Người dân xã Tân Thượng (Văn Bàn - Lào Cai) đang rất vui bởi địa phương đã cán đích nông thôn mới (NTM). Có được kết quả đó là cả một cuộc “cách mạng” nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân với mục tiêu thực hiện bằng được các tiêu chí NTM.
Và những ngày này, khi đại dịch Covid-19 gây tác động khó lường đến đời sống và sản xuất của bà con Tân Thượng, càng thấy rõ hơn những điều tốt đẹp mà NTM mang lại.
Để dân đồng lòng
Cách trung tâm huyện Văn Bàn 22km về phía Đông Bắc, trước khi XDNTM, Tân Thượng là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, gồm 8 thôn bản, với tổng số 886 hộ, 4.176 nhân khẩu; có 08 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Dao chiếm đa số, trên 60%. Với nếp sống cũ từ bao đời để lại, hàng ngày, bà con vẫn đeo gùi lên nương trồng lúa, trồng khoai, lấy củi đến tối mịt mới trở về nhà, ốm thì mời thầy mo, thầy cúng.
Giao thông chủ yếu là đường mòn, đường rải đá cấp phối, người dân chỉ có phương tiện duy nhất là đi bộ, muốn ra trụ sở UBND xã hoặc trạm y tế mất nửa ngày đường. Cán bộ xuống thôn tuyên truyền vận động vẫn thường chỉ gặp nhân dân vào buổi tối, có khi hôm sau mới về được ủy ban. Cán bộ y tế xã xuống thôn chữa bệnh đều phải mang cơm nắm đi theo.
Kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, sản xuất tự phát nên chất lượng, hiệu quả thấp, thu nhập bình quân chỉ đạt 16,500 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,18%. Việc dân cư sống chưa tập trung, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển... Nhưng những điều đó chưa phải là cái khó nhất trong thực hiện XDNTM. Cấp ủy, chính quyền xã xác định: Khó khăn lớn nhất là bà con chưa nhận thức đúng vai trò của mình trong XDNTM. Từ xác định đó, nhiệm vụ đi trước là phải thực hiện tuyên truyền vận động. Theo đó, việc đầu tiên là sửa chữa và xây dựng lại hệ thống loa truyền thanh của xã, đảm bảo tại tất cả các thôn đều có hệ thống loa kết nối với UBND xã. Hàng ngày, người dân được nghe tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiều câu chuyện thành công trong XDNTM ở nơi khác.
Ông Chu Hồng Hà, Chủ tịch UBND xã Tân Thượng, chia sẻ: “Chúng tôi xác định, khó khăn nhất trong XDNTM của xã là ý thức và nhận thức của người dân, để thay đổi được nếp nghĩ đã đi vào lối mòn ý thức đòi hỏi phải có sự kiên trì, Ban chỉ đạo XDNTM xã phải tìm đến những già làng, người có uy tín trong đồng bào thuyết phục trước, đến một lần chưa được thì hai lần, ba lần, cho đến khi người dân thấm nhuần mới chuyển đề tài khác. Công tác nêu gương được chú trọng, UBND xã phải sâu sát cơ sở, tìm ra những gương điển hình tiên tiến, thực hiện nêu gương đúng người, đúng việc, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, phương châm là việc khó cán bộ làm trước để dân thấy làm theo”.
Bên cạnh đó, điểm pa nô, áp phích, băng rôn ở các tuyến đường trên địa bàn xã được quan tâm triển khai thực hiện. Việc tuyên truyền qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được đẩy mạnh. Ngoài ra, các thôn bản đã dùng hệ thống loa đài, băng đĩa, sổ tay, tờ rơi, tài liệu liên quan đến NTM cấp phát, truyền tải đến từng người dân để bà con hiểu rõ mục tiêu XDNTM là sản xuất phát triển, nâng cao đời sống, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và người dân có vai trò là chủ thể.
Lúc đầu, nhiều người còn mang tâm lý e dè, tiếc của do phải cắt đất hiến cho thôn, cho xã, trường học. Nhờ những nhân tố tích cực, thuyết phục mọi lúc mọi nơi, thậm chí ngay cả trong đám cỗ, dần dần người dân cũng thấy được lợi ích của đường giao thông khi đi lại thuận lợi, hàng hóa dễ dàng được lưu thông. Đặc biệt, từ khi có đường, giá trị từng mảnh đất được nâng lên nhiều lần so với trước. Từ chỗ việc hiến đất rất khó khăn, đến nay nhân dân đã đề nghị được Nhà nước đầu tư hỗ trợ mặt đường, nhân dân sẵn sàng bỏ công và hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng cảnh quan môi trường.
Cũng từ chuyển biến đó, chính quyền và nhân dân xã bắt đầu bắt tay vào xây dựng các công trình như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học.
Niềm vui đón thành quả
Cùng với sự ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành chuyên môn của tỉnh Lào Cai, sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Văn Bàn, sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn của huyện và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở, đồng thuận của nhân dân, Tân Thượng đã cán đích theo đúng kế hoạch đề ra.
“Điều nhận thấy rõ nhất chính là nhận thức của người dân đã thay đổi. Trước kia, việc tăng gia sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, đến nay người dân đã bắt tay vào sản xuất sản phẩm hàng hóa. Cụ thể như: việc chăn nuôi gia súc trước kia thì cứ thả trâu, bò tự do trên rừng tạo thành đàn nhưng bà con không bán, chỉ khi nào gia đình có việc cưới, việc tang thì mang ra mổ thịt chiêu đãi dân làng. Đến nay, hiện tượng thả rông gia súc không còn, thay vào đó, trâu, bò được nuôi nhốt chuồng, khi béo được giá thì đem bán. Nương ngô, nương sắn được thay thế bằng những cánh rừng chẩu, bồ đề, quế xanh ngút mắt, những vườn hồng vài hecta cho thu hoạch ổn định. Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất đã hình thành đối với các sản phẩm từ cây quế, cây gấc, cây hồng, đem lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân.
Về Tân Thượng hôm nay, tuyệt nhiên không còn thấy bóng dáng ngôi nhà tranh vách đất ngày nào. Chỉ có những ngôi biệt thự nhà vườn khang trang được gắn biển nhà sạch, vườn đẹp. Người dân sắm được ti vi, tủ lạnh, điều hòa, xe máy, ô tô phục vụ cuộc sống”, ông Hà tự hào nói.
Đến nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã chiếm khoảng 63%, thương mại - dịch vụ 20%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 17%. Thu nhập bình quân đạt 36,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí chuẩn nghèo thu nhập. Tổng nguồn kinh phí XDNTM là 46.863 triệu đồng, nhân dân đóng góp 12.691 triệu đồng
Sự đoàn kết nhất trí một lòng từ trên xuống dưới, của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân đã khiến diện mạo xã Tân Thượng thay đổi từng ngày. Trường - lớp học, trạm y tế khang trang, sạch sẽ, đường giao thông được cứng hóa đến tất cả các thôn trên địa bàn. Đường nội đồng được đổ bê tông đến tận bờ ruộng. 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Không ít hộ dân có nhà lầu, xe hơi hoặc mua sắm được các trang thiết bị đắt tiền phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường đã có chuyển biến tích cực. Số hộ dùng nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn là 805/886 hộ, đạt 90,86%; số hộ có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là 677/886 hộ, đạt 76,4%. Công tác tổng vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nông thôn tại các thôn đã đi vào nền nếp. Cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.
Xã duy trì bền vững chuẩn phổ cập giáo dục các cấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 732 người, đạt trên 29,9%; Cơ sở vật chất và các điều kiện dạy và học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa. Hiện nay trên địa bàn xã có 3 trường duy trì và đạt chuẩn quốc gia.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hoá, xã văn hóa được triển khai tích cực, trong đó có 678/886 hộ đạt Gia đình văn hóa, chiếm 76,5%; 8/8 thôn bản văn hóa; các năm đều đạt xã văn hóa. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm; tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 94,8%; Trạm Y tế được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát và thành đại dịch, người dân Tân Thượng càng thấy thành quả của Chương trình XDNTM rõ hơn. Nhiều bà con cho biết, nhờ đổi mới cách làm ăn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên đời sống được nâng lên, tiêu thụ sản phẩm vẫn dễ dàng. Đặc biệt là, do Trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia nên công tác tuyên truyền phòng dịch được triển khai đến mọi nhà, mọi người.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)