Dấu ấn Agribank trong thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới
Trong 10 năm thực hiện xây dựng NTM, nguồn vốn của Agribank đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững , qua đó góp phần khẳng định vị thế “đầu tàu” của Agribank trong việc đưa phong trào xây dựng NTM sớm về đích.
Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới
Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 4 tháng 6 năm 2010, với kỳ vọng đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 9 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân, chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong phạm vi cả nước và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Đến nay, cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Với việc đạt được các mục tiêu của Chương trình sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch đề ra là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG quyết định tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 ngay trong năm 2019, nhằm dành toàn bộ năm 2020 để nghiên cứu ban hành nội dung, khung khổ pháp lý triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020. Từ một chương trình với sức lan tỏa rộng khắp, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 đã tạo được sự đồng thuận từ các cấp, ban, ngành trung ương đến địa phương và đã đi vào thực chất, hiệu quả.
Với nhận thức đây là một quá trình liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, với mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, các địa phương trong cả nước đều nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu.
Việc ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 cũng như phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội khác đã góp phần đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn có vốn làm ăn, phát triển kinh tế
Trong những năm qua, triển khai các chủ trương của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG xây dựng NTM, NHNN đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực Tam nông, như thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân…
Ngoài ra, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội khác để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, ngành Ngân hàng đã khẳng định sự thành công trong phương pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, có những đóng góp quan trọng và rõ nét, góp phần cùng với các địa phương cải thiện đời sống cho người nông dân và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Vì một nông thôn Việt Nam phát triển bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28 tháng 10 năm 2008; Quyết định số 1555/QĐ-NHNN ngày 7/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Agribank nhanh chóng triển khai và thực hiện chính sách cho vay theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.
Bắt đầu với 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2011, kết thúc giai đoạn 1 của phong trào xây dựng nông thôn mới, Agribank đã thực hiện cho vay ở toàn bộ các chi nhánh và đến ngày 30/9/2015, số xã có khách hàng vay vốn là 8.985 xã trên 9.001 xã của cả nước.
Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của phong trào, ngày 10/08/2016, Agribank đã ký kết chương trình hợp tác với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Agribank đã ban hành các văn bản chỉ đạo chi nhánh về “Triển khai chương trình hợp tác giữa văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Agribank giai đoạn 2016-2020”; văn bản về thực hiện thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn II”.
Đặc biệt để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới, ngày 23/09/2016, Agribank đã ký văn bản thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Agribank đã phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các Ban, Ngành có liên quan tại các địa phương cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện Chương trình tại các xã, đồng thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa khách hàng và Agribank. Căn cứ vào các Đề án xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt của từng địa phương, nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng, Agribank xây dựng phương án cụ thể để đầu tư tín dụng trên địa bàn xã thí điểm.
Với việc công khai các thủ tục cho vay đối với khách hàng một cách rõ ràng, minh bạch, chủ động và ưu tiên về nguồn vốn, ban hành các cơ chế chính sách về tín dụng, nghiên cứu xây dựng quy trình, thủ tục cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng đơn giản hóa để tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank, thực hiện tư vấn cho khách hàng trong việc sử dụng vốn vay bảo đảm an toàn, hiệu quả cho cả khách hàng và ngân hàng.
Chủ động gắn công tác cho vay theo chương trình xây dựng NTM với các chương trình tín dụng chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân
Agribank đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế xã hội tại các địa phương, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của từng địa phương, nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các chi nhánh để có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Ban, Ngành liên quan tại địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân chính sách tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ của Agribank từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Agribank đầu tư vốn và phát triển các dịch vụ có hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
Agribank chủ động gắn công tác cho vay theo chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương trình triển khai Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hỗ trợ 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; cho vay theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-Cp ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay tái canh cà phê; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Để mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư, từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, Agribank đã triển khai Đề án Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại 68 chi nhánh trên toàn quốc.
Sau gần 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình MTQG nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên toàn quốc và thực hiện cho vay với doanh số đến nay là 2.868.290 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.387.151 tỷ đồng, dư nợ là 481.138 tỷ đồng, tại 8.939 xã với 2.620.578 khách hàng, trong đó tập trung chủ yếu vào vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành.
Từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn đạt 70% tổng dư nợ, chiếm trên 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Nhìn chung, nguồn vốn vay của Agribank tập trung chủ yếu vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Agribank không ngừng mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch tới các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển sản xuất hàng hóa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%. Mỗi năm bằng tài chính của mình, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp; tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống.
Có thể nói rằng, với vai trò trung gian tín dụng, Agribank đã có những đóng góp nhất định vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn. Một số chi nhánh đã có những đóng góp tích cực trong hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới như Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bắc Nam Định, Nghệ An, Kiên Giang, Đồng Nai,…
Tích cực chung tay cùng ngành ngân hàng nói riêng và cả nước nói chung trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, Agribank đã giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững.
Các hộ gia đình đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập, góp phần ổn định đời sống. Nguồn vốn cho vay của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp,… vùng lúa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cao su, cây điều, cây cà phê ở Tây Nguyên; xóa bỏ cơ bản tình trạng du canh, du cư, thay đổi tập quán sản xuất, từng bước chuyển từ nền sản xuất tự cung, tự cấp thành nền sản xuất hàng hóa.
Bằng việc dần xóa bỏ hình ảnh cuộc sống nghèo khó, lam lũ ở các vùng quê, chương trình xây dựng nông thôn mới với vai trò trợ lực kinh tế của Agribank thực sự đã làm bừng lên sức sống mới cho nông thôn Việt Nam
Ưu tiên thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và những năm tiếp theo luôn là một trong những chương trình tín dụng chính sách trọng điểm đã và đang được Agribank triển khai tích cực với cam kết ưu tiên dành nguồn vốn lớn để triển khai có hiệu quả.
Những kết quả đã đạt được từ năm 2011 đến nay trong việc đầu tư cho vay xây dựng nông thôn mới của Agribank là minh chứng rõ nét cho những đóng góp quan trọng của Ngân hàng cho sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình MTQG về xây dựng NTM. Thực tế với việc đang xóa bỏ dần hình ảnh cuộc sống nghèo khó, lam lũ tưởng đã trở thành bất di bất dịch ở hầu hết các vùng quê xưa nay, chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đã làm bừng lên sức sống mới cho nông thôn Việt Nam.
Đặc biệt, khi nhiều địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và chuyển sang giai đoạn nâng cao tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì vai trò đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn của Agribank càng trở nên rất quan trọng và là trợ lực không thể thiếu đưa những miền quê Việt Nam vươn tới mục tiêu trở thành những nơi đáng sống nhất cho hàng triệu nông dân trên mọi miền Tổ quốc.
Agribank cam kết tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và có nhiều đóng góp hơn nữa đối với chương trình MTQG xây dựng NTM.
Chiều 22/11, tại TP. Tuy Hòa, diễn ra buổi họp báo về chương trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh sẽ xem xét 20 báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các ban, ngành của tỉnh.
Ngày 22/11, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1458/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về việc giao ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, giữ chức vụ Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (TechFest) 2024 năm thứ 10 sẽ diễn ra từ ngày 26-28/11 tại TP. Hải Phòng, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.