Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 10 năm 2021 | 8:57

Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây bưởi: Tổ chức lại chuỗi ngành hàng

Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng hiệu quả kinh tế, diện tích và sản lượng cây có múi, trong đó có cây bưởi, ngày một tăng. Hiện, bưởi là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.

Quả bưởi được xuất sang nhiều nước, song phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại. Để quả bưởi “đi xa”, chúng ta cần phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến...

Tiềm năng lớn

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nước ta có 97,9 nghìn hecta bưởi, sản lượng 818,9 nghìn tấn, xuất khẩu đạt gần 4,8 triệu USD. Diện tích bưởi tăng nhanh, trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương.

Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc hiện trồng 27,7 nghìn hecta bưởi, sản lượng gần 165 nghìn tấn/năm… Đến năm 2019, các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL có 43.500 ha bưởi, sản lượng 37.000 tấn/năm. Những tỉnh có diện tích lớn là Bến Tre (8.824ha), Vĩnh Long (8.619ha), Đồng Nai (5.428ha)... Các giống bưởi nổi tiếng ở vùng này là da xanh (Bến Tre), Năm Roi (Vĩnh Long),...

Các địa phương có sản lượng bưởi lớn là Hòa Bình (42,7 nghìn tấn), Phú Thọ (34,2 nghìn tấn), Bắc Giang (29,4 nghìn tấn), Tuyên Quang (19 nghìn tấn), Thái Nguyên (15,9 nghìn tấn)... các giống bưởi ngon như: bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng...

 

3.jpg
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn sản phẩm bưởi ở huyện Yên Sơn không ngừng được nâng lên.

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, do phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu  nên cây bưởi đang được nhân dân trên địa bàn mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.900ha bưởi, tập trung ở các huyện: Yên Sơn  4.012ha, Hàm Yên 344 ha. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 1.858 ha, sản lượng đạt 18.992 tấn/năm với doanh thu năm 2019 đạt hơn 491 tỷ đồng. Để phát triển bền vững cây bưởi và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và giúp các hộ thay đổi tư duy, tập quán sản xuất. Đồng thời, giúp người dân chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa gắn với liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng, quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển cây có múi như bưởi, cam... ở các địa phương có tiềm năng về quỹ đất hoặc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, diện tích trồng cây có múi trong tỉnh khoảng 4.900 ha, tập trung  ở 151 vùng sản xuất, trong đó 23 vùng trồng bưởi đặc sản Đoan Hùng và 128 vùng trồng bưởi Diễn. Riêng bưởi đặc sản Đoan Hùng có diện tích 1.420ha, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 800ha, sản lượng khoảng 13.500 tấn. Nhiều hộ dân đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và dán tem truy xuất nguồn gốc để tạo niềm tin cho khách hàng cũng như bảo đảm đầu ra ổn định. Qua thống kê, thu nhập của người trồng bưởi tại Phú Thọ thời gian qua không ngừng tăng lên, trung bình đạt 150 - 200 triệu đồng/năm, có hộ đạt hơn 500 triệu đồng/năm.

Khó khăn nhiều

Việt Nam là một trong những nước trồng bưởi lớn trên thế giới. Nhờ trồng bưởi, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, gần đây, cây bưởi phát triển nhanh, phá vỡ quy hoạch của nhiều địa phương; diện tích bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn thấp, ảnh hưởng đến chất lượng, chu kỳ khai thác của cây; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; mối liên kết giữa người trồng bưởi và DN còn lỏng lẻo, giá cả không ổn định và chưa cao…

Trình độ thâm canh của nhà vườn còn hạn chế, chủ yếu canh tác theo tập quán, kinh nghiệm; chưa chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất không ổn định...

Hơn nữa, việc chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng còn hạn chế; dòng sản phẩm chính trong chuỗi giá trị quả có múi chủ yếu là sản phẩm quả tươi, một phần nhỏ được chế biến thành nước cam, bưởi tươi, nước cam cô đặc, mứt, cùi cam bưởi sấy, rượu... Đối với sản phẩm xuất khẩu, hiện nay mới ở các công đoạn như: Phân loại, làm sạch bên ngoài, đóng gói, bao lưới, bảo quản trong kho lạnh và xuất hàng theo yêu cầu của đối tác...

 

1.jpg
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang kểm tra vườn bưởi hữu cơ chuyển đổi tại Yên Sơn.

 

Cần làm tốt công tác quy hoạch

Để phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây bưởi, các chuyên gia cho rằng,  bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây bưởi theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGap, globalgap) thì ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch; hỗ trợ phát triển, thành lập HTX; chú trọng xây dựng các công trình, hạ tầng kinh tế phục vụ vùng sản xuất cây ăn quả có múi nói chung và vùng trồng bưởi nói riêng, như: đường giao thông; hệ thống thủy lợi; chợ, các điểm thu mua nông sản; nhà máy sản xuất phân bón; nhà máy chế biến nông sản tại chỗ…

Theo ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Giang, để nâng cao giá trị của cây bưởi, phải chỉ đạo sản xuất đảm bảo đúng theo quy hoạch, phát triển sản xuất thành vùng tập trung để thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý về giống cây trồng trên địa bàn, bảo đảm nguồn giống tốt, chất lượng sạch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác; sử dụng thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học; điều chỉnh năng suất phù hợp với tuổi cây, sức cây; tránh khai thác quá mức đẫn đến kiệt cây, làm cây yếu và dễ nhiễm các đối tượng dịch hại…

 

0222.jpg
Từ trồng bưởi mỗi năm ông Phạm Huy Nhò, ở thôn Trường Thịnh, xã Quang Thịnh, Lạng Giang (Bắc Giang), lãi khoảng 200 triệu đồng.

 

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu các địa phương rà soát, xác định quy mô và vùng sản xuất bưởi để tổ chức lại sản xuất; chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm chất lượng, tăng năng suất; tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ, khuyến khích DN liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung; đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch, tập trung nhóm bưởi ngọt với cơ cấu chín sớm từ 30 - 40%, chính vụ và muộn từ 60 - 70%.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và khuyến khích tiêu thụ tại thị trường trong nước; đẩy mạnh trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền khi vào mùa thu hoạch rộ... Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố, giữ vững và phát triển các thị trường xuất khẩu đã có sẵn; nghiên cứu và dự báo thị trường để định hướng, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp chế biến; xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với quả bưởi đặc sản; tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến từ quả bưởi...

Chế biến để nâng cao giá trị

Mới đây, một khu phức hợp phục vụ việc thu mua, chế biến trái bưởi da xanh với diện tích 4.000m2 đã được HTX Bưởi da xanh Bến Tre khởi công tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành với vốn đầu tư 14 tỷ đồng do Chính phủ Canada tài trợ. 

Tuy số vốn đầu tư và quy mô khu phức hợp còn ở mức khiêm tốn, nhưng rất đáng khích lệ ở những HTX nông nghiệp vốn đang dành nhiều tâm sức cho quả bưởi, đặc biệt là ở khâu nâng cao chế biến nhằm hướng đến xuất khẩu (XK).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hướng đi mới này là rất cần thiết và nên nhân rộng để nâng cao giá trị cho quả bưởi trong chuỗi giá trị nông sản, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường XK nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). 

Năm 2020, Bến Tre có khoảng 3.700ha bưởi, năng suất trung bình đạt 70.000 tấn quả/năm. Thời gian qua, việc phát triển bưởi da xanh ở tỉnh này còn mang tính tự phát, yếu kém ở khâu chế biến nên dẫn đến kim ngạch XK  chưa như mong đợi.

Nếu nhìn vào tình hình đầu ra chật vật, giá bưởi da xanh ở mức thấp (15.000 - 30.000 đồng/kg) như tháng 1/2021, thậm chí có nhà máy tồn đọng hàng ngàn tấn bưởi, thì thấy rằng việc thu hút DN và HTX liên kết tham gia đầu tư cho khâu chế biến sâu với đa dạng hoá sản phẩm sẽ giúp gỡ khó đầu ra cho quả bưởi.

Có thể nói, nếu tập trung nhiều hơn vào mảng chế biến thì các sản phẩm liên quan đến quả bưởi sẽ càng thêm đa dạng. Mới lạ và nắm bắt được xu hướng tiêu dùng là giải pháp tiếp cận thị trường thế giới. Với giá trị gia tăng từ quả bưởi được chế biến để XK thì nông dân, HTX và DN trong ngành bưởi sẽ cùng hưởng lợi và làm giàu.

Trên thực tế, đã không ít DN trong nước làm được điều này. Như ở Đồng Nai có Công ty TNHH xuất - nhập khẩu Vạn Vạn Lợi, trong năm ngoái đã đưa quả bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi tiếp cận các nhà thu mua  ở Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nga. Và một HTX bưởi da xanh ở huyện Châu Thành (Bến Tre) đã tham gia cung ứng bưởi cho DN này.

Khởi nghiệp từ sản phẩm snack vỏ bưởi sấy

Nhiều người biết đến sản phẩm snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt của chị Trần Thụy Hải Ly ở xã Tân Khánh Đông (TP.Sa Đéc) qua Cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2020 tỉnh Đồng Tháp.

 

dt2-8.jpg

Chị Trần Thụy Hải Ly đang chế biến snack từ vỏ bưởi.

 

Ly chia sẻ, một lần tình cờ được dùng sản phẩm bưởi da xanh của người thân tặng, chị nhận thấy vỏ bưởi có nhiều công dụng và có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau như: mứt vỏ bưởi, chè bưởi, các sản phẩm chiết xuất từ vỏ bưởi... nên chị nảy ý tưởng làm bánh snack từ vỏ bưởi để tận dụng tối ưu trái bưởi da xanh.

Sau thời gian thử nghiệm, năm 2018, chị bắt đầu sản xuất vỏ bưởi sấy giòn theo phương thức thủ công để thử nghiệm. Ban đầu, chị chỉ làm thử để biếu, tặng, ngày qua ngày, có thêm nhiều đơn đặt hàng tìm đến sản phẩm bưởi sấy của chị. Tuy nhiên, cái khó của việc chế biến vỏ bưởi là thường rất cứng, dai, vị chát hay đắng nếu không có biện pháp xử lý sẽ rất khó ăn. Lúc đầu, do chưa có máy móc, chị phải xử lý các khâu này bằng thủ công rất khó khăn do phải qua nhiều công đoạn, chế biến để chắt lọc vị chát và đắng của bưởi trên sản phẩm.

 

Theo Hiệp hội Rau-Quả Việt Nam, giá trị thương mại bưởi toàn cầu ước đạt 1,1 - 1,2 tỷ USD/năm. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu bưởi tươi đạt kim ngạch 1,195 triệu USD; năm 2019, con số này là 4,827 triệu USD.

 

Năm 2019, nhận thấy tiềm năng từ việc sản xuất snack vỏ bưởi có thể phát triển, Ly quyết định mở rộng sản xuất và đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, chị cũng đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc và bao bì sản phẩm. Tận dụng nguồn nguyên liệu chính là những quả bưởi non, nhỏ mà nhà vườn tỉa bớt, chị chế biến ra sản phẩm có giá trị về kinh tế cho người sản xuất và giá trị về sức khỏe đối với người tiêu dùng.

Nhờ sự năng động và chịu khó cùng nguồn nguyên liệu chất lượng, sản phẩm snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt dần tìm được chỗ đứng tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và điểm dừng chân thuộc các tỉnh: Tiền Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh... Hiện, mỗi tháng, chị Ly cung ứng cho thị trường khoảng 100kg sản phẩm snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt.

Gian nan XK quả bưởi vào thị trường Nga

Dương Quang Minh, chủ Công ty TNHH Du lịch và Tư vấn Việt-Nga ở Thủ đô Moskva (Liên bang Nga), cho biết, từ lâu anh đã nung nấu ý tưởng thành lập một DN đóng vai trò cầu nối để mở rộng giao thương và dịch vụ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, và DN của anh chính thức hoạt động đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh chính là du lịch.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập đến, đồng thời nhận thấy hoa quả nhiệt đới Việt Nam như là xoài, chôm chôm, dừa, thanh long rất được ưa chuộng tại thị trường Liên bang Nga nên Minh chuyển sang đưa trái cây Việt Nam sang Liên bang Nga.

Minh nhớ lại: “Hè 2020, có lệnh cấm rau, củ, quả Trung Quốc liên quan đến bưởi, chanh. Khi đó thị trường bưởi mới mở rộng ra các nước khác. Lúc đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu về mặt hàng bưởi Việt Nam, đặc biệt là bưởi Năm Roi và bưởi da xanh. Container đầu tiên tôi đưa sang Nga vào tháng 10/2020 và được bán khá chạy vì thị trường đang khan bưởi. Mùa đông, tháng 10, 11, 12, tháng 1, 2, thị trường Nga tiêu thụ bưởi khá tốt, vì đó là món ăn yêu thích trên bàn các gia đình Nga vào thời điểm Tết”.

Sau khi bưởi Việt vào được thị trường Nga, DN của  Minh đã nhận được những đơn hàng khá lớn, trong tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, doanh nghiệp XK sang Nga hơn 200 tấn bưởi.

 Minh phân tích: “Hàng bưởi Việt Nam rất mới, sang đây thị trường cũng chưa tiếp nhận được như bưởi Trung Quốc, vốn tồn tại trên thị trường này 10 - 15 năm nay. Bưởi Trung Quốc có đặc điểm là da vàng, vỏ rất mỏng nên ruột nhiều hơn bưởi Việt Nam, nhưng vị của nó sẽ khác. Tâm lý khách hàng khi vào trong cửa hàng họ thích màu vàng, màu đỏ hơn, nghĩ rằng đó là màu chín. Màu xanh bưởi Việt Nam khi bóc ra mới thấy là bưởi ngon. Nhưng để trên kệ, màu xanh mọi người chưa thể thích nghi”.

Hành trình để quả bưởi Việt Nam từ cảng TP.Hồ Chí Minh tới Moskva cũng khá đặc biệt, đó là đi qua cảng Vladivostok ở Viễn Đông của nước Nga.

 Minh giảng giải: “Cảng St. Petersburg là cảng lớn nhất tại Nga và nhận rất nhiều hàng từ tất cả các nước trên thế giới. Khi tôi làm về hàng hoa quả tươi, tôi phát hiện nếu đi từ TP. Hồ Chí Minh sang Vladivostok, thời gian được rút ngắn rất nhiều, 10-15 ngày so với đi đường St. Petersburg. Đây là con đường mà nhiều nhà XK chưa nghĩ đến vì thị trường họ muốn xuất sang Nga là Moskva hoặc St. Petersburg, những nơi tiêu thụ lớn nhất của cả nước Nga”.

Hiện, các đối tác của  Minh duy trì giá bán bưởi Việt Nam tại Nga khá thấp và hầu như không có lợi nhuận, dường như chủ yếu nhằm chiếm lĩnh thị trường và quảng bá mặt hàng bưởi Việt Nam. Chính vì thế, quả bưởi Việt Nam đã hiện diện trong những chuỗi siêu thị lớn ở Nga như Perekretsok, Lenta, Auchan, VkusVill.

Bước đi lâu dài

Theo giới chuyên gia, cơ hội để quả bưởi Việt Nam XK chính ngạch sang các thị trường lớn là rất nhiều. Ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, quả bưởi Việt Nam có triển vọng XK sang thị trường Nhật Bản do nguy cơ dịch hại của quả bưởi ở mức thấp. Bên cạnh đó, Nhật Bản lại không có loại quả này.

 

6-ok.jpg

Bưởi da xanh được bán nhiều ở siêu thị Vinmart.

 

Ông Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra phương án tổng thể, loại quả nào có triển vọng vào thị trường Nhật Bản thì xúc tiến các bước đi cần thiết để XK loại quả đó. Ông cho rằng, với việc Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay, đã và đang mở ra những ưu đãi thuế quan giúp cho việc XK quả bưởi trở nên cạnh tranh hơn. 

Chẳng hạn như với thị trường EU được xem là thị trường tiêu thụ lớn với bưởi và sản phẩm bưởi, năm ngoái EU  tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn bưởi. Thế nhưng, dù là quốc gia có diện tích trồng bưởi khá lớn (số liệu năm 2019 là khoảng 98.000ha, sản lượng hơn 818.000 tấn) nhưng Việt Nam lại xếp thứ 25 trong số các nước cung cấp trái bưởi cho EU.

Dư địa XK bưởi sang EU còn nhiều, với FTA Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều ý kiến cho rằng, XK bưởi cần tận dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định này để thâm nhập sâu hơn thị trường EU. Điều quan trọng là, các DN XK bưởi cần đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe và cung cấp những sản phẩm chế biến từ quả bưởi có giá trị gia tăng cao cho thị trường cao cấp này.

Đến tháng 9/2020, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã cấp được 22 mã vùng trồng với diện tích 284ha bưởi đủ điều kiện xuất khẩu sang EU. Trung Quốc, EU và Mỹ là những thị trường rộng lớn cho trái bưởi Việt Nam.

Trong các DN XK bưởi gần đây có thể kể đến Công ty CP Công nghệ nông nghiệp hữu cơ Kim Hằng Lục Ngạn (Bắc Giang). Hồi tháng 1/2021 DN này xuất cho đối tác ở Nga 210.600 quả bưởi đào (tương đương 6 container). Đây được xem là tín hiệu vui cho nhà vườn  Bắc Giang.

Để đạt được tiêu chuẩn XK bưởi sang Nga thì từ nhiều năm trước, công ty đã liên kết với các hộ nông dân tại Bắc Giang để xây dựng vùng trồng bưởi hữu cơ chất lượng. Phía đối tác từ Nga đã sang kiểm tra vùng trồng và cùng công ty hoàn tất các thủ tục kiểm định chất lượng để XK.

Điểm đáng quan tâm, đối tác bên Nga sau khi nhập khẩu bưởi từ Bắc Giang thì họ dùng để chiết xuất tinh dầu, chế biến mứt và làm rượu vang. Đây là cách mà họ gia tăng giá trị cho quả bưởi Việt mà các DN trong nước cần học hỏi để đẩy mạnh đầu tư hơn nữa cho khâu chế biến XK bưởi, như một bước đi căn cơ lâu dài.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top