Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2022 | 9:50

Chủ động đa dạng thị trường, sản phẩm và khách hàng

Suốt từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, câu chuyện ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc luôn nóng ở vùng sản xuất nông sản chủ lực, nhiều nghìn tấn thanh long, dưa hấu,… khó tiêu thụ, rớt giá sâu.

Không chỉ nóng ở vùng sản xuất, mà rất nóng trên các trang báo, tạp chí, trong các hội nghị, diễn đàn và trong các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân đã rõ, do Trung Quốc áp dụng chiến lược “Zero Covid” nên phía bạn siết chặt việc quản lý xuất – nhập khẩu và đưa ra yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, giảm nhập khẩu tiểu ngạch,…

Vấn đề tiêu thụ nông sản qua cửa khẩu với Trung Quốc vẫn còn đang gỡ từng nút thì cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine bùng phát hơn chục ngày qua làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp, khó khăn hơn.

Việc nhiều nước trên thế giới áp đặt một “sê-ri” các biện pháp trừng phạt trên nhiều lĩnh vực, nhất là “đòn hạt nhân vào lĩnh vực tài chính” (ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng, tập đoàn lớn; ngăn cản xuất - nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng,..) với quy mô chưa từng có (theo thống kê, đến 7/3/2022, các lệnh trừng phạt đã phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản của Nga, một quy mô được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”) nhằm vào Nga sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine đã khiến giá năng lượng, lúa mì, phân bón,… tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, hiện chưa thấy điểm dừng. Mới đây nhất, Mỹ và nhiều nước phương Tây còn cấm nhập khẩu xăng, dầu và các loại năng lượng khác từ Nga. Điều này tác động rất xấu đến kinh tế toàn cầu vốn đang mong manh sau hơn 2 năm chống đại dịch Covid-19.

Việc nhiều nước siết chặt cấm vận trên nhiều lĩnh vực với Nga, nhất là việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế), đã tác động tới giao dịch thương mại của doanh nghiệp. Hiện có không ít doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền, đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng và gây đứt gãy chuỗi cung ứng cho hoạt động xuất - nhập khẩu. Thêm nữa, do các lệnh cấm vận từ cả hai phía, giá xăng dầu, phân bón, lúa mỳ,… những vật tư đầu vào của nhiều ngành kinh tế sẽ tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất, nhất là nông nghiệp và khai thác hải sản.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2021, xuất khẩu nông sản sang Nga đạt kim ngạch 550 triệu USD, trong đó thủy sản khoảng 164 triệu USD, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; cà phê 173 triệu USD, chiếm khoảng 6%; tiêu, điều 60 triệu USD, chiếm khoảng 2%... Nhưng khi căng thẳng xảy ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Thông tin mới nhất cho thấy, ngành xuất khẩu cá ngừ và tôm của ta sang Nga và Ukraine đã gặp khó (Nga là thị trường thứ 13 và Ukraine là thị trường thứ 19 của cá ngừ Niệt Nam. Nga đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm Việt Nam).

 

caphe03-3388-copy.JPG
Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong thời gian qua. Ảnh: QUANG THUẦN

 

Từ hai sự việc trên, thấy nếu chỉ trông vào một vài thị trường “bỏ trứng vào vài giỏ” thì sẽ rất khó khăn khi gặp sự cố bất ngờ như đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine.

Bởi vậy, theo nhiều chủ doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, cả cơ quan quản lý nhà nước, nhà nông – nhà vườn, chủ doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi cách làm, từ tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với hợp tác xã làm nòng cốt, doanh nghiệp là đầu tàu và quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, minh bạch, truy xuất được nguồn gốc đến đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm, đa dạng khách hàng cả trong nước và xuất khẩu. Nếu không triển khai nhanh các giải pháp này thì sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất của các doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản sẽ rất khó tháo gỡ.

Chỉ có chủ động xây dựng uy tín thương hiệu từ sớm, từ xa trên cơ sở liên tục nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, là bạn của tất cả các thị trường dù lớn hay nhỏ nhưng đều chung chất lượng cao và là bạn với mọi khách hàng, dù trong nước hay nước ngoài thì sản xuất nông nghiệp và  sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản mới có thể vượt qua những “đợt lũ” bất ngờ, không mong muốn. Bài học từ Tập đoàn Phúc Sinh Group là một ví dụ.

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top