Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 9 năm 2016 | 1:49

Để kinh tế vườn tiếp tục đóng góp trong điều kiện biến đổi khí hậu: Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Kinh tế vườn đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn khu vực Duyên hải miền Trung. Ở nhiều địa phương, thu nhập từ nghề vườn chiếm 70% thu nhập của kinh tế hộ. Tuy nhiên, diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến nghề vườn của khu vực này, đòi hỏi ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân phải có giải pháp ứng phó kịp thời.

Vườn thanh trà của gia đình ông Nguyễn Ngọc Hãn (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Trần Tình.

Nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền

Từ xa xưa, cha ông ta đã coi trọng kinh tế vườn: “Nhất canh trì, nhì canh viên” hay “Nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền”. Ngày nay, kinh tế vườn đóng vai trò quan trọng trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, làm tăng trưởng và phát triển kinh tế; hình thành nhiều ngành nghề, dịch vụ mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, những năm qua, các tỉnh Duyên hải miền Trung dành nhiều quan tâm phát triển kinh tế vườn nhằm đánh thức tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân. Tại Thừa Thiên - Huế, diện tích đất vườn đạt khoảng 8.680 ha, chiếm 15% diện tích đất canh tác nông nghiệp. Theo số liệu điều tra năm 2015, thu nhập từ kinh tế vườn chiếm 70% tổng thu nhập kinh tế hộ. Giá trị thu được từ kinh tế vườn đạt từ 35-100 triệu đồng/ha/năm, chủ yếu từ các cây chủ lực như bưởi thanh trà, cam, chuối, măng cụt, tiêu,… Tỷ lệ vườn đạt thu nhập từ 35-40 triệu đồng/ha/năm chiếm khoảng 65%; 50-60 triệu đồng/ha/năm chiếm 25%; 70-80 triệu đồng/ha/năm khoảng 7%; 80-100 triệu đồng/ha/năm khoảng 3%. Bên cạnh đó, Thừa Thiên – Huế còn phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái làng quê, hằng năm thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan thưởng ngoạn.

Kinh tế vườn, nhất là vườn đồi, vườn rừng là một trong các thế mạnh của các huyện trung du, miền núi của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, các huyện miền núi của tỉnh có 10.300 vườn, với 3.179 ha; 11.400ha  mở rộng vườn đồi, vườn rừng với tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động địa phương. Tổng giá trị sản phẩm hàng hóa từ kinh tế vườn ước đạt 261.800 triệu đồng;  vườn được cải tạo bình quân thu nhập 35 triệu đồng/ha, cá biệt có một số vườn ở huyện Tiên Phước cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

Tại Diễn đàn Khuyến nông@ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực Duyên hải miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Thừa Thiên - Huế, ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đánh giá, kinh tế vườn ngày càng nhận được sự quan tâm từ chính quyền các cấp. Một số tỉnh đã đưa ra chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn; thực hiện việc dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng manh mún đất đai trong nông nghiệp; hướng dẫn và tạo điều kiện cho các chủ trang trại chuyển đổi, chuyển nhượng đất đai để có diện tích đủ lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đưa cơ giới vào sản xuất. Nhờ đó, kinh tế vườn đã góp phần sử dụng có hiệu quả đất đai, lao động, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp hàng hóa đa dạng và toàn diện; bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo điều kiện phát triển ngành du lịch; nâng cao mức sống cho người dân…

Còn nhiều hạn chế

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng hiện nay việc phát triển kinh tế vườn ở khu vực miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phát triển các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, quy mô lớn đang gặp nhiều trở lực do diện tích vườn còn manh mún; doanh nghiệp thu mua, chế biến, bảo quản trái cây còn quá ít; kinh tế vườn chưa được tổ chức, quản lý tốt; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế vườn..

Thực trạng trên xuất phát từ các nguyên nhân: Tiềm năng, lợi thế của kinh tế vườn chưa được nhận thức và phát huy; bà  con vẫn làm theo phong trào, tính tự phát cao, thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thiếu chính sách, giải pháp đột phá; chưa thực hiện được quy hoạch phát triển cho từng địa phương kết hợp phát triển trong và ngoài vùng; quy mô vốn đầu tư cho cải tạo và phát triển kinh tế vườn còn hạn hẹp; công nghệ chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa có đủ điều kiện để hình thành thương hiệu mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh...

Việc lập các thủ tục để được vay vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, phiền phức đối với nhiều chủ trang trại, nhất là việc giải trình phương án sản xuất kinh doanh.  Hệ thống các cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp vẫn chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của người nông dân, nhất là khi triển khai mở rộng hình thức sản xuất nông nghiệp kinh tế vườn, kinh tế trang trại tập trung, phát triển gia trại, trang trại sản xuất hàng hóa lớn.

Việc tiếp cận của nông dân với các dịch vụ sản xuất, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại chưa rộng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện tại và phát triển lâu dài. Giá giống và các loại dịch vụ, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn biến động, thị trường không ổn định nên nông dân chưa mạnh dạn trong quá trình đầu tư phát triển quy mô sản xuất.

Đặt kinh tế vườn trong tổng thể hệ sinh thái VAC

Từ thực tế phát triển tại khu vực miền Trung, ông Dũng cho rằng, để phát triển kinh tế vườn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần xây dựng quy hoạch kinh tế vườn theo từng địa phương, chuyên canh, chuyên sâu và quy mô sản xuất lớn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu, quy hoạch vườn phải đồng bộ trồng trọt, dịch vụ, tiêu thụ và thị trường. Quy hoạch phải phù hợp với các quy hoạch có liên quan, đảm bảo tốt các yêu cầu phục vụ cho phát triển sản xuất của kinh tế vườn. Đối với các loại cây trồng trọng điểm, đã có thế mạnh và chỗ đứng, cần tiếp tục phát triển thông qua các dự án nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời phát triển có chọn lọc các sản phẩm mới, lạ theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch cụ thể.

Trong khi đó, GS.TS Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, khẳng định: Để phát triển bền vững, phải đặt kinh tế vườn trong tổng thể cả hệ sinh thái VAC; tiếp tục cải tạo vườn tạp, như kinh nghiệm ở Sơn La (mỗi địa phương chọn 2 - 3 loại cây phù hợp, có hiệu quả kinh tế, thực hiện ghép cải tạo); áp dụng tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như kinh nghiệm làm vườn mẫu ở Hà Tĩnh, bố trí sắp xếp lại vị trí các khu vườn, ao, chuồng mang lại thu nhập 360 triệu đồng/vườn/năm; thành lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã VAC theo Luật Hợp tác xã 2012.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Thừa Thiên - Huế đưa thêm giải pháp: kỹ thuật canh tác phải phù hợp với đặc điểm từng địa phương, nắm bắt tình hình thời tiết, dịch bệnh để đưa ra lịch thời vụ gieo trồng, chăm sóc, áp dụng đồng bộ công tác giống cây trồng, tuyển chọn cây đầu dòng, thu thập các giống mới để trồng cho phù hợp; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững (VietGAP) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khẳng định: Kinh tế vườn trong nông hộ là một bộ phận cấu thành hữu cơ của nền kinh tế nông nghiệp, có vai trò quan trọng trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Phát triển kinh tế vườn là tất yếu, nhưng để thích ứng với biến đổi khí hậu là rất khó, tùy vào thế mạnh từng vùng mà lựa chọn quy mô, đối tượng cây con, hình thức thực hiện cho phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Các địa phương cần thành lập câu lạc bộ, hợp tác xã VAC hoặc nhóm người cùng sở thích tại mỗi vùng, tạo ra vùng sản xuất lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ hơn, từ đó hình thành, phát triển du lịch sinh thái rộng lớn, hấp dẫn du khách. Tư vấn kỹ thuật cho nông dân như cải tạo vườn tạp sao cho phù hợp với điều kiện chung và điều kiện riêng để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu để dần nâng cao trình độ canh tác của người nông dân trong việc chuyển đổi và khai thác vườn có hiệu quả; xây dựng sản phẩm sạch và sản phẩm thương hiệu theo vùng miền để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn”, ông Khởi nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế vườn là tất yếu, nhưng để thích ứng với biến đổi khí hậu là rất khó, tùy vào thế mạnh từng vùng mà lựa chọn quy mô, đối tượng cây con, hình thức thực hiện cho phù hợp để đạt hiệu quả kinh tế cao...

Cần có chính sách vĩ mô của nhà nước để đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn. Xác định nghề vườn là mũi nhọn chính trong chương trình thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cho nông dân thuê đất dài hạn và miễn thuế đất trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, hỗ trợ vốn, ổn định giá cả thị trường để khuyến khích nông dân lập vườn và phát triển kinh tế vườn.

TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top