Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, phát triển nhiều mô hình gia trại, trang trại, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và truyền thống lao động sản xuất, những năm qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, phát triển nhiều mô hình gia trại, trang trại, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phát triển VAC
Với trên 34.000ha đất nông nghiệp, 86% hộ dân thực hiện canh tác, sản xuất, hàng năm, HLV-TT huyện Cẩm Thủy đã đẩy mạnh phong trào làm kinh tế VAC, xóa đói giảm nghèo; tích cực phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Đồng thời, chú trọng thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp; xây dựng các mô hình trình diễn, tạo cơ sở chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng tăng giá trị hàng hóa.
Cẩm Thủy hiện có 25 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó có 19 trang trại chăn nuôi và 6 trang trại trồng trọt, giải quyết việc làm cho hơn 530 lao động, giá trị thu nhập ước đạt trên 52 tỷ đồng.
Trang trại trồng trọt của gia đình ông Lê Văn Dũng ở thôn Lương Thành, xã Cẩm Tú, rộng hơn 8ha, trong đó trồng cam V2, cam Vinh, bưởi Diễn, nhãn muộn Khoái Châu, trồng cỏ nuôi bò lai Sind và trồng rừng. Thực hiện nghiêm các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo chất lượng đầu ra sản phẩm, trang trại cho thu nhập bình quân trên 700 triệu đồng/năm.
Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Đăng Nguyên ở thôn Ao (xã Cẩm Tâm) thường xuyên nuôi từ 5.000 đến 7.000 con gà. Đây là mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học sử dụng chế phẩm Balasa N01, giúp tiết kiệm 15-20% chi phí, vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh, chuồng trại sạch sẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu dân cư. Nuôi gà kết hợp trồng các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi da xanh, trừ chi phí, gia đình ông Nguyên thu về gần 700 triệu đồng/năm.
Xây dựng mô hình mẫu
Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập cao như: nuôi lợn quy mô tập trung; nuôi ong lấy mật; trồng mía kết hợp cây lâm nghiệp; trồng cây gai… Bên cạnh việc thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn về chuyển giao kỹ thuật, thời gian qua, HLV-TT huyện đã vận động, hỗ trợ thành lập hơn 680 gia trại, thu nhập 20-30 triệu đồng/năm; 25 trang trại, thu nhập từ 700 triệu đồng/trang trại/năm trở lên.
Ông Phạm Minh Quang, Chủ tịch HLV-TT huyện Cẩm Thủy, nhấn mạnh: “Để hoạt động Hội ngày càng hiệu quả, thiết thực, các đơn vị phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền để có sự đồng thuận trong việc đưa ra hướng phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Thứ hai là, phát triển năng lực của cán bộ, hội viên. Thứ ba là, xây dựng được các mô hình mẫu theo tiêu chí của Hội Làm vườn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT”.
Để nhân rộng mô hình VAC, trang trại, gia trại, HLV-TT huyện Cẩm Thủy sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ các cấp. Đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo làng quê.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.