Chia sẻ với phóng viên Kinh tế nông thôn trong một lần ghé thăm đơn vị, Giám đốc Công ty TNHH Hàm Long - Gia Lai Nguyễn Phúc Hoạt cho biết, nếu có vốn để đầu tư công nghệ chế biến chanh leo sau thu hoạch, thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều.
Chế biến thành sản phẩm thô rồi xuất khẩu
Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Hoạt, chị Cúc “khăn gói quả mướp” từ vùng đất Đông Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp, với hành trang là hai bàn tay trắng và những mối quan hệ làm ăn có từ khi ở Móng Cái (Quảng Ninh).
Chia sẻ với tôi, anh Nguyễn Phúc Hoạt, cho biết, điều cuốn hút vợ chồng anh cùng nhau vào Tây Nguyên lập nghiệp là quả chanh leo. Anh nói thêm, theo tìm hiểu, tôi thấy: “Vùng đất Tây Nguyên có thổ nhưỡng và khí hậu rất tốt để trồng cây chanh leo. Loại quả này được thu hoạch quanh năm, vì thế, trong quá trình chế biến không sợ khan hiếm nguồn nguyên liệu. Thêm nữa, tôi có mối quan hệ với thị trường Trung Quốc nên mọi việc có những thuận lợi cơ bản”.
Công đoạn chế biến khá phức tạp, chanh leo thu mua về công nhân sẽ tiến hành tách chanh để lấy dịch bên trong. Loại dịch này sẽ được đóng vào chai nhựa có dung tích 1,5L hoặc đóng gói vào túi nylon, sau đó cấp đông ở nhiệt độ 12 độ C và xuất khẩu bằng container sang Trung Quốc chế biến thành nước cốt chanh leo bán tại các siêu thị hoặc nhập khẩu trở lại Việt Nam.
Anh Hoạt cho biết thêm, quả chanh leo sau khi lấy dịch, phần cùi nếu tươi chúng tôi sẽ gọt sạch vỏ đóng gói cấp đông xuất sang Trung Quốc để sản xuất thành mứt, kẹo chanh leo. Loại cùi không thể sử dụng làm mứt, kẹo thay vì phải đổ đi thì lại được các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn lấy làm thức ăn chăn nuôi.
Anh Phạm Văn Danh ở xã An Phú, thành phố Pleiku (Gia Lai) cho biết, gia đình thường xuyên đến Công ty TNHH Hàm Long – Gia Lai lấy vỏ chanh leo về làm thức ăn thêm cho bò, lý do là nguồn thức ăn chăn nuôi ở đây thiếu. Nhưng từ khi sử dụng vỏ chanh leo về làm thức ăn thêm cho bò thì chất lượng thịt bò ngon hơn nên hầu hết các hộ chăn nuôi bò ở đây đều áp dụng.
Hiện nay, Công ty TNHH Hàm Long – Gia Lai mỗi ngày cần 20 tấn chanh leo để sản xuất. Theo anh Hoạt, chanh leo có mẫu mã đẹp, sẽ được đóng gói xuất nguyên quả đi Trung Quốc. Doanh nghiệp của anh chỉ thu mua loại chanh leo không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên trái.
Cần vốn và đất để đầu tư chế biến sâu
Anh Hoạt cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc khoảng 10 container dịch chanh leo, cùi (khoảng 270 tấn). Với giá thu mua chanh leo chính vụ 10.000 đồng/kg và 15.000 đồng/kg trái vụ, trừ chi phí sản xuất, nhân công, thuế, doanh nghiệp cũng thu được khoảng 10-15% lợi nhuận.
Dịch chanh leo xuất sang Trung Quốc sẽ được các doanh nghiệp chế biến thành các sản phẩm như nước cốt chanh leo, nước giải khát. Loại nước cốt này sẽ được tiêu thụ ngay tại thị trường Trung Quốc và xuất khẩu đi các nước khác, thậm chí nước cốt chanh leo này lại được nhập khẩu vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng giá trị cao hơn gấp nhiều lần khi nhập thô.
Cùi quả chanh leo cũng vậy, khi nhập sang Trung Quốc sẽ được chế biến thành bánh, mứt kẹo cũng có giá bán cao hơn nhiều lần so với sản phẩm thô.
Anh Hoạt chia sẻ thêm, cũng biết là nếu được đầu tư công nghệ để chế biến sâu cho quả chanh leo, giá trị quả chanh leo sẽ cao hơn khá nhiều. Lúc đó sẽ không còn cảnh “được mùa mất giá” như trước nữa, vì mình làm chủ được hoàn toàn công nghệ chế biến từ sản phẩm thô đến sản phẩm có chất lượng cao đưa ra thị trường tiêu thụ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bà con nông dân sẽ không bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại nhiều về kinh tế khi trồng chanh leo, cuộc sống sẽ ổn định và kinh tế phát triển hơn bởi chanh leo thu hoạch sẽ được bao tiêu, thu mua hết.
“Mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ làm lạnh của Nhật Bản và Trung Quốc để cấp đông các sản phẩm chế biến thô, nhưng vẫn thiếu công nghệ chế biến sâu sau thu hoạch, muốn có công nghệ thì phải có vốn, đây đang là khó khăn của chúng tôi”, anh Hoạt cho biết.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm từ quả chanh leo như nước cốt chanh leo, siro chanh leo, nước ép chanh leo… có giá bán 50.000-100.000 đồng/chai, dung tích 1L, cao hơn nhiều lần so với dịch chanh leo thô.
Gia Lại hiện có gần 3.000ha chanh leo, sản lượng hơn 23.000 tấn; Đắk Lắk có hơn 1.000 ha chanh leo, sản lượng hơn 12.600 tấn. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, so với một số loại cây công nghiệp và cây ăn quả khác thì chanh leo là loại cây cho thu hoạch nhanh, trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 70-150 triệu đồng/ha.
Nếu được đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch, không chỉ chanh leo mà các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam sẽ có giá trị cao hơn khi xuất khẩu.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.