Nhiều địa phương ở Tây Nguyên đang gấp rút bàn biện pháp để bảo vệ rừng bền vững.
Lâm Đồng: Phối hợp nhiều biện pháp để bảo vệ rừng
Hiện, tỉnh Lâm Đồng chính thức triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Khôi phục và phát triển rừng giai đoạn năm 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, phối hợp nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn.
Để BVR cần tăng cường tuần tra, phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp, cho biết, thực hiện Đề án trên, quý 4/2020, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, từ cấp huyện đến tỉnh, tiếp tục được kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ tăng cường tuần tra rừng, bám sát địa bàn, phát hiện sớm vi phạm để xử lý.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp, UBND cấp huyện kiểm tra rừng ít nhất 2 lần/tháng. Lực lượng kiểm lâm tỉnh, huyện cùng với chủ rừng tuần tra, kiểm tra thường xuyên, tối thiểu 15 lần/tháng, chưa kể khi có thông tin về vụ việc phức tạp phát sinh phải truy quét đột xuất.
UBND huyện chỉ đạo công an, Ban Lâm nghiệp xã bám dân, bám rừng, kịp thời ngăn ngừa các đối tượng vi phạm. Riêng lực lượng chuyên trách của chủ rừng, cần kết hợp với hộ nhận khoán BVR, kiểm lâm địa bàn, tuần tra hàng ngày theo nhóm 3 - 5 người trở lên...
Từ nay đến 31/12/2020, Lâm Đồng giao nhiệm vụ các sở, ngành rà soát, xử lý vụ việc nổi cộm. Lực lượng kiểm lâm niêm yết công khai kết quả vi phạm tại đơn vị của chủ rừng.
UBND cấp xã, Hạt Kiểm lâm, Sở Tài chính rà soát, tham mưu cho tỉnh Lâm Đồng xử lý đối với nhóm dự án đã bị thu hồi toàn bộ, nhưng còn nợ tiền.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xử lý hành vi lấn chiếm, sang nhượng, san gạt đất lâm nghiệp, sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích không được nhà nước cho phép.
Ngành công an rà soát các điểm nóng vi phạm, để phối hợp triệt phá, công khai kết quả xử lý...
Đến quý 1/2021, Sở Nông nghiệp xây dựng quy chế phối hợp quản lý, BVR giữa cơ quan chức năng, lực lượng chuyên trách, chính quyền các cấp của Lâm Đồng với từng tỉnh bạn giáp ranh. Đồng thời, triển khai đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, chỉ đạo thực hiện Đề án quý 1, 2/2021, phải giải tỏa 334ha diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm giai đoạn 2016 - 2019 và lập hồ sơ trồng lại rừng, giao chủ rừng quản lý.
Trước mắt, tuyên truyền, vận động gia đình, cá nhân tự nguyện trả lại đất lâm nghiệp lấn chiếm cho chủ rừng, để được ưu tiên ký hợp đồng trồng, chăm sóc quản lý BVR.
Nếu quá thời hạn, không giải tỏa cây trồng, công trình trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sẽ cưỡng chế.
Riêng 52.041ha đất sản xuất nông nghiệp ổn định từ năm 2014 về trước, Sở Nông nghiệp phối hợp với UBND huyện rà soát, phân loại đơn vị chủ rừng nhà nước quản lý, diện tích đã trồng xen, số hộ đang canh tác... để xây dựng kế hoạch trồng cây lâm nghiệp từng năm, và cả giai đoạn từ: 2021 – 2025 và 2026 - 2030, trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý 4/2020
Riêng quý 1, 2/2021, Sở Nông nghiệp điều chỉnh quy trình trồng rừng cùng danh mục cây trồng chủ lực, cây bản địa phù hợp địa phương và quy định mới của Luật Lâm nghiệp. Khuyến khích phát triển cây lâm nghiệp mới, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế rừng.
“Phấn đấu đến hết 2025, Lâm Đồng trồng được 3.220 ha rừng tập trung: trồng rừng mới trên đất trống; trồng lại rừng sau giải tỏa; trồng rừng thay thế diện tích chuyển đổi mục đích, và trồng lại rừng sau khai thác trắng...”, Giám đốc Sở Nông nghiệp Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Đắk Lắk: Khó khăn, vướng mắc khi sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp
Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp Đắk Lắk đã đạt được một số kết quả tích cực, song, quá trình thực hiện vẫn chậm và còn nhiều nan giải.
Vườn cà phê tái canh của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2016 - 2020, Đắk Lắk có 25 công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới (giữ nguyên mô hình, cổ phần hóa, chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên và giải thể).
Trong đó, đã cổ phần hóa xong 4 doanh nghiệp nhà nước gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, Cao su Đắk Lắk, Cà phê Ea Pốk và Cà phê Thắng Lợi.
2 đơn vị chưa hoàn thành là Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10 và Công ty Sản xuất kinh doanh tổng hợp Krông Ana. 8 công ty TNHH MTV đã được chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên, gồm: Công ty Cà phê Cư Pul và 7 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Phước An, Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ya lốp, Ea Mơ, Ea H’leo và Buôn Ja Wầm.
1 doanh nghiệp chưa chuyển đổi xong là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn. 6 công ty lâm nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu: Công ty lâm nghiệp Ea Wy, M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Chư Phả và Buôn Wing.
Đối với việc giải thể 3 Công ty TNHH MTV: Cà phê Buôn Ma Thuột, Dray H’Linh và Cà phê - Ca cao Krông Ana, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án và thực hiện các thủ tục liên quan, dự kiến trong năm nay, sẽ hoàn thành chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chuyển đổi các Công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần là chủ trương đúng đắn, tạo ra nguồn lực từ các cổ đông là các nhà đầu tư, để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động.
Các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần đã có những bước chuyển biến tích cực trong quản trị, việc quản lý vốn, tài sản, công nợ chặt chẽ hơn; bộ máy được sắp xếp lại, tinh giản theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tiết kiệm chi phí…
Song, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa có nhiều thay đổi, lợi nhuận thấp, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.
Đối với các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH hai thành viên, chưa có nhiều đổi mới trong quản trị doanh nghiệp, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên từ nguồn ngân sách hỗ trợ.
Quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp sau chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, đối với các công ty đã cổ phần hóa như: Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, đang gặp khó khăn về khả năng thanh khoản các khoản nợ ngân hàng, nhu cầu vốn đầu tư tái canh cao su…
Còn tại Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi, các hộ nhận khoán, liên kết không chấp hành nộp sản lượng khoán, gây khó khăn cho điều hành sản xuất, kinh doanh của đơn vị và an ninh trật tự trên địa bàn.
Đối với các công ty chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên, theo chỉ đạo của Trung ương là không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, không chuyển đổi cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp và dừng biện pháp cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.
Do đó, tỉnh phải dừng việc triển khai các dự án cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây cao su và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.
Điều này gây ảnh hưởng lớn đến các công ty lâm nghiệp, vì các đơn vị không thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh như mục tiêu, kế hoạch ban đầu, và không thể đầu tư vào những vùng đất đan xen rừng nghèo, nghèo kiệt, để chuyển sang các hoạt động sản xuất kinh doanh khác có hiệu quả cao hơn.
Về công tác giải thể 3 công ty cà phê, tiến độ thực hiện chậm và khó vì vướng nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo Ban Đổi mới doanh nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, nguyên nhân do công tác thu hồi nợ khó khan, do các đối tượng nợ gặp khó về kinh tế.
Phương án sử dụng đất sau thu hồi của các huyện, thành phố chậm được triển khai do khó khăn về kinh phí cắm mốc lộ giới, lập bản đồ địa chính đối với đất giao cho các hộ nhận khoán, hộ đồng bào DTTS.
Với những khó khan trên, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sớm bổ sung, ban hành cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, Trung ương cần xem xét, cho giải quyết các vướng mắc của tỉnh về vấn đề đất sản xuất cho đồng bào DTTS, di cư tự do; đồng thời có cơ chế tài chính cụ thể với doanh nghiệp, thực hiện quản lý, BVR tự nhiên dưới hình thức giao kế hoạch hoặc đặt hàng.
Đức Trọng: Chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án gây mất rừng
Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt độn, thu hồi toàn bộ dự án “Đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật” của cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước.
Cơ sở khuyết tật Tiên Phước buông lỏng quản lý, để rừng bị phá
Theo đó, Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước, phải chấm dứt toàn bộ hoạt động liên quan đến dự án Đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật tại xã Tân Thành, Đức Trọng.
Hoàn thành các thủ tục thanh lý và nộp lại giấy chứng nhận đầu tư; chủ động liên hệ với cơ quan chức năng thực hiện thủ tục liên quan đến việc chấm dứt hoạt động. Giải quyết các vấn đề phát sinh và tự thanh lý dự án theo quy định pháp luật.
Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước không đủ năng lực QLBVR, buông lỏng quản lý, để rừng bị phá, bị san ủi và khai thác lâm sản trái phép, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đồng thời, có dấu hiệu vi phạm trong triển khai dự án.
Được biết, Năm 2008 Cơ sở Thiên Phước được tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyền sử dụng đất. Qua đó, Cơ sở xin thuê để lập dự án xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và trồng cỏ thảo dược, nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật tại một phần Tiểu khu 301, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng với diện tích 108,01 ha.
Trong đó, đất có rừng là 99 ha, trồng rừng 8,653 ha, xây dựng cơ sở hạ tầng 2,1753 ha, chăn nuôi đà điểu và bò khoảng 100 con. Hiện trạng khu vực thuê là đất rừng trồng thông ba lá năm 2001, rừng trồng năm 2002 của Công ty Cổ phần giấy Tân Mai liên kết với Ban QLR phòng hộ Đại Ninh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.