Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2019 | 9:0

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm Trưởng ban chỉ đạo ATTP

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1730/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố.

Quyết định số 1730 được ban hành thay thế các quyết định: số 3183/QĐ-UBND ngày 17/6/2016, số 2806/QĐ-UBND ngày 16/5/2017 của UBND thành phố vào năm 2016 và 2017.
 
doan-lien-ngành-kierm-tra-tại-tay-ho.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra tại cơ sở kinh doanh Tây Hồ.

 

Theo đó, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP. Hà Nội do Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung làm Trưởng ban; Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu làm Phó trưởng ban Thường trực.
 
Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội có nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch về công tác an toàn thực phẩm, đồng thời nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
 
Với việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm Trưởng ban Chỉ đạo ATTP cho thấy sự cấp thiết và tầm quan trọng trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý đối với vấn đề đang gây nhức nhối trong xã hội nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
 
*  Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
 
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi thực phẩm an toàn đến người dân. 

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, tại các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng cấp thành phố đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh sai phạm.
 
 
Hương Khê (Hà Tĩnh): 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có giấy chứng nhận ATVSTP
 
Huyện Hương Khê hiện có 1.582 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, 318 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng mới có 50% cơ sở đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
 
xư-phat-co-so-kinh-doanh.jpg
Đoàn kiểm tra xử phạt cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận ATVSTP (ảnh báo Hà Tĩnh)
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo 389 huyện Hương Khê vừa triển khai kế hoạch thực hiện Tháng hành động vì ATVSTP năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
 
Tháng hành động được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5 trên phạm vi toàn huyện. Với mục đích tăng cường giáo dục, tuyên truyền, thông tin chính xác, kịp thời, trung thực và có trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến ATVSTP.
 
Chỉ riêng tại địa bàn huyện Hương Khê đã có đến 50% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận ATVSTP, điều này chứng tỏ sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý chức năng tại đây. Việc các cửa hàng kinh doanh không có giấy chứng nhận ATVSTP sẽ dẫn đến hậu quả không lường, có ai dám chắc rằng các cơ sở này sẽ kinh doanh đảm bảo vệ sinh?
 
 

Không để “sống chết mặc bay”

Ngày 12/4 là ngày mở đầu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM với chương trình phát động “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng”. Thật sự không phải chờ đến ngày này, mà lâu nay người dân đã quá lo lắng vì tình trạng thực phẩm thiếu an toàn tràn lan, từ khâu sản xuất, chế biến lên đến bàn ăn của mọi người. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm do nông sản bẩn, sản phẩm gia súc, gia cầm bị tẩm ướp hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm cấm sử dụng... được các cơ quan chức năng phanh phui xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mới đây nhất, vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại một công ty trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã khiến cho hơn 100 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Trước đó, tại TP.HCM cũng có hơn 60 em học sinh tiểu học nhập viện sau bữa ăn trưa tại trường.

Danh sách các cá nhân, đơn vị bị xử lý vì vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng dài, khiến người tiêu dùng càng lo lắng về chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm. Nhiều ý kiến cho rằng, chính người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình, biết tránh xa thực phẩm bẩn... Nhưng, đừng bắt người dân trở thành “người tiêu dùng thông thái” khi việc kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng vẫn còn yếu kém.

Hiện nay, truy cập thông tin trên mạng hay qua các nguồn khác nhau, những người buôn bán thực phẩm dễ dàng tìm mua hóa chất cấm, phụ gia mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Chỉ vì lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm sẵn sàng đánh đổi sức khỏe và tính mạng của người khác. Đó là tội ác, là hệ quả của một xã hội khi việc thượng tôn pháp luật chưa thực sự được coi trọng. Phải chăng cơ quan chức năng bất lực trước thực trạng này?

Dư luận đòi hỏi phải có người chịu trách nhiệm, có “nhạc trưởng” huy động các giải pháp rốt ráo, mạnh mẽ để giải quyết tận gốc vấn đề, bảo vệ người dân khỏi cái chết mòn vì ăn, uống phải thực phẩm bẩn, mất an toàn. Không thể chấp nhận tình trạng khi sự việc xảy ra, người dân gặp họa, nhà sản xuất chịu trách nhiệm còn các cơ quan chức năng thì vô can.

Người đứng đầu Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận, việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay mới chỉ xử lý được “phần ngọn”, tức là chỉ kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, xử phạt… trong khi gốc rễ vấn đề là phải có được thực phẩm sạch đến người tiêu dùng và xây dựng nhận thức cộng đồng, chung tay ủng hộ thực phẩm sạch, biết cách tự bảo vệ chính mình. Theo bà Phong Lan, chính quyền địa phương và người dân lại không thể chỉ trông chờ vào sự tự giác của người sản xuất và kinh doanh thực phẩm để rồi thờ ơ với những hành vi sai phạm, mà cần có hành động mạnh mẽ bảo vệ bản thân và giống nòi.

Rõ ràng, bản chất thực phẩm không bẩn, nhưng chính sự tham lam, ích kỷ và nhẫn tâm của con người đã vấy bẩn lên chúng. Việc kiểm soát các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt và thực phẩm không thể mãi chờ vào công tác tuyên truyền và lương tâm con người, mà phải bằng chế tài mạnh được thực thi một cách hiệu quả của các cơ quan chức năng, thay vì hô hào qua các khẩu hiệu.

Phải làm sao để người sản xuất và kinh doanh thực phẩm bẩn hiểu rằng, nếu vi phạm thì chẳng những không còn đường kinh doanh mà còn chịu trách nhiệm hình sự cùng với đó, mỗi người dân là một cá nhân trong việc chống thực phẩm bẩn, dũng cảm đấu tranh, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Chừng nào trong nhận thức của mỗi người không còn tư tưởng “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” thì khi đó, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn mới có thể thành công.

 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top