Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 2021 | 13:27

Để bảo vệ rừng, phải xiết nghiêm kỷ cương và trách nhiệm

Rừng không chỉ là lá phổi xanh cho sự sống trên trái đất, mà rừng còn là nơi nuôi sống con người. Rừng đóng một vai trò rất quan trọng trong bảo vệ con người khỏi những trận lũ kinh hoàng, mỗi khi mùa mưa đến, vì thế  trồng rừng và bảo vệ rừng là hết sức

Những vụ tai nạn thương tâm do lũ quét, sạt lở đất gây ra trong thời gian gần đây phần nhiều cũng từ việc “biến mất” của những cánh rừng xanh. Vậy làm cách nào để bảo vệ rừng xanh trước nguy cơ tàn phá?

 

rung.jpg
Rừng bị cạo trọc.

 

Rừng xanh “biến mất”

Tôi vừa đọc được thông tin chỉ trong 5 năm (từ năm 2016-2020), trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã mất hơn 9.600ha rừng. Nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý của các lực lượng chức năng, để người dân tự ý lấn chiếm sử dụng. Một điều lạ lùng và ngạc nhiên hơn, đó là phải qua thanh tra mới lộ ra các vụ phá rừng âm ỉ này.

Thanh tra tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo kết quả thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng và sử dụng kinh phí tại 25 đơn vị quản lý bảo vệ rừng trên toàn tỉnh (giai đoạn 2016-2020). Qua thanh tra 21 ban quản lý rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp và 1 khu bảo tồn, Thanh tra tỉnh Gia Lai “phát hiện” hơn 9.600ha rừng được Nhà nước giao cho các chủ rừng trên đã... bị mất. 

Không chỉ có tỉnh Gia Lai đã để hàng nghìn hecta rừng xanh “biến mất” mà các tỉnh có rừng khác trên toàn quốc cũng có những vụ như thế.

Mới đây, người dân xã Canh Hiệp (Vân Canh - Bình Định)  tố cáo rừng trồng phòng hộ tại tiểu khu 363A bị khai thác trái pháp luật, với diện tích gần 17ha nhưng không bị ngăn chặn, đồng thời có dấu hiệu làm ngơ cho lâm tặc phá rừng của các lực lượng chức năng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định thành lập tổ xác minh và có thông báo kết luận khẳng định nội dung tố cáo là đúng. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh để rừng trồng do mình quản lý bị khai thác trái pháp luật với diện tích 16,43ha rừng trồng quy hoạch chức năng sản xuất và phòng hộ (15,70ha rừng trồng keo lai; 0,73ha rừng trồng keo lai + sao đen do Nhà nước bỏ vốn trồng theo dự án bảo vệ và phát triển rừng năm 2016).

Hay vào tháng 7/2020, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) phát hiện tại rừng tự nhiên giáp ranh giữa hai xã Đức Vân và Thượng Quan, nhiều đối tượng đã ngang nhiên mở đường vào phá rừng, lấy gỗ. Qua khám nghiệm hiện trường, Công an tỉnh Bắc Kạn xác định, tuyến đường mở trái phép có chiều dài hơn 2,4km, rộng 3m. Tổng diện tích đất rừng bị tác động hơn 8.889m2. Diện tích rừng tự nhiên được quy hoạch là rừng sản xuất bị hủy hoại lên tới hơn 6.438m2 và khối lượng lâm sản bị khai thác trái phép hơn 173m3. Đây là hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, tội hủy hoại rừng.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, tổng diện tích rừng bị chặt phá là 687,3ha. Một thực tế đang diễn ra là diện tích rừng phòng hộ đang ngày càng suy giảm; thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Nguyên nhân là do người dân đốt rừng làm nương rẫy. Báo cáo của Cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ngày càng phức tạp hơn, nên cơ quan chức năng khó phát hiện.

Trên đây chỉ là một số vụ làm cho rừng xanh “biến mất” được phát hiện do người dân tố cáo, hoặc các lực lượng chức năng phát hiện hay tiến hành thanh, kiểm tra. Còn nhiều vụ rừng xanh “biến mất” khác nữa mà chưa được phát hiện, hoặc “ỉm đi”, đồng nghĩa là diện tích rừng xanh “biến mất” sẽ còn nhiều.

Hậu quả khôn lường

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, năm 2020 là năm có nhiều diễn biến khó lường về thiên tai, đồng thời cũng là năm có nhiều vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại các tỉnh miền Trung, gây nhiều thiệt hại về người và của.

Vụ sạt lở đất tại Trạm kiểm lâm số 67 làm 13 cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh, trong quá trình tham gia làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ 17 công nhân bị mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) là một điển hình. Nỗi đau này chưa thể nguôi ngoai đối với gia đình 13 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh tại Trạm kiểm lâm số 67, càng không thể nguôi ngoai đối với gia đình 13  công nhân của Thủy điện Rào Trăng 3 đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.

Nguyên nhân nào đã gây nên những thiệt hại cả về người và vật chất đến như vậy? Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, đã từng lên tiếng vào năm 2017: Bốn nhà máy thuỷ điện thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền. Khoảng 200ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thuỷ điện, chưa kể một số diện tích lớn khác để thi công đường vào, đường dây tải điện.

Với  41.500ha của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, có “ôm” nổi 4 nhà máy thuỷ điện? Hơn 200ha rừng bị xoá sổ để làm thuỷ điện, liệu thiên nhiên có chịu để yên cho con người? Đây có thể coi là một lời cảnh báo trước của các chuyên gia về vụ sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3 này.

Chưa thể nói tất cả nguyên nhân sạt lở đất tại Thủy điện Rào Trăng 3 là do mất hơn 200ha rừng, nhưng cũng không thể nói việc mất 200ha rừng tại đây “vô can” với sự việc trên. Điều này cho chúng ta thấy, rừng rất quan trọng, rừng bảo vệ chúng ta trước thiên nhiên “hung dữ”. Nếu như hơn 200ha rừng không bị xóa sổ, liệu rằng có vụ tai nạn sạt lở thương tâm đó xảy ra hay không?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, rừng tự nhiên là “lá chắn” để giữ nước, giữ đất, giữ môi trường vì có tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu (chiều cao cây thế nào thì rễ sâu như thế). Còn rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. Phải chăng với hơn 200ha rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền mất đi, làm cho tấm “lá chắn” để giữ nước, giữ đất không còn? Và hậu quả thảm khốc đã xảy ra.

Xử lý nghiêm hành vi phá rừng và bao che cho phá rừng

Tháng 6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng (hiện là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu hecta từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong bảo vệ và phát triển rừng, không có vùng cấm trong xử lý các vi phạm; phải thực hiện tốt bài toán kinh tế để người dân thoát nghèo, phát triển bền vững nhờ rừng.

Ông nêu rõ việc tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

“Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, rồi quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân rất lớn, nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng. Sự việc xảy ra trên địa bàn, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết”, Thủ tướng nói.

Ông đã có chỉ đạo rất kiên quyết trong việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, nhưng dường như những chỉ đạo này của người đứng đầu Chính phủ vẫn chưa được chính quyền các cấp chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc.

Điển hình là hơn 9.600ha rừng vừa mới bị Thanh tra tỉnh Gia Lai “phát hiện” qua công tác thanh tra, hay như vụ san ủi, phát, phá rừng trái phép ở ba vị trí với tổng diện tích đất lâm nghiệp bị tác động là 21.200m2 tại xã Đổng Xá (Na Rì - Bắc Kạn). Trong đó, chủ rừng là ông Nguyễn Văn Bắc (thường trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã phá hơn 16.100m2 rừng tại hai vị trí; vị trí còn lại, chủ rừng là ông Lô Viết Hảo (thường trú tại xã Đổng Xá) đã phá 5.100m2 rừng. Các chủ rừng còn san ủi hơn 34.000m2 đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp.

Sẽ không hiếm để tìm thấy những vụ chặt phá rừng bị các cơ quan chức năng và người dân phát hiện, báo chí thông tin. Tuy nhiên, câu hỏi được dư luận đặt ra là việc chặt, phá rừng không thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không phải là chuyện “cây kim” , mà chỉ sau khi đã tàn phá một diện tích rất lớn rừng, thì các lực lượng chức năng mới phát hiện. Tại sao vậy? Ai sẽ phải là người chịu trách nhiệm?

Để bảo vệ rừng xanh không còn bị “biến mất” một cách “vô lý”, các cơ quan chức năng cần phải xử phạt thật nghiêm minh các đối tượng chặt phá rừng và các đối tượng là lực lượng được giao bảo vệ rừng, thậm chí ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng trong việc quản lý rừng.

 

 

Ngọc thủy
Ý kiến bạn đọc
Top