Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 8 năm 2018 | 7:29

Đắk Lắk: Trút bỏ gánh nặng cho voi nhà

Voi nhà được trút bỏ gánh nặng; vai trò cộng đồng trong bảo tồn văn hóa truyền thống; sạt lở đất ở Kon Tum là tin tuần qua ở Tây Nguyên.

Đàn voi nhà đã trút được gánh nặng

Cuối cùng thì đàn voi nhà còn lại ít ỏi ở Đắk Lắk cũng trút được gánh nặng bấy lâu nay, khi dịch vụ cưỡi voi du lịch ở đây được hạn chế và từng bước tiến tới xóa bỏ hoàn toàn theo đề xuất, cam kết giữa Vườn Quốc gia Yok Đôn với Tổ chức Động vật châu Á vừa mới đưa ra vào trung tuần tháng 7-2018.

Thay vào đó, đàn voi sẽ được chăm sóc, đối xử thân thiện hơn, nhất là trong hoạt động du lịch tại Buôn Đôn và Lắk – loài vật gần gũi và thông minh này không còn phải oằn mình đưa đón du khách bất kể ngày đêm trong tình trạng kiệt sức vì bị con người xích xiềng và bóc lột quá mức.

Còn nhớ gần hai thập kỷ qua, đàn voi nhà Đắk Lắk được đưa vào khai thác phục vụ du lịch như sản phẩm đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Những khu, điểm du lịch có sản phẩm cưỡi voi băng rừng, lội suối để  thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên như Buôn Đôn, Hồ Lắk, Ea Súp… bao giờ cũng thu hút du khách nhiều hơn so với nơi khác.

 Và dĩ nhiên một khi du khách đến nhiều, sẵn sàng rút hầu bao ra để thỏa mãn nhu cầu cưỡi voi thì người sở hữu voi, cũng như người sử dụng voi cho mục đích thương mại kia chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền, bất chấp quy luật sinh tồn, tập tính  sinh hoạt tự nhiên của loài vật này.

Vì thế mới dẫn đến hệ quả là năm nào cũng có 1 – 2 cá thể voi lần lượt nằm xuống, khiến số lượng đàn voi nhà ở đây không ngừng giảm sút – từ gần 70 con vào những năm 1997 – 1998, đến nay chỉ còn 45 con. Số voi còn lại này, nói như ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk: rằng nó không còn nguyên vẹn và lành lặn nữa, vì hầu hết đều suy kiệt dinh dưỡng. Đáng nói hơn là trong số đó, nhiều con bị vặt trụi lông đuôi, thậm chí bị chặt đuôi để phục vụ nhu cầu nhảm nhí, thời thượng hay nói đúng hơn là xấu xí của không ít “thượng đế” ham muốn sở hữu một, hoặc càng nhiều càng tốt sợi lông đuôi voi để cầu may, lấy hên (!)

 

đl-619.jpg Sắp tới không còn cảnh voi phải làm việc quá sức vì thường xuyên chuyên chở khách như thế này. 

 

Có thể nói, từ khi ngành du lịch biến voi thành sản phẩm du lịch theo kiểu tận thu, nước mắt voi đã chảy, hơn thế sinh mạng bị đe dọa từng ngày do lợi nhuận khủng từ loài vật hiền lành này mang lại.

Ngoài việc bắt voi chở khách hằng ngày, người ta còn tổ chức hội voi với nhiều hoạt động (đua voi, đá bóng, diễu hành) mang nặng mục đích thương mại nhiều hơn là văn hóa tinh thần càng làm cho tập tính, sinh hoạt tự nhiên của voi bị mất cân bằng và méo mó. Điều này được ông Y Ka Byă (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) chứng thực rằng không ít lần đàn voi nhà ở đây nổi giận tung vòi quật đổ trụ đèn, cây cối, xe cộ… trong khu du lịch Bản Đôn vì áp lực khách quan bủa vây dày đặc và nặng nề.

Hãy trả lại đời sống tự nhiên cho đàn voi, đặc biệt là vấn đề chăm lo và nâng cao phúc lợi cho mỗi cá thể voi ở đây bằng cách không duy trì hoạt động cưỡi voi du lịch, không được xích nhốt voi thường xuyên, không sử dụng voi trong các hoạt động lễ hội, các sự kiện cộng đồng hay các trải nghiệm khác…

Không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tập tính tự nhiên của đàn voi  là thông điệp mà Tổ chức Động vật châu Á muốn gửi đến cho chủ sở hữu và các tổ chức, đơn vị kinh doanh, khai thác voi như sản phẩm du lịch thuần túy, thiếu bền vững hiện nay.

Hy vọng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân cùng nhau hiện thực hóa thông điệp trên một cách triệt để, rốt ráo bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp và kịp thời.

Để lúc ấy, đàn voi nhà Đắk Lắk không còn là đối tượng bị khai thác, bóc lột nữa mà trở thành vốn di sản đáng được mọi người bảo bọc và khám phá nhiều điều kỳ thú từ tập tính, sinh hoạt tự nhiên của voi, ít nhất là dưới góc nhìn du 

Ngày 13-7-2018, Tổ chức Động vật châu Á, một tổ chức phi chính phủ có uy tín toàn cầu đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi mô hình du lịch với Vườn Quốc gia Yok Đôn. Theo đó, tổ chức này sẽ tài trợ 65.000 USD để hỗ trợ việc triển khai, phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Đắk Lắk. Qua đó góp phần thay đổi quan điểm, hành vi, phương pháp sử dụng voi nhà cho hoạt động du lịch tại địa phương. Thời gian thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 7-2018 đến tháng 6-2023.

Cư Jút: Vai trò cộng đồng trong bảo tồn văn hóa cổ truyền

Huyện Cư Jút (Đắc Nông), hiện có 23 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng các vùng miền. Với thực tế đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã đề ra nhiều giải pháp, nhất là phát huy vai trò của cộng đồng để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

 

n-9.jpg

Các cô gái Ê đê luôn mang tới lễ hội những điệu múa đậm bản sắc dân tộc    

 

Theo đó, cùng với việc duy trì tổ chức định kỳ Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, tái hiện nghi lễ cúng bến nước, lễ rước K’pan, lễ lên nhà mới... tạo nên không khí tươi vui, đoàn kết giữa các dân tộc, công tác tuyên truyền để xây dựng phong trào bảo tồn văn hóa tại cơ sở luôn được quan tâm thực hiện.

Đặc biệt, huyện cũng khuyến khích, động viên các già làng, nghệ nhân, trưởng buôn phát huy vai trò trong việc vận động con cháu gìn giữ tiếng nói, trang phục của dân tộc mình. Trên thực tế, nhiều nghệ nhân đã đứng ra truyền dạy, nhờ đó cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm vẫn được duy trì, phát triển.

Nghệ nhân Y Sim ở buôn Nui, xã Tâm Thắng là người rất am hiểu văn hóa truyền thống của người Ê đê. Với tâm huyết gìn giữ những gì cha ông để lại và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như bà con trong buôn, nghệ nhân đã tham gia nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các bạn trẻ trên địa bàn.

Qua chọn lựa, ông sử dụng các bài chiêng quen thuộc để truyền dạy cho mọi người như: Đánh báo lễ hội, Gió thổi thác chảy, Chiriria, Con sóc bay...

Nghệ nhân Y Sim cho hay: “Bảo tồn văn hóa truyền thống phải đi từ thực tế trong cuộc sống của người dân và để bà con, lớp trẻ hiểu được giá trị to lớn của văn hóa truyền thống cần phải có thời gian. Vì vậy, đi đâu, làm gì tôi đều vận động bà con cùng chung tay gìn giữ nét quý của dân tộc mình”.

Tương tự, ở buôn Buôr, xã Tâm Thắng, bà H’Đá cũng đã truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các chị em trong buôn và quanh vùng. Bà H’Ni cũng dạy cho con cháu biết hát Aray để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hại. Những bài hát Aray của người Ê đê được bà thể hiện một cách mượt mà, sâu lắng, giúp cho con trẻ ngày càng hiểu hơn sự tinh tế, giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc.

Điều đáng ghi nhận nữa là một số dân tộc phía Bắc luôn nỗ lực trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống trên quê hương mới. Điển hình, đồng bào dân tộc Dao ở các xã Đắk Wil, Ea Pô đã lưu giữ được nhiều trang phục truyền thống, nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dệt thổ cẩm và hàng năm thường tổ chức các lễ hội truyền thống như: lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ mừng thọ, lễ mừng sinh nhật...

Theo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cư Jút, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng cấp huyện; 3 đội cồng chiêng của các bon, buôn; 4 CLB đàn Tính hát Then; 2 CLB dân ca Quan họ Bắc Ninh...

Ngoài việc tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc, dân ca cho thanh thiếu niên tại các bon, buôn, địa phương còn đưa đàn Tính hát Then vào giảng dạy ở một số trường học.

Đặc biệt, CLB đàn Tính hát Then của các xã Nam Dong, Đắk D’rông đã đại diện cho tỉnh tham gia liên hoan toàn quốc tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đạt được nhiều kết quả khích lệ.

Hiện tại, huyện đã có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và hiện đang đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 2 nghệ nhân và danh hiệu  “Nghệ nhân ưu tú” cho 3 nghệ nhân nữa.

Bờ Y: Sạt lở đất, nhiều hộ dân làng Iệc “trắng tay”

Đã hơn một tuần trôi qua, nhưng người dân ở làng Iệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh bị sạt lở đất trong đêm; hoa màu, nhà cửa tài sản của nhiều hộ dân bị phá hủy; trong phút chốc họ trở nên “trắng tay”...

Đã hơn 1 tuần xảy ra sạt lở đất, ông Bùi Văn Hữu người làng Iệc, xã Bờ Y vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng. Ông kể: Vào khoảng 4 - 5h sáng 25/7, khi cả gia đình còn đang chìm trong giấc ngủ thì căn nhà cấp 4 của tôi bị lung lay dữ dội.

Tôi giật mình tỉnh dậy, gọi mọi người cùng dắt díu nhau ra khỏi nhà. Lúc đó xung quanh rung chuyển, đất đá đổ ầm ầm như muốn cuốn đi mọi thứ; đất đai, hoa màu, đường đi bê tông rộng gần 1m vừa hoàn thành chưa được bao lâu bị vỡ vụn nhiều đoạn, đất đá vùi lấp và kéo xa hàng chục mét.

Vụ sạt lở giống như một trận động đất, khiến mọi người trong xóm nháo nhác chạy ra khỏi nhà. Trời lúc này vẫn còn mờ mờ, các trụ điện bị gãy đổ nằm la liệt. Cây mít, cây bơ và nhiều cây ăn trái khác của gia đình tôi cùng với hơn 2ha cà phê của 3 hộ gia đình trong làng đang ra trái, sắp đến mùa thu hoạch cũng bị ngã đổ, bong gốc...” - ông Hữu tiếp tục kể cho chúng tôi nghe “cảnh tan hoang” do vụ sạt lở đất gây ra.  

 

kon-tum-699.jpg

Các hộ dân ở làng Iệc, xã Bờ Y (Ngọc Hồi) nhà cửa, hoa màu bị sạt lở phải tá túc nhờ nhà người thân.

  

Sau khi xảy ra đêm sạt lở kinh hoàng, cả gia đình tôi buộc phải di chuyển ra ở nhờ nhà người quen. Hiện ngôi nhà ván chúng tôi ở nhờ khá chật chội, nhưng có tới 3 gia đình xin ở nhờ, sinh hoạt, ăn uống cùng chung với gia đình của chủ nhà nên mọi việc rất khó khăn. Giường, chiếu thì nhường cho trẻ con, phụ nữ nằm, còn đàn ông chúng tôi thì phải treo võng phía trước ngủ.

Mấy ngày nay trời mưa liên tục nên chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn mà không biết làm gì khác. Tuy đồ đạc đã chuyển ra để nhờ ngoài này; nhưng còn heo, gà chưa di chuyển được nên chiều tối phải có người vào đó ngủ lại qua đêm để canh giữ, cho gia súc, gia cầm ăn. Ông Bùi Văn Hữu cho tôi biết về hoàn cảnh hiện tại của mình và 2 hộ gia đình ở làng Iệc bị thiệt hại nặng về nhà cửa phải đi ở nhờ nhà người quen.

“Nhiều gia đình nông dân chúng tôi phải đi vay mượn ngân hàng để có vốn đầu tư sản xuất. Cách đây chừng 20 ngày, có người vào hỏi mua rẫy cà phê với giá 1,3 tỷ nhưng gia đình tôi không chịu bán. Giờ bị đất vùi lấp coi như bị mất trắng, không biết lấy đâu ra tiền trang trải nợ nần...” - ông Hữu than vãn.

Để nắm rõ hơn hiện trạng, dẫu lúc đó trời đang có mưa nhưng chúng tôi nhờ anh Nguyễn Hoàng Hải - người dân ở làng Iệc, xã Bờ Y chở vào “mục sở thị” khu vực bị xảy ra sạt lở.

Hiện khu vực sạt lở có những đoạn đất bị nứt rộng chừng 1,5m, sâu gần 2m, kéo dài vài chục mét. Trong những ngày tới hiện tượng sạt lở có thể sẽ tiếp tục xảy ra vì đứng từ xa nhìn bằng mắt thường cũng thấy ngọn đồi cạnh đó nứt ra, chực chờ ụp xuống.

Trước mắt chúng tôi là những cành cà phê đầy trái xanh nằm ngả nghiêng la liệt do bị đất cuốn trôi. Bên hông căn nhà cấp 4 nằm tựa lưng vào đồi bị sụt lún sâu hoắm. Khu đất rộng chừng 3ha bị biến dạng; trong đó có 2ha cà phê bắt đầu cho ra trái năm đầu tiên gần như bị mất trắng.

Theo tính toán của các hộ dân nơi đây, nếu tính giá bán cà phê như hiện nay, ước tổng thiệt hại tài sản trên đất chừng 600 - 700 triệu đồng.

Anh Hải cho biết, khu vực này có 9 hộ sinh sống và làm rẫy. Sạt lở gây hại hoa màu, nhà cửa của 3 hộ, 6 hộ còn lại bị cô lập do sạt lở đất không có lối vào. Hầu hết những hộ bị sạt lở là người dân tộc Mường từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp cũng đã trên 10 năm.

“Trong số những hộ bị thiệt hại, đáng thương nhất là gia đình ông Quách Công Hung. Ông Hung năm nay đã già yếu lại phải nuôi đứa con bị bệnh hiểm nghèo. Đã hơn 5 năm qua, ông Hung phải bán hết nhà cửa, đất đai ở thôn Bắc Phong để lo thuốc men, chữa trị bệnh cho đứa con trai.

Ông và người còn trai phải đi ở nhờ nhà con rể, nhưng giờ đã bị đất đá làm sạt lở không có chỗ ở nên đành phải ở nhờ nhà người quen khác, gia cảnh thật tội nghiệp...” - anh Hải cho chúng tôi biết thêm

 Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Bờ Y cho biết: Sau khi nhận được thông tin một số hộ dân ở làng Iệc bị sạt lở đất làm hư hại hoa màu và nhà cửa đang có nguy cơ đổ sập, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân, công an xã tiến hành giúp dân di dời toàn bộ đồ đạc và các tài sản có giá trị khác ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời đến thăm, động viên người dân cố gắng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống...

Trận sạt lở đất kinh hoàng bỗng chốc khiến các hộ dân nơi đây lâm cảnh “trắng tay”. Rất mong các cấp chính quyền và ngành chức năng sớm có giải pháp hữu hiệu giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống...

 

 

 

 

An Như (Tỏng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top