để có thể bắt giữ được số lượng lớn tàu hút cát trái phép trên đoạn sông Văn Úc, cơ quan chức năng đã phải huy động nhiều phương tiện, nhân lực tham gia bắt giữ.

Nhiều lao động làm việc tại một số tàu hút cát được cho đã nhảy xuống sông để tẩu thoát khi bị lực lượng chức năng vây, bắt.

Được biết, từ nhiều năm nay, tuyến sông Văn Úc đoạn chảy qua địa phận các huyện An Lão, Kiến Thụy và Tiên Lãng trở thành “điểm nóng” về việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản.

Trong những đợt ra quân trước đây của chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương, lực lượng chức năng đã bắt được nhiều tàu hút cát trái phép trên đoạn sông này. Tuy nhiên, trong những lần ra quân, cơ quan chức năng chỉ bắt được 3- 5 tàu khai thác cát.

6a4ad89d93df7a8123ce.jpg
Hàng chục tàu hút cát bị giữ tại chân cầu Khuể (huyện An Lão).

Đợt này, với việc ra quân quyết liệt, đồng bộ, lực lượng chức năng đã bắt giữ được số lượng tàu hút cát trái phép nhiều nhất trên đoạn tuyến sông này, một vị lãnh đạo huyện Tiên Lãng thông tin thêm.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, trên sông Văn Úc, đoạn chảy qua địa phận các huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, TP Hải Phòng không cấp phép hoạt động tận thu, khai thác tài nguyên khoáng sản cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Việc khai thác cát trên đoạn tuyến sông Văn Úc là hành vi trái pháp luật.

Theo xác minh ban đầu, những tàu hút cát có trọng tải từ 30 - 100 tấn, sau khi hút trộm cát trên sông sẽ đem đến bán cho một “đại gia” chuyên kinh doanh cát lậu tại khu vực cầu Khuể, phía huyện An Lão và một số bãi tập kết nhỏ lẻ bên sông trên địa bàn các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy.

Nguồn tin thông tin thu thập thêm, rất có thể lực lượng chức năng ngoài việc bắt giữ các tàu khai thác cát sẽ mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các nhóm đối tượng có hành vi mua bán trái phép tài nguyên khoáng sản, trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng… liên quan đến hoạt động khai thác, tiêu thụ trái phép số cát hút được trên sông Văn Úc.

Sau khi bắt giữ số lượng lớn tàu khai thác cát trái phép trên sông Văn Úc, lực lượng chức năng đã giữ các phương tiện tại một số khu vực trên sông, đoạn qua địa bàn các huyện Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy.

 

Gia tăng hoạt động khai thác cát trái phép ở miền Tây Nam Bộ

Hoạt động khai thác cát sông trái phép có chiều hướng gia tăng, sau khi các tỉnh Tây Nam Bộ đã nới lỏng giãn cách, trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Tối 7/10, Phòng CSGT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tỉnh Đồng Tháp và Công an TP Sa Đéc, bắt giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông qua thủy phận thuộc xã Tân Khánh Đông. Thời điểm kiểm tra, trên ghe có Dương Ngọc Bình (SN 1976) và Trần Hữu Giàu (SN 1994, cùng ngụ xã Tân Khánh Đông). Cả hai thừa nhận hành vi khai thác cát sông trái phép.

kt-tnb.jpg
 Công an tỉnh Trà Vinh bắt phương tiện khai thác cát trái phép trên sông.

 

Thượng tá Thái Viết Vũ, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, qua công tác tuần tra, đơn vị phối hợp với lực lượng nghiệp vụ phát hiện và bắt giữ nhiều phương tiện hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Sau thời gian các tỉnh nới lỏng giãn cách, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Qua công tác tuần tra và phối hợp, cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm về khai thác cát.

Ngày 30/9, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Vĩnh Long, phát hiện và bắt quả tang 2 phương tiện do Huỳnh Tấn Thanh (SN 1977) và Đào Văn Cảnh (SN 1967, cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp) điều khiển, khai thác cát trái phép trên tuyến sông Cổ Chiên. Tiếp đến ngày 3/10, Tổ công tác huyện Long Hồ đã phát hiện sà lan do Nguyễn Thành Tâm (SN 1981, ngụ huyện Long Hồ) điều khiển đang khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền.

Trung tá Nguyễn Văn Sáng, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: Những ngày qua, Phòng đã phát hiện và bắt giữ hàng loạt trường hợp vi phạm khai thác cát sông trái phép. Các đối tượng lợi dụng thời điểm nửa đêm về sáng để hoạt động.

Tại các khu vực cồn, cù lao: cồn Thủy Tiên, cồn Long Trị, cồn Cò, cù lao Hòa Minh, thường xuyên diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép. Lực lượng Cảnh sát môi trường và Công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ và xử lý hàng loạt đối tượng vi phạm. Trà Vinh có tuyến sông Cổ Chiên qua các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Ngang và TP Trà Vinh.

Mặt sông rộng, có nhiều cồn, cù lao và tiếp giáp với tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre nên địa hình rất phức tạp. Tuyến sông Cổ Chiên và biển Ba Động có trữ lượng cát rất lớn. Việc khai thác, kinh doanh, mua bán cát mang lại nguồn lợi nhuận lớn nên các đối tượng bất chấp các quy định, hoạt động khai thác cát trái phép.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Trà Vinh phát hiện 109 vụ vi phạm liên quan đến hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Cơ quan điều tra đã khởi tố 3 vụ, 3 bị can và đang củng cố hồ sơ khởi tố 1 vụ. Xử lý vi phạm hành chính 52 vụ, liên quan đến 71 cá nhân và 3 tổ chức, với số tiền gần 2 tỷ đồng, tạm giữ và tịch thu các phương tiện vi phạm...

Tại sao vi phạm khai thác cát, sỏi kéo dài như vậy?

Theo Trung tá Nguyễn Văn Sáng, Phó Đội trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Trà Vinh,  Điều 48, Nghị định 36 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản mức phạt cao nhất đến 200 triệu đồng đối với hành vi khai thác cát sông trái phép, đồng thời tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi thành tiền, tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Mặc dù quy định xử phạt rất nặng, song vì lợi nhuận lớn, những đối tượng bơm, hút cát sông trái phép vẫn lén lút hoạt động, chủ yếu là ban đêm, thời điểm mà lực lượng chức năng khó giám sát, kiểm tra và tiếp cận phương tiện. Từ năm 2020 trở về trước, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép chỉ bị xử lý vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

Tại thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng trong bối cảnh các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhìn chung tội phạm được khống chế, thể hiện nỗ lực lớn và rất đáng ghi nhận của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Tuy vậy, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn trước một số loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng và đặt ra nhiều vấn đề cần có biện pháp đấu tranh mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, cát, sỏi lòng sông là vấn đề không mới, tuy nhiên được cử tri phản ánh rất nhiều và cũng được đề cập trong nhiều báo cáo. Thực tiễn hoạt động vi phạm pháp luật này diễn ra đều khắp trên tất cả nước.

Dẫn thông tin báo chí phản ánh những vi phạm rất nghiêm trọng ở các tuyến sông, vị đại biểu này nói: “Chúng tôi cũng rất xót xa khi nhìn hình ảnh người dân quay mặt đi, không dám nhìn vào ống kính và than thở rằng không biết kêu ai về tình trạng này, những thiệt hại lớn, rất lớn do khai thác cát sỏi gây ra mà hệ lụy của nó như thế nào thì chúng ta đều biết”.

a9ee08164c54a50afc45.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Long thảo luận tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quốc hội.

Ông Nguyễn Công Long cho rằng, do lợi nhuận rất lớn nên các tổ chức, cá nhân bất chấp để vi phạm và hệ quả không chỉ gây ra tác hại rất lớn cho môi trường, thất thoát lượng rất lớn tài nguyên, nguồn thu ngân sách mà còn làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng đến đất đai, mất đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở lưu vực sông.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng kéo dài, nghiêm trọng như vậy mà hiệu quả đấu tranh lại không hiệu quả?” – đại biểu đặt vấn đề và đề nghị cần phân tích, đánh giá rõ. Bởi trước đây trong khoảng thời gian dài lý do được nêu ra là do thiếu cơ chế, thiếu chế tài, tuy nhiên, hiện hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ và hoàn thiện. Ngoài Luật Khoáng sản, Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, các luật liên quan thì Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23/2020 quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ bờ, bãi sông, lòng sông, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, của UBND địa phương.

“Phải chăng có sự lơ là, buông lỏng, có sự bỏ qua của chính quyền các cấp. Với lợi nhuận cao như vậy thì dư luận và cử tri có quyền đặt ra câu hỏi là có tiêu cực hay không trong quản lý?”, ông Nguyễn Công Long nói.

Cũng theo đại biểu, thực tiễn đấu tranh cho thấy rằng khi chúng ta kiên quyết đều có thể làm được. Bằng chứng mới đây nhất là Bộ Công an đã có các đơn vị trực tiếp xuống địa phương để truy bắt hàng chục tàu hút cát trái phép. Ông băn khoăn tại sao những vấn đề sai phạm của địa phương mà phải trên bộ xuống thì mới xử lý được và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu.

Chính vậy, đại biểu Nguyễn Công Long kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ tập trung các biện pháp chỉ đạo quyết liệt lập lại trật tự trong khai thác cát, sỏi lòng sông trên khắp cả nước, kiên quyết xử lý tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương khi buông lỏng quản lý.

 

 

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top