Theo người dân địa phương, mặc dù duy trì hoạt động chăn nuôi trên địa bàn chưa lâu nhưng Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đã nhiều lần xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con.
Người dân xã Long Sơn phản ánh, những ngày vừa qua, mùi hôi thối từ các trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang bốc ra nồng nặc hơn, kết hợp với mưa to làm nước thải tràn ra sông suối khiến bà con bức xúc.
Do đó, sáng sớm 7/4, hàng trăm người dân ở các thôn: Hạ, Bản Bầu, Đồng Chòi… kéo đến chặn đường, bao vây khu vực cổng Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang, không cho người và phương tiện ra vào để phản đối doanh nghiệp.
Nhiều người căng lều bạt yêu cầu Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang có biện pháp xử lý nước, phân thải và mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi. UBND xã Long Sơn đã báo cáo tình hình đến UBND huyện Sơn Động và phối hợp với lực lượng công an huyện, đại diện Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang để giải thích, trao đổi với nhân dân. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, rất đông người vẫn tiếp tục ở lại trước cổng Công ty, chưa giải tán.
Được biết, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đầu tư xây dựng hai khu chăn nuôi lợn tại các thôn: Điệu, Tảu, Hạ và Đồng Chòi của xã Long Sơn, trên tổng diện tích 110ha với số vốn hơn 422 tỷ đồng. Công suất thiết kế nuôi khoảng 18 nghìn con lợn thịt và 5 nghìn con lợn nái.
Trước đó, ngày 15/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang với tổng số tiền 312 triệu đồng do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.
Trước sự việc trên, đến ngày 8/4, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang (TN&MT), UBND huyện Sơn Động, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), UBND xã Long Sơn và Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đã tổ chức đối thoại với người dân tụ tập trên đường vào Công ty hai ngày qua.
Tại cuộc đối thoại, nhiều người dân bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình chăn nuôi lợn của Công ty. Những ngày gần đây, tại các trang trại, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, nước thải màu đen đặc được xả ra suối Bài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân xã Long Sơn và một phần xã Dương Hưu (Sơn Động).
Ông N. S. C, thôn Đồng Chòi, nói: "Trước đây, sông suối cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Từ khi Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang chăn nuôi lợn thì sông suối bị ô nhiễm, mùi hôi thối, nước và phân thải tràn lan, tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe nhân dân. Chúng tôi đề nghị Công ty có biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho người dân".
Sau khi trao đổi, các bên đã thống nhất một số nội dung, trong đó có việc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát thừa nhận những sai phạm dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong thời gian qua, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người dân các xã Long Sơn, Dương Hưu. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát (Công ty mẹ của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát) cam kết không tiếp tục đưa lợn con vào chăn nuôi; xuất bán, di chuyển hết số lợn hiện có trong vòng 3 tháng; áp dụng các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Cải tạo hệ thống chuồng trại, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, phân thải, hạn chế mùi hôi.
Đại diện người dân cho biết, sẽ tự lập trạm kiểm tra, giám sát chặt chẽ những cam kết của doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Ngay sau đó, Sở TN&MT và Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường tỉnh Bắc Giang đã tiến hành lấy các mẫu tại Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát để xét nghiệm, làm căn cứ xử lý. Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý vi phạm trên của công ty.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.