Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 12 năm 2021 | 22:33

Cần xử lý nghiêm "nạn" phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng

Trong khi người nông dân đang phải “gồng mình” gánh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao, lợi dụng tình hình này nhiều đối tượng đã kinh doanh nhiều mặt hàng giả, hàng chấm, kém chất lượng khiến người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế.

Gia Lai phát hiện 1.619 lít thuốc BVTT chứa hoạt chất cấm

Mới đây, từ nguồn tin cơ sở, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Gia Lai) đã chủ trì phối hợp với Công an thành phố Pleiku tiến hành khám kho chứa hàng hóa của ông Nguyễn Duy Khánh, địa chỉ số 09 Huyền Trân Công Chúa, Phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

 

 

 1.619 lít thuốc BVTT chứa hoạt chất cấm phát hiện tại kho chứa hàng hóa của ông Nguyễn Duy Khánh.

 

Khi kiểm tra, đoàn phát hiện trong kho có chứa 800 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu KANUP 480SL loại 900ml/chai (tương đương với 720 lít) và 999 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu NIPHOSATE 480SL loại 900ml/chai (tương đương với 899,1 lít). Tổng số lượng hai loại thuốc bảo vệ thực vật là 1.619,1 lít; trên nhãn của hai loại thuốc BVTT này có ghi thành phần chứa hoạt chất Glyphosate. Theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020 của Bộ nông nghiệp và PTNT những loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất này đã được cấm buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ ngày 01/7/2021.

Hiện, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai yêu cầu đội hoàn chỉnh hồ sơ chuyển vụ việc đến Công an thành phố Pleiku để điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Đồng Nai bắt giữ hơn 5.000 chai thuốc trừ cỏ không hóa đơn, chứng từ

Ngày 5/11, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại địa bàn Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Thống Nhất và Đội quản lý thị trường (QLTT) số 6, huyện Tân Phú, đã phát hiện xe ô tô BKS 63C: 116.26 đang dừng đậu tại ven đường Khu công nghiệp Dầu Giây, ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Bàn 2, huyện Thống Nhất, vận chuyển hàng hóa thuốc BVTT có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nên đã tiến hành kiểm tra.

Quá trình kiểm tra đã phát hiện 1.125 chai thuốc trừ cỏ “Khai Hoang Q7” không hóa đơn, chứng từ và có dấu hiệu là hàng giả nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản và ra quyết định thu giữ toàn bộ số thuốc trên. 

 

Hàng nghìn chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu “Khai Hoang Q7” có dấu hiệu bị làm giả thương hiệu.

 

Trưa cùng ngày, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Thống Nhất tiếp tục phát hiện xe ô tô tải BKS 17C: 131.81 đang chuẩn bị giao hàng tại bến xe Dầu Giây, huyện Thống Nhất, có dấu hiệu nghi vấn nên đã đưa về trụ sở làm việc. Quá trình kiểm tra đã phát hiện 1.250 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu “Khai Hoang Q7” có dấu hiệu bị làm giả thương hiệu, và 1000 chai thuốc trừ cỏ không nhãn hiệu, 400 can chất lỏng bên trong không nhãn hiệu, có màu đỏ loại 5kg/can và gần 8000 chai dưỡng mi FEG do nước ngoài sản xuất. Tất cả số hàng trên đều không có hóa đơn chứng từ nên đã bị niêm phong để xác minh làm rõ hành vi phạm.

 

 

Chiều cùng ngày, Đội quản lý thị trường số 6 cũng bắt giữ xe ô tô BKS 62C: 154.57 đang đậu xe giao hàng tại khu xử lý rác thải xã La Ngà, huyện Định Quán quá trình kiểm tra phát hiện 1.650 chai thuốc trừ cỏ “Khai Hoang Q7” không hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu bị làm giả, ngay sau đó Đội đã lập biên bản và ra quyết định thu giữ toàn bộ số thuốc trên để tiếp tục điều tra xử lý. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

An Giang phát hiện cơ sở kinh doanh 281 bao phân bón giả

Ngày 13/12, Đoàn Kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang) đã phát hiện cơ sở bà Huỳnh Thùy Liên, ở khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) kinh doanh hơn 281 bao phân bón giả của Công ty TNHH Thương mại Hóa Nông Mùa Vàng.

Cụ thể, vào thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện 167 bao phân bón NPK 16-16-8 + TE và 114 bao phân bón  Kali Silic 61% giả của Công ty TNHH Thương mại Hóa Nông Mùa Vàng trong kho của cơ sở của bà Liên. Ngay sau đó, đoàn công tác đã lập biên bản tạm giữ tang vật để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

 

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện hàng trăm bao phân bón giả.

 

Trước đó, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại khu vực huyện An Phú (tỉnh An Giang), khi đến thủy phận thuộc ấp Thạnh Phú, xã Khánh An phát hiện ghe gỗ đang neo đậu, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện có 1.280 bao (trọng lượng 32 tấn) hoá chất xuất xứ nước ngoài, 21 phuy nhựa chứa 4.620 lít hóa chất có xuất xứ nước ngoài, 1.200 bao (trọng lượng 30 tấn) bột đá không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng nói trên. Tổ công tác tiến hành bàn giao cho Công an huyện An Phú lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện, xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Siết chặt việc kiểm tra chất lượng

Theo thống kê từ Sở Nông  nghiệp và PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã kiểm tra khoảng 20 cơ sở kinh doanh thuốc BVTT, phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, xử phạt với số tiền là 58 triệu đồng. Hiện các đơn vị chức năng của sở đang tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông  nghiệp và PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, thậm chí có những cơ sở chỉ kinh doanh theo thời vụ, gây khó khăn cho công tác quản lý. Vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để... Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó giá lúa giống hiện đã lên tới 15.000 đồng/kg; giá thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước...

Tại Kiên Giang, từ đầu năm tới nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã thanh tra, kiểm tra hơn 700 cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 61 cơ sở trên địa bàn tỉnh kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng… Đặc biệt, mỗi vụ sản xuất lúa, Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống (khoảng 33.600 tấn) nhưng đã có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng từ các đại lý tới tay người nông dân.

 

 Cần siết chặt việc kiểm tra chất lượng các mặt hàng vật tư nông nghiệp để bảo vệ người tiêu dùng.

 

Thực tế, có nhiều giống lúa chất lượng thấp bán trên thị trường đã gây thiệt hại cho nông dân. Về vấn đề này, theo Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang, đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm các quy định pháp luật trong kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất là mặt hàng phân bón.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, do công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm chưa thật sự hiệu quả. Nhiều địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh, để khắc phục tình trạng vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, các địa phương cần giảm bớt việc thanh tra theo kế hoạch, tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm tránh tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối phó, từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác là nhân rộng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, việc cần làm ngay là phải loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top