Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2022 | 12:25

Cần tạo “vắc xin” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Có thể nói, internet, mạng xã hội mang lại rất nhiều tiện ích. Ngoài việc cung cấp kiến thức một cách nhanh chóng, chính xác, internet, mạng xã hội còn là nhịp cầu để kết nối tất cả mọi người trên khắp bốn phương.

Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ tiêu cực. Vì thế, cần phải có “vắc xin” để bảo vệ người sử dụng, nhất là đối với trẻ em, trên internet và không gian mạng.

Nhiều “clip độc” trên không gian mạng

Trong một lần ở nhà cùng con học online vào thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, chị Nguyễn Thu Hiền  ở Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) giật mình khi phát hiện ra con trai học lớp 9 đang xem một clip có hành động bạo lực trên internet.

Xâu chuỗi lại thời gian không đi học vừa qua, chị Hiền phát hiện những thay đổi bất thường của con trai khi đối xử với em gái của mình, không còn sự nhường nhịn mà thay vào đó là những câu nói đe dọa, thậm chí cả “bạo lực” đối với đứa em.

 “Tôi không nghĩ trước đây con trai  hiền lành, nhút nhát là thế mà bây giờ  lại có lời nói và những hành động không phù hợp với lứa tuổi chút nào, một trong những nguyên nhân đó là sự ảnh hưởng của những clip trên kênh Youtube, trang web độc hại trên internet”, chị Hiền nói.

Cũng có con trong độ tuổi học cuối cấp THCS, anh Nguyễn Văn Minh (Đông Anh) cũng rất lo lắng cho đứa con gái của mình trước sự ảnh hưởng của những clip, trang web độc trên không gian mạng.

Anh Minh cho biết, do thường xuyên xem các clip tiếng Anh trên mạng mà khả năng nghe, nói tiếng Anh của con gái anh có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, khi không có sự kiểm soát của người lớn, có thể các cháu sẽ truy cập vào các video có nội dung vô bổ, nhảm nhí. Chưa kể, trẻ cũng rất dễ bắt chước theo các nhân vật ưa thích.

 

3-2-1ss.jpg
Những trang web hay clip không lành mạnh luôn thu hút trẻ em. 

 

“Nếu không kiểm soát tốt, các cháu gái có thể bị quấy rối, do vậy, vợ chồng tôi phải thường xuyên thay  nhau kiểm soát việc sử dụng internet của con và hướng dẫn bé chỉ dùng, truy cập các ứng dụng, trang web có ích, phù hợp độ tuổi”, anh Minh nói.

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp các cháu gái bị gạ gẫm, dụ dỗ, thậm chí có nhiều cháu đã vi phạm pháp luật chỉ vì muốn thể hiện mình sau khi xem các clip, trang web có nội dung xấu.

Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trẻ em cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia không gian mạng an toàn. Không chỉ đối mặt nguy cơ tiếp xúc các thông tin xấu, độc, không phù hợp độ tuổi, mà việc trẻ sử dụng internet thiếu sự kiểm soát của người lớn có thể làm lộ thông tin cá nhân hoặc bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất, tinh thần và nhân cách của trẻ.

Những lỗ hổng lớn

Tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng internet (chiếm 70,3% dân số). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xu thế cuộc cách mạng 4.0, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh, thiếu niên sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh, thiếu niên, bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.

Ông Đặng Quốc Việt, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ, khảo sát do tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Bối cảnh đó đòi hỏi phải hiểu sâu sắc về thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa xã hội để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho rằng, hiện nay công tác truyền thông và nhận thức về an toàn của trẻ em trên môi trường mạng đang có nhiều khoảng trống lớn chưa được lấp đầy. Vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sàng lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em.

“Luật Trẻ em đã quy định rất rõ trách nghiệm của từng cấp, bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ. Trong đó, truyền thông phải đóng vai trò tiên phong trong nâng cao nhận thức, trách nghiệm của các bên liên quan trong bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, truyền thông và các cơ quan chức năng cũng cần tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Báo chí và truyền thông cũng cần giúp cho xã hội, các bậc phụ huynh nhận thức tốt và cập nhật kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em bởi phụ huynh chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, cần tuyên truyền về kỹ năng tổ chức môi trường sống an toàn. Việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình”, ông Nam nhấn mạnh.

Cần có “vắc xin” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường cần hướng dẫn, cảnh báo các em về việc sử dụng internet an toàn. Gia đình cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Xã hội cần lên án mạnh mẽ, thậm chí phải tẩy chay đối với các ứng dụng, trang web... có nội dung độc hại.

Đã đến lúc cần những liều “vắc xin” từ các cơ quan chức năng, truyền thông, gia đình, nhà trường để giúp trẻ em “miễn dịch” với các nguy cơ tiềm ẩn trên thế giới số, mang lại môi trường văn minh, tích cực trên các nền tảng để thanh thiếu niên có thể thỏa sức sáng tạo và chia sẻ quan điểm cá nhân.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, trẻ dưới 18 tuổi chưa thể tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình cũng như không đủ kiến thức về những vấn đề bảo mật và quyền riêng tư này, nên cần sự trợ giúp của phụ huynh cũng như thầy cô giáo, người lớn có trách nhiệm xung quanh để giúp đỡ các em. Việc kết bạn với con trên mạng xã hội là một việc cần có sự tinh tế, chừng mực để sao cho con thấy mình là “người bạn” dễ dàng tâm sự, nhờ cậy, chứ không phải “sợ” mình. Thay vì kiểm soát, cấm đoán, phụ huynh có thể thường xuyên nhắc nhở con bảo vệ tài khoản, chia sẻ những tài liệu về quyền riêng tư. Ngoài ra, cha mẹ cần bổ sung kiến thức để khi con cần giúp đỡ là có thể gỡ rối cho các con.

Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, triệt xóa và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phát tán những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, chúng ta đã có hành lang pháp lý. Điều 54, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng...

Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi chia sẻ thông tin, cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm... có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; xây dựng và triển khai các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn nội dung xâm hại trẻ em.

Những văn bản pháp lý trên sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ con em chúng ta không bị ảnh hưởng, tác động xấu bởi những clip, trang web trên không gian mạng. Đồng thời là cơ sở để xử lý đối với các đối tượng lợi dụng internet để lôi kéo trẻ em tham gia vào các vụ việc vi phạm pháp luật.Những trang web hay Clip không lành mạnh luôn thu hút trẻ em.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top