Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 10 năm 2020 | 16:4

Đất nông nghiệp đang bị “tàn phá”: Cơ quan chức năng địa phương có cũng như không?

Thực trạng về hàng chục hecta đất nông nghiệp đang bị những cá nhân san lấp để xây dựng trái với mục đích sử dụng đất, khiến cho dư luận không khỏi bức xúc. Tuy nhiên, phần đáng buồn hơn là sự buông lỏng, thậm trí có dấu hiệu “tiếp tay” cho sai phạm…

Đơn cử như vụ việc liên quan đến phản ánh của cử tri sinh sống trên địa bàn Phường 7 (UBND TP.Đà Lạt), một số người đã thu gom đất nông nghiệp rồi đưa xe cơ giới vào thi công rầm rộ, làm đường nội bộ đấu nối vào trục đường Đankia (Đà Lạt) đi thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương, Lâm Đồng); đồng thời tiến hành san ủi, xây taluy để phân nền các lô đất nhưng chính quyền địa phương không ngăn chặn.

Ngoài ông Trường còn có hộ bà Phạm Thị Miều tự ý san gạt làm biến dạng địa hình, hủy hoại đất… với diện tích gần 500 m2.

Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt đã tổ chức kiểm tra hiện trường, phát hiện hiện tượng san gạt đất, đấu nối trái phép hệ thống giao thông, xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng và yêu cầu UBND Phường 7 khẩn trương xử lý.

ca026c1ce85f0101584e.jpg
Kè đá xây trái phép (Ảnh: Tiền Phong)

Theo lãnh đạo chính quyền TP.Đà Lạt, “mặc dù cử tri bức xúc phản ánh, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt kiểm tra, đôn đốc, nhưng UBND Phường 7 vẫn chậm kiểm tra xử lý; không xuất trình được đầy đủ giấy tờ pháp lý, chưa thiết lập hồ sơ, chưa đo vẽ xác định phạm vi vi phạm tại khu vực; biên bản xử lý sơ sài, đối phó với Đoàn kiểm tra…”.

UBND TP.Đà Lạt đã phải giao cho các phòng ban chức năng phối hợp với Phường 7 tiến hành kiểm tra hiện trường, tham mưu, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.

Mới đây, UBND TP.Đà Lạt cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (số tiền 15 triệu đồng) đối với ông Vũ Văn Trường (61 tuổi, ngụ tại Phường 7) về hành vi xây dựng công trình kè ta luy và nhà kho không có giấy phép. Vị trí xây dựng tại 3 thửa đất (19, 20, 21) của tờ bản đồ số 21, đường Đankia.

Cụ thể ông Trường đã tự ý cho thi công 3 hạng mục công trình kè đá với tổng chiều dài kè hơn 128 m. Trong đó, riêng bờ kè 1 có chiều dài hơn 59 m, cao trung bình từ 4-9 m và rộng từ 1-1,8 m.

 

bd8e1a909ed3778d2ec2.jpg
Đưa xe cơ giới vào san gạt đất, thi công công trình (Ảnh: Tiền Phong)

UBND TP.Đà Lạt cũng buộc ông Trường ngừng thi công công trình; trong vòng 60 ngày phải liên hệ cơ quan chức năng, lập hồ sơ thủ tục xin giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế theo quy định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép xây dựng, hoặc sau khi cấp phép phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp với nội dung giấy phép xây dựng được cấp và bản vẽ thiết kế được duyệt.

Chủ tịch xã làm ngơ công trình vi phạm trên 1,6ha đất nông nghiệp

Liên quan đến ông Tào Quang Trường – Chủ tịch UBND xã Thọ Vinh, người ký vào hợp đồng cho thuê khoán hơn 16.000m2 đất nông nghiệp tại thôn Quang Tiến, ông Phạm Toàn Thắng (người trong xã) lập tức hủy hoại đất nông nghiệp; rải đá cấp phối, lu ủi mặt bằng.

Công trường thi công hoạt động rầm rộ, xe tải, xe lu, máy san gạt kêu inh om suốt mấy tháng liền.

“Không biết giữa chính quyền với ông chủ xưởng có mối quan hệ thế nào, nhưng một mảnh đất 03 (đất nông nghiệp - PV) của dân được nhà nước chia để cấy lúa, sau chuyển đổi thành cây trồng lâu năm. Nếu làm cái lều, mới xây móng thôi các ông đã biết và bắt phá rồi, ở đây các ông không biết mà ngăn chặn ngay từ đầu?”, ông V.V.S, một người dân sống ngay sát khu nhà xưởng chia sẻ.

 

120368128_375477276816428_6708020430650423513_n.gif
Khu nhà xưởng rộng lớn nằm trên đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm) thuộc quản lý của UBND xã Thọ Vinh. Ảnh: Minh Phúc.

Tại đây, toàn bộ khu đất rộng hơn 16.000m2 đã được ông Thắng xây tường bao quây kín. Phía bên trong, những gian nhà xưởng, nhà điều hành đã hoàn thiện xong phần khung và lợp mái. Tổng diện tích xây dựng lên tới hơn 4.000m2.

Được biết, khu đất nông nghiệp trên do UBND xã Thọ Vinh quản lý, tuy nhiên, khi đối tượng thuê thầu có hành vi hủy hoại đất nông nghiệp và xây dựng công trình “khủng” trái phép, UBND không có hành động ngăn chặn kịp thời. Mãi đến khi công trình đã hình thành, mới ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng.

Trả lời báo chí, ông Tào Quang Trường thừa nhận, chính mình là người đặt bút ký vào hợp đồng cho ông Thắng thầu khoán thửa đất hơn 16.000m2. Và, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là không đúng quy định của pháp luật.

“Công trình khởi công từ năm ngoái. Chính quyền biết nhưng cũng làm ngơ đi chứ không nói năng gì. Dân làng họ cũng kiến nghị đấy nhưng xã chưa giải quyết và cũng không nói gì, Bây giờ không làm thì dân dứt khoát sẽ kiến nghị các cấp, chứ người ta không để yên như thế này đâu”, một người dân thôn Quang Tiến (xin được giấu tên) bức xúc.

Ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Hưng Yên có công văn gửi Sở TN-MT và UBND huyện Kim Động về việc xử lý vi phạm pháp luật đề đất đai tại xã Thọ Vinh, huyện Kim Động.

Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND xã, cán bộ chuyên môn xã Thọ Vinh trong việc tham mưu, tổ chức cho ông Phạm Toàn Thắng thuê đất công ích không đúng quy định và không kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm hành chính của hộ ông Thắng trong việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, không thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02 ngày 16/3/2016 và Kế hoạch số 93 ngày 31/3/2017 của UBND tỉnh.

UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu chính quyền các cấp phải yêu cầu ông Thắng tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, khắc phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm... Về kết quả xử lý vụ việc, UBND huyện Kim Động phải báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên trước ngày 30/4/2020.

Tuy nhiên đến nay, việc tháo dỡ công trình được làm một cách chiếu lệ, đối phó. Chỉ một số tấm tôn của khu nhà xưởng được tháo xuống. Toàn bộ khung cột nhà xưởng, tường bao và một số gian nhà vẫn được giữ nguyên.

Được biết, ông Tào Quang Trường đã bị Đảng ủy và UBND huyện Kim Động kỷ luật khiển trách liên quan đến vụ việc trên. Tuy vậy, những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân.

Tình trạng san lấp đất nông nghiệp cũng đang diễn biến phức tạp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua tình trạng san lấp đất nông nghiệp, phân lô, bán nền sai quy hoạch ngày một tăng và diễn biến ngày càng phức tạp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở khu vực đô thị và ven đô thị. Nguyên nhân do một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong quy định và sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương để tiến hành thu gom đất nông nghiệp, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền không đảm bảo quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại cho người dân chuyển nhượng nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng yếu kém, môi trường không đảm bảo, từ đó dẫn đến tình trạng khiếu nại đông người, gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội.

343cac902ad3c38d9ac2.jpg
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo kiểm tra, kiên quyết xử lý tình trạng san lấp đất nông nghiệp, phân lô, bán nền, xây dựng trái phép. Ảnh: HD

Để kịp thời chấn chỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND các thị xã, thành phố, Sở TN&MT, Sở Xây dựng kiểm tra, thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ) phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng. Chuyển MĐSDĐ ở, đất sản xuất kinh doanh phải phù hợp quy hoạch xây dựng (bên cạnh quy hoạch sử dụng đất) đối với những nơi đã có quy hoạch xây dựng đô thị và nông thôn. Đồng thời, rà soát, kiểm tra, kiên quyết xử lý tình trạng san lấp đất nông nghiệp, phân lô, bán nền, xây dựng trái phép.

Các đơn vị liên quan phải tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân ở cấp huyện, cấp xã do buông lỏng quản lý, để phát sinh tình trạng san lấp đất nông nghiệp, phân lô, bán nền sai quy định; tuyên dương các hộ dân phát hiện và kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp san lấp mặt bằng trên đất nông nghiệp, tự phân lô, bán nền trái quy định pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình hoạt động thu gom đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất để phân lô, chuyển quyền sử dụng đất trái quy định; kịp thời kiểm tra, xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Thực tế cho thấy, tình trạng xây dựng trái phép xuất hiện đã nhiều năm nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để. Thậm chí có những công trình trái phép mới xây và vẫn đang xây nhưng chính quyền bất lực.

Nhiều công trình nhà ở, nhà xưởng rất lớn vẫn đang nằm chình ình trên đất nông nghiệp nhưng vẫn bình yên vô sự. Có những công trình bị cưỡng chế hôm nay, vài ngày sau lại được xây dựng lại mà không thấy ai đến xử lý.

Tình trạng xây dựng trái phép này làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, khiến nhiều người bức xúc. Bởi trong số nhiều căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, có những căn là nhà của cán bộ, người thân, anh em, họ hàng cán bộ xã.

Thông tin với báo chí  về vấn đề này, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, cho biết hành vi xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và bị pháp luật nghiêm cấm.

Theo Luật Đất đai năm 2013, việc xây dựng nhà ở hoặc các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng tùy mức độ và hành vi vi phạm. Hoặc bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình.

Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu diện tích đất trái phép dưới 0,5ha. Bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5ha đến dưới 3ha; phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng nếu diện tích chuyển đổi trái phép từ 3ha trở lên.

Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì bị phạt triền từ 1 – 2 triệu đồng nếu diện tích dưới 0,5ha; phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng nếu diện tích từ 0,5ha đến dưới 3ha và phạt từ 5 – 10 triệu nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3ha trở lên.

“Ngoài ra, người có hành vi vi phạm vừa bị phạt tiền vừa phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu trên diện tích đất vi phạm đó và nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm có được”, luật sư Hảo cho biết thêm.

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top