Sau nhiều lần hoãn xử, ngày 8-11, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Phan Thúy Mai, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Du lịch An Phát về tội danh chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Phan Thúy Mai tại tòa.
Tại phiên tòa, Phan Thúy Mai (SN 1961, trú ở phường Đa Kao, quận 1, TP HCM), cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Du lịch An Phát (Công ty An Phát) bị xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 140-BLHS.
Theo đó, tài liệu truy tố xác định, Dự án Đồi 79 Mùa xuân thuộc địa bàn xã Thanh Lâm và Đại Thịnh (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, nay là Hà Nội), được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho phép đầu tư vào năm 2003.
Thời điểm ấy, với tư cách là người đứng đầu Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Toàn Thắng (trụ sở ở TP. HCM, gọi tắt là Công ty Toàn Thắng), Phan Thúy Mai xúc tiến việc xin phê duyệt dự án với tổng diện tích gần 93ha.
Thế nhưng sau đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy việc cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp ở TP. HCM sẽ gây những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước nên đề nghị Mai thành lập một pháp nhân khác đặt tại địa phương để triển khai dự án.
Từ lý do trên, tháng 4/2004, Công ty An Phát được ra đời với 4 cổ đông sáng lập. Trong đó, Mai đăng ký sẽ góp 60% vốn điều lệ (30 tỷ đồng). Kế đến, Công ty An Phát được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép cho làm chủ đầu tư Dự án Đồi 79 Mùa Xuân và Công ty Toàn Thắng không còn liên quan.
Và dù đăng ký tỉ lệ góp vốn rất lớn, đồng thời nắm giữ vai trò người đứng đầu Công ty An Phát, song khi CQĐT vào cuộc làm rõ hàng loạt những khuất tất của cựu nữ giám đốc này thì phát hiện toàn bộ vốn góp của Mai chỉ là “vốn ảo”. Thậm chí, tính đến thời điểm vụ án xảy ra, vốn góp của bị cáo vào doanh nghiệp âm gần 3 tỷ đồng.
Cũng theo cáo trạng truy tố cựu nữ Giám đốc Công ty An Phát, thực hiện Dự án Đồi 79 Mùa xuân, năm 2007, doanh nghiệp này được tỉnh Vĩnh Phúc giao cho gần 983.000m2 đất, trong đó có 162.897 m2 dùng để xây biệt thự, nhà vườn. Một năm sau, tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Công ty An Phát 194 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”), tương ứng diện tích đất được giao.
Và trong số hàng trăm “sổ đỏ” nêu trên, Công ty An Phát có 2 nền đất biệt thự BT10-08 (hơn 5.000m2) và BT10-10 (hơn 1.500m2), đều thuộc xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Tuy nhiên, ngay khi nhận “sổ đỏ”, Mai lập tức làm lập khống biên bản họp HĐQT cùng giấy tờ liên quan để bán 2 nền đất nêu trên cho chính mình với giá hơn 9,8 tỷ đồng.
Hành vi này của cựu Giám đốc Công ty An Phát được xác định là trái với Điều lệ công ty cũng như Luật Doanh nghiệp. Và không chỉ tự ý áp giá chuyển nhượng đất rất “bèo”, Mai còn không trả tiền cho doanh nghiệp. Chỉ đến khi bị các cổ đông tố cáo vào năm 2010 thì Mai mới chịu nộp tiền vào doanh nghiệp.
Quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện ra một tình tiết hết sức “bi hài” là hai nền đất Mai chiếm đoạt đều thuộc địa bàn xã Thanh Lâm nhưng lại được UBND xã Đại Thịnh ký chứng thực khi chuyển nhượng. Do đó, hàng loạt cán bộ liên quan đều đã bị xử lý đích đáng.
Theo định giá tài sản, 2 nền đất biệt thự mà Mai chiếm đoạt của Công ty An Phát là 30,5 tỷ đồng.
Chiếm đoạt được tài sản, cựu nữ Giám đốc Công ty An Phát lần lượt mang đi thế chấp ngân hàng để vay hàng chục tỷ đồng chi tiêu cá nhân.
Tại phiên tòa, cựu Giám đốc Công ty An Phát thừa nhận hành vi chuyển nhượng 2 nền đất từ pháp nhân thành tài sản cá nhân là sai trai, song cho rằng không gây thiệt hại gì cho doanh nghiệp. Tương tự, đối những sai phạm về thủ tục trong quá trình chuyển nhượng đất bất hợp pháp, bị cáo khẳng định không hề “bôi trơn” cho những cá nhân thuộc cơ quan chức năng.
Bào chữa cho bị các, các luật sư cho rằng, bị cáo bị oan vì việc chuyển nhượng tài sản từ pháp nhân sang cá nhân Mai là nghĩa vụ của Công ty An Phát đối với Công ty Toàn Thắng khi thay đổi chủ đầu tư dự án. Và việc chuyển tài dịch tài sản đó không khác nào bị cáo chiếm đoạt tài sản của chính mình.
Tuy nhiên, theo VKS cùng đại diện Công ty An Phát khẳng định, quan điểm của các luật sư bào chữa cho bị cáo Mai là không đúng. Bởi thời điểm Công ty Toàn Thắng xin lập dự án thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa giao đất. Mặt khác, về sau chính địa phương này cũng đã ra quyết định thay đổi chủ đầu tư sang Công ty An Phát nên Công ty Toàn Thắng không còn liên quan gì đến dự án.
Sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật. Bị cáo Mai đã lợi dụng tư cách người đứng đầu doanh nghiệp để chiếm đoạt 2 nền đất biệt thự, tương tương 30,5 tỉ đồng của Công ty An Phát với thủ đoạn tinh vi.
Do đó, khép lại vụ án này ở giai đoạn sơ thẩm, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Phan Thúy Mai 16 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Về dân sự, HĐXX cũng buộc ngân hàng nhận thế chấp tài sản của Mai phải hoàn trả lại cho Công ty An Phát.
P.V
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.