Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 12 năm 2019 | 14:15

Cấp phép sai phạm nhiều dự án ở Hải Dương

Gần đây, trên các bãi sông thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương liên tục mọc lên các dự án, công trình xây dựng vi phạm nghiêm trọng Luật Ðê điều, gây bức xúc trong dư luận.

Ðiều đáng nói, các vi phạm này đều bắt nguồn từ việc cấp phép không đúng thẩm quyền của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương.

nmg-hd.jpg
Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen Minh Du đã xây dựng đầy đủ các hạng mục.

 

Huyện cấp phép sai thẩm quyền

Có mặt tại bãi ngoài đê tả sông Thái Bình thuộc địa phận thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách, chúng tôi tận mắt chứng kiến Nhà máy gạch tuy-nen của Công ty TNHH gạch tuy-nen Minh Du (gọi tắt là Công ty Minh Du) đã hoàn thiện đầy đủ các hạng mục như nhà ra sản phẩm mộc, nhà ra gạch chín, nhà bao che lò nung hầm sấy... để sẵn sàng đi vào hoạt động.

Trong thời gian qua, phát hiện công trình này được thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, các ngành chức năng và UBND huyện Nam Sách đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu dừng thi công và UBND huyện đã hai lần ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 140 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Minh Du vẫn phớt lờ tất cả và tiếp tục hoàn thiện nhà máy. Khi được hỏi vì sao chưa có giấy phép mà đã xây dựng, ông Ðào Minh Du, Giám đốc Công ty Minh Du cho biết: "Chúng tôi đã được tỉnh chấp thuận đầu tư".

Tương tự, tại bãi ngoài đê tả sông Thái Bình thuộc địa phận thôn Ngoại Ðàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Nhà máy gạch tuy-nen của Công ty cổ phần thương mại, sản xuất và xây dựng Phượng Hoàng (gọi tắt là Công ty Phượng Hoàng) đã được xây dựng xong và đi vào hoạt động. Vật liệu, gạch mộc, gạch mới ra lò chất ngổn ngang trên bãi sông. Giám đốc Công ty Nguyễn Danh Thìn khá tự tin khi cho chúng tôi xem đủ các loại giấy tờ liên quan đến dự án như: Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh Hải Dương và hai giấy phép xây dựng do UBND huyện Thanh Hà cấp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau một thời gian xây dựng không phép và đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử phạt, ngày 25-5-2018, Công ty Phượng Hoàng đã được cấp Giấy phép xây dựng số 305/GPXD-UBND do Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Trịnh Văn Thiện ký. Tuy nhiên, chỉ sau đó sáu ngày, ngày 31-5-2018, UBND huyện Thanh Hà đã có Quyết định số 2380/QÐ-UBND thu hồi giấy phép này do cấp sai thẩm quyền. Tiếp đó, ngày 25-12-2018, Công ty Phượng Hoàng lại được cấp Giấy phép xây dựng số 739/GPXD-UBND do Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Nguyễn Văn Lực ký. Theo Ðiều 25 và Ðiều 26 Luật Ðê điều, các hoạt động xây dựng, để vật liệu, khai thác đất, đá... ở bãi sông phải được UBND tỉnh cấp giấy phép. Việc UBND huyện Thanh Hà cố tình cấp giấy phép sai thẩm quyền đã tạo điều kiện cho Công ty Phượng Hoàng tiếp tục vi phạm.

Tỉnh phớt lờ ý kiến ngành chuyên môn

Ngược thời gian, lần giở hồ sơ để ra được quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án nêu trên, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy trong quá trình thẩm định các dự án, có những ngành chuyên môn đã có ý kiến cho thấy dự án chưa đủ điều kiện, nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương vẫn phớt lờ. Cụ thể, theo quy định của Luật Ðê điều, của Quyết định số 257/QÐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 6066/BNN-TCTL ngày 19-7-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), để UBND tỉnh có đủ điều kiện quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Phượng Hoàng thì dự án phải được HÐND tỉnh quyết định đồng ý bổ sung vào quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Hải Dương trước khi gửi Bộ NN và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, khi dự án của Công ty Phượng Hoàng chưa được bổ sung vào quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Hải Dương, chưa được Bộ NN và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tại phiên họp lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương ngày 7-11-2017, UBND tỉnh Hải Dương vẫn đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen Phượng Hoàng của Công ty Phượng Hoàng. Tiếp đó, ngày 27-12-2017, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương ký Quyết định số 4176/QÐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Ngày 3-5-2018, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 27.000 m2 đất cho Công ty Phượng Hoàng.

Ðối với Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen Minh Du của Công ty Minh Du, ngành chuyên môn cũng có ý kiến rất rõ ràng: Dự án phải được HÐND tỉnh quyết định đồng ý bổ sung vào quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Hải Dương trước khi gửi Bộ NN và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản, ngành chuyên môn còn khẳng định rõ: "Chiều rộng bãi sông từ chân đê phía sông đến mép bờ sông tại K8+840 rộng khoảng 165 m và tại K9+040 rộng khoảng 206 m". Như vậy là không đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 257/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại khoản 3, Ðiều 26 Luật Ðê điều chỉ được xem xét đối với một số khu vực mà chiều rộng bãi sông lớn hơn 500 m). Ðồng thời, trong Báo cáo thẩm định dự án, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hải Dương đã nêu rõ: Ðề nghị UBND tỉnh giao Sở NN và PTNT hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục báo cáo Bộ NN và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về vị trí đặt nhà máy. Ðặc biệt, ngày 12-12-2017, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có Công văn số 587/PCTT-QLÐÐ gửi UBND tỉnh Hải Dương, cho ý kiến về Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen Minh Du, trong đó nhấn mạnh: "Vị trí lựa chọn dự án có công trình xây dựng nằm ở khu vực bãi sông hẹp có thể gây ảnh hưởng đến thoát lũ, dòng chảy. Ðề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo xem xét nghiên cứu lựa chọn vị trí phù hợp". Thế nhưng, khi chưa được Bộ NN và PTNT thẩm định, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 20-12-2017, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trương Văn Hơn ra Thông báo số 229/TB-UBND về việc thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen Minh Du, trong đó nêu ý kiến của UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với công suất 20 triệu viên/năm. Ðến ngày 4-1-2018, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất gạch tuy-nen Minh Du và ngày 6-7-2018 có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng 25.000 m2 đất cho Công ty Minh Du.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều dự án, công trình vi phạm nghiêm trọng Luật Ðê điều, ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, thoát lũ của sông trên địa bàn tỉnh Hải Dương, gây nhiều bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua. Theo thông tin và tài liệu chúng tôi có được, gần đây, có nhiều dự án ngoài bãi sông cũng đã được UBND tỉnh Hải Dương quyết định chấp thuận đầu tư. Một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty Phượng Hoàng, Công ty Minh Du sau khi có quyết định chấp thuận đầu tư, quyết định thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc, nhưng hiện đang bị mắc kẹt do dự án vi phạm Luật Ðê điều nên không thể hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục triển khai.

Theo khoản 4, Ðiều 26 Luật Ðê điều, đối với những công trình xây dựng trên bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng trình Bộ NN và PTNT thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ðề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ việc chấp thuận đầu tư, cấp phép cho các dự án nêu trên của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương có vi phạm Luật Ðê điều và Quyết định số 257/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hay không?

 

Ngày 7-10-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn.

 

 

Việt Ngọc Vinh
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top