Người dân xã Dân Quyền (Tam Nông - Phú Thọ) bức xúc dựng lều, phản đối việc Công ty TNHH Tiến Nga khai thác cát trên sông Đà gây sạt lở bãi bồi và hàng trăm mét bờ kè đá ven sông, tiềm ẩn nguy hiểm cho hàng nghìn hộ dân mỗi khi vào mùa mưa lũ.
Dựng lều ngăn tàu hút cát trái phép
Người dân xã Dân Quyền cho biết, hiện nay, trên tuyến sông Đà đoạn qua địa bàn diễn ra hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, khai thác vượt số lượng phương tiện đăng ký, vượt công suất, phạm vi cấp phép khai thác… gây sạt lở bãi bồi ven sông và hàng trăm mét bờ kè đá bị hư hỏng nặng, đe dọa tính mạng của hàng nghìn hộ dân nơi đây mỗi khi vào mùa mưa lũ.
Được biết, năm 2014, UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy phép khai thác mỏ cát lòng sông Đà thuộc địa bàn xã Hồng Đà (nay là xã Dân Quyền) cho Công ty TNHH Tiến Nga với thời hạn 5 năm. Theo giấy phép, mỏ cát do Công ty TNHH Tiến Nga khai thác có tổng diện tích 32,9ha với trữ lượng 1.423.649m3 cát. Công ty TNHH Tiến Nga được phép khai thác đến cao trình tuyệt đối cốt 2,5m và sản lượng 30.000m3/năm.
Trong giấy phép khai thác cát, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Công ty TNHH Tiến Nga có trách nhiệm phải tiến hành khai thác cát theo đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất theo đúng quy định.
Thực tế, sau khi Công ty TNHH Tiến Nga tiến hành dùng tàu cuốc khai thác cát rầm rộ, gây ra tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông, diện tích đất nông nghiệp của người dân ven sông Đà, khiến nhân dân bức xúc. Người dân xã Dân Quyền cho rằng, chính việc Công ty TNHH Tiến Nga khai thác cát một cách tràn lan, bừa bãi, tàu cuốc tiến sát vào bờ hút cát khiến nhiều khu vực bờ sông bị sạt lở, có vị trí sạt lở cách nhà dân chỉ hơn chục mét.
Ông L., một người dân sinh sống tại khu 3, xã Dân Quyền, cho biết: “Hơn 10 năm nay, trên đoạn sông này, diễn ra tình trạng sạt lở làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân… Cả ngày lẫn đêm, hàng chục con tàu áp sát bờ để khai thác cát, khiến cả dòng sông đục ngầu, đất cứ ào ào sạt lở xuống sông, còn tàu vẫn thản nhiên ra sức khai thác. Chúng tôi đã lập lán ở đây nhiều ngày, bà con thay phiên nhau canh giữ và ngăn không cho tàu thuyền khai thác cát nhưng cứ hễ không có người canh là họ lại cho tàu vào bờ để hút cát. Việc khai thác cát đã làm thay đổi dòng chảy, kéo theo diện tích đất canh tác của bà con địa phương bị sạt lở, thu hẹp nghiêm trọng, đặc biệt là vị trí họ khai thác chỉ cách cầu Trung Hà vài trăm mét. Hàng nghìn hộ dân sinh sống ven sông Đà đứng trước hiểm nguy mỗi khi đến mùa mưa lũ”.
Theo người dân xã Dân Quyền, mặc dù người dân kiến nghị nhiều lần nhưng ngành chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc một cách “hời hợt” nên cực chẳng đã, nhiều lần bà con phải hò nhau kéo ra bờ sông, dùng phương tiện cá nhân, đuổi tàu cuốc khỏi khu vực. Đỉnh điểm, ngày 16/12/2021, khoảng 40 hộ dân Khu 3, Khu 4, xã Dân Quyền phát hiện nhiều tàu áp sát vào bờ để hút cát, người dân tập trung dựng lán không cho tàu của Công ty TNHH Tiến Nga khai thác cát.
Người dân vẫn nơm nớp lo lắng
Trước đó, người dân kéo về tập trung tại trụ sở UBND xã Dân Quyền kiến nghị về việc UBND tỉnh Phú Thọ trước khi cấp phép cho Công ty TNHH Tiến Nga khai thác không lấy ý kiến của nhân dân. Việc khai thác, vận chuyển cát trong thời hạn 5 năm như được cấp phép, nguy cơ sẽ gây sạt lở đất canh tác và đất ở, gây bụi ô nhiễm môi trường khu dân cư.
Trả lời về những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Công Định, Phó giám đốc Công ty TNHH Tiến Nga, cho hay: Công ty được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác, hoạt động dựa trên tinh thần chính quyền địa phương và bà con cùng giám sát… Hiện chúng tôi vẫn đang khai thác trên phạm vi cho phép của mỏ và đảm bảo tối thiểu không gần bờ, không làm ảnh hưởng tới hoa màu của bà con.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, nhiều người dân sống tại 2 khu 3, 4 xã Dân Quyền vẫn vô cùng bức xúc về tình trạng tàu khai thác cát của Công ty TNHH Tiến Nga.
Không chỉ lo lắng về tình trạng sạt lở đất canh tác, sạt lở bờ sông, người dân xã Dân Quyền cũng bày tỏ sự lo lắng về việc hoạt động khai thác, vận chuyển cát rầm rộ của Công ty TNHH Tiến Nga ngay sát khu vực cầu Trung Hà (nối Ba Vì - Hà Nội với Tam Nông - Phú Thọ), đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của cây cầu nghìn tỷ đồng này.
Được biết, ngày 29/11, ông Phan Trọng Tấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký Quyết định số 3081/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tiến Nga do vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản khi khai thác cát trên tuyến sông Đà, tại xã Dân Quyền, huyện Tam Nông.
UBND tỉnh Phú Thọ quyết định xử phạt Công ty TNHH Tiến Nga 120 triệu đồng vì hành vi khai thác cát lòng sông vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác; buộc Công ty TNHH Tiến Nga phải nộp lại số tiền là 21,38 triệu đồng tương ứng với trị giá của 213,8m3 cát đã khai thác ngoài chỉ giới. Tổng mức tiền phạt mà Công ty TNHH Tiến Nga phải nộp phạt và khắc phục hậu quả là 141,38 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Tiến Nga phải chi trả phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc để xác định hành vi vi phạm; buộc phải cải tạo, phục hồi môi trường và thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Công ty TNHH Tiến Nga có trách nhiệm nộp đủ số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định xử phạt.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.