Vì nhu cầu hoạt động, Nhà nước đã cấp thêm đất nhưng Công ty CP Pin Hà Nội lại tự ý “xẻ” cho doanh nghiệp khác thuê làm nhà xưởng sản xuất nhựa; còn người dân xung quanh thì “gồng mình” hứng chịu ô nhiễm...
Sống chết... mặc dân
Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của nhiều người dân thị trấn Văn Điển (Thanh Trì - Hà Nội) đề nghị làm rõ việc sử dụng đất sai đất mục đích xảy ra tại Công ty CP Pin Hà Nội.
Để tìm hiểu thực hư, phóng viên có mặt tại khu đất mà người dân phản ánh. Nhà xưởng này nằm ở cuối ngõ 111 đường Phan Trọng Tuệ; được xây dựng quy mô lớn, đang hoạt động rầm rộ bên trong; tiến lại gần thì ngửi thấy mùi nhựa nồng nặc gây cảm giác khó thở.
Được biết, Công ty CP Pin Hà Nội là đơn vị được TP. Hà Nội giao quản lý, chỉ được sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, sau khi được giao đất, công ty lại “xẻ” ra nhiều ô cho doanh nghiệp khác thuê làm nơi dựng nhà xưởng sản xuất nhựa, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ...
“Do khu đất nằm liền kề khu dân cư nên mỗi khi vận hành máy sản xuất nhựa, chúng tôi phải hứng chịu mùi khét lẹt, khổ nhất là người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi đã phản ánh tình trạng này lên chính quyền, nhưng họ xuống kiểm tra xong rồi đâu lại vào đấy, tình hình không được cải thiện”, một người dân sống trong ngõ 111 bức xúc.
Người dân này ngao ngán kể tiếp: “Trước đây, Công ty Pin Hà Nội sản xuất mangan gây ô nhiễm, chúng tôi đã khổ lắm rồi, cứ nghĩ xưởng của họ chuyển đi thì môi trường sống được trong lành hơn. Nhưng ai ngờ, công ty lại cho một số doanh nghiệp về đây thuê đất, sản xuất ngày đêm, làm đảo lộn cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi ở đây thường xuyên phải đóng kín cửa vì không chịu nổi mùi sơn gỗ công nghiệp. Mặc dù đóng kín cửa nhưng bụi mùn cưa với mạt gỗ vẫn cứ len lỏi vào, phủ trắng các vật dụng trong nhà, quần áo phơi bụi bám chuyển màu cháo lòng”.
Tìm hiểu được biết, khu đất xảy ra sai phạm này có diện tích gần 4.500m2, được UBND TP. Hà Nội giao Công ty CP Pin Hà Nội sử dụng làm nơi chế biến mangan thiên nhiên. Sau thời gian hoạt động, nhà máy này phải di dời đi nơi khác do gây ô nhiễm môi trường và bị người dân kịch liệt phản đối. Sai phạm phát sinh từ đây. Sau khi chuyển toàn bộ máy móc đi nơi khác, thay vì sử dụng quỹ đất này đúng mục đích, tránh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân, Công ty CP Pin Hà Nội lại ngang nhiên “xẻ thịt” khu đất này cho các doanh nghiệp ngoài thuê lại sử dụng vào việc sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau.
Có dấu hiệu cố tình làm sai?
Vào ngày hè oi bức, không khí càng trở nên ngột ngạt với bụi của gỗ, mùi khét của sắt cháy và sơn công nghiệp liên tục tra tấn sức khỏe người dân sinh sống nơi đây. Tiếng ồn ào của những máy cưa gỗ, búa nện sắt thép của xưởng cơ khí “đinh tai nhức óc” khiến người già thì mất ăn, mất ngủ, trẻ nhỏ thì thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp.
Trước thông tin phản ánh của phóng viên, huyện Thanh Trì mới vội vàng lập đoàn xuống kiểm tra.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng tổ chức - Công ty CP Pin Hà Nội vin lý do sắp đón đoàn xuống kiểm tra nên từ chối trả lời.
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc công ty thì khẳng định chắc nịch: Việc cho các doanh nghiệp khác thuê lại đất là hoàn toàn phù hợp, không có gì sai phạm. “Khu đất này được TP. Hà Nội giao 50 năm để sản xuất kinh doanh, trong đó, có trên 1/3 diện tích nằm trong chỉ giới đỏ. Trong quá trình mở rộng đầu tư sản xuất, để tránh gây lãng phí, công ty đã cho thuê ngắn hạn 1 năm”, ông Hùng thông tin.
Dù khẳng định công ty đã làm đúng và đầy đủ các thủ tục pháp lý về việc cho các doanh nghiệp vào thuê đất và chấp hành đầy đủ về Luật Bảo vệ môi trường nhưng khi được hỏi về các doanh nghiệp thuê đất có thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là về phòng cháy - chữa cháy, đại diện công ty lại không đưa ra được bất cứ văn bản, giấy tờ nào.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất mà Công ty CP Pin Hà Nội đang cho thuê là những xưởng gỗ công nghiệp với hàng chục công nhân đang làm việc trong điều kiện hết sức ô nhiễm, bụi bặm, ồn ào, không hề có biện pháp bảo vệ môi trường.
Trong quá trình sơn gỗ, các cơ sở này cũng không có phòng phun sơn và thiết bị thu hồi sơn và xử lý khí thải cùng với đó là những máy cưa, xẻ gỗ gào rít ầm ĩ trong xưởng mà không hề có biện pháp cách âm với khu dân cư. Các xưởng cơ khí, sơn tĩnh điện cũng hoạt động hết công suất, mùi sơn, khói hàn xì khét lẹt và tiếng búa gõ chát chúa đến nhói tai. Tất cả cộng hưởng thành những âm thanh và tạo khói bụi như đại công trường đang thi công. Điều này là minh chứng hoàn toàn đúng với những gì mà người dân khu Ga phản ánh.
Trả lời phóng viên, ông Tiến - Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển cho biết: “Việc Công ty CP Pin Hà Nội cho thuê đất như vậy là sai, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn rủi ro cháy nổ. Thị trấn cũng đã xuống kiểm tra và nhắc nhở”. Khi được hỏi: chính quyền thị trấn đã xử phạt vi phạm tại đây như thế nào, ông Tiến thừa nhận: “Chỉ mới nhắc nhở, chưa xử phạt”.
Thiết nghĩ, UBND TP. Hà Nội cần sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin việc sử dụng đất công sai quy định; làm rõ dấu hiệu sai phạm của lãnh đạo Công ty CP Pin Hà Nội; trách nhiệm của lãnh đạo UBND thị trấn Văn Điển, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì khi để Công ty CP pin Hà Nội ngang nhiên cho thuê đất được giao?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.