Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 25 tháng 3 năm 2021 | 14:43

Chú trọng sản xuất sạch, nâng cao giá trị cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên

Bà con khu vực Tây Nguyên ngày càng chú trọng sản xuất sạch và nâng cao giá trị cho cây cà phê và hồ tiêu để có thu nhập cao.

Đắk Lắk: Nâng cao giá trị cho cây cà phê

Với mong muốn nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê, anh Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Anh Coffee liên kết với nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững, vừa nâng cao chất lượng hạt cà phê, vừa tạo cơ hội phát triển tour du lịch cà phê.

 

cf21.jpg

 Giám đốc Nguyên Anh (thứ 2 từ phải sang) thăm vườn cà phê xã Ea Nam

 

Hơn tháng nay, Nguyên Anh khá bận rộn với việc kết nối đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm cà phê từng bị “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, khi “làn sóng” Covid-19 đợt thứ 3 được kiểm soát, anh mạnh dạn liên kết với các công ty lữ hành để đón khách tham quan, trải nghiệm cà phê. Nguyên Anh cho hay, nhiều du khách muốn tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, thu hái, tham gia vào quy trình rang, xay, pha chế ra những ly cà phê thơm ngon. Đó là lý do anh “lấn sân” thêm mảng du lịch cà phê.

Theo đó, Nguyên Anh liên kết với người trồng cà phê ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) để du khách tham quan thực tế, chăm sóc vườn cà phê. Như vậy, nông dân có thêm nguồn thu nhập từ phục vụ khách du lịch.

Riêng vùng nguyên liệu chế biến cà phê, Nguyên Anh chọn huyện Ea H’leo - nơi đây khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ thuận lợi cho cây cà phê phát triển và cho vị cà phê thơm đặc trưng. Nhiều nông dân ở đây vui vẻ, thiện chí, khát khao thay đổi phương thức canh tác cà phê.

Ông Nguyễn Tháng (ở thôn 6, xã Ea Nam) có 4 ha cà phê, trồng cách đây 20 năm đã già cỗi, năng suất giảm, giá bán thấp nên lợi nhuận không cao.

Năm 2019, ông hợp tác với Công ty TNHH MTV Anh Coffee chăm sóc, thu hái vườn cây theo đúng quy định như: hái quả chín đạt 90% trở lên, loại bỏ tạp chất, quả xanh hỏng.

Thu đến đâu, sơ chế đến đó và phơi trong nhà kính…, nhờ đó giá cà phê bán được 65 nghìn đồng/kg, cao hơn giá thị trường 25 nghìn đồng/k

Nguyên Anh sinh ra, lớn lên giữa “thủ phủ cà phê”, nhưng mãi đến khi trở thành sinh viên chuyên ngành Luật kinh tế (Trường Đại học Tây Nguyên) anh mới dành thời gian tìm hiểu về loại cây trồng chủ lực này và sau đó "nghiện", đến nỗi bỏ nghề luật sư để theo đuổi... cà phê.

Mỗi khi khách hàng hỏi về cà phê, Nguyên Anh say mê chia sẻ quên cả thời gian. "Những ngày theo bạn cùng lớp về tận nương rẫy, tôi bị “hớp hồn” bởi những chùm cà phê căng tròn chín mọng, rồi mê lúc nào không hay", Nguyên Anh trò chuyện.

Năm 2012, Nguyên Anh tốt nghiệp đại học, nhưng quyết định theo nghề kinh doanh cà phê. Thời gian đầu, anh buôn bán nông sản, làm nhà phân phối cà phê..., tích lũy vốn và dành thời gian nghiên cứu công thức pha trộn cà phê ngon, chất lượng.

Anh đến các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng... để tìm hiểu thói quen, sở thích thưởng thức cà phê của thực khách. Nhờ đó đã anh tìm ra công thức pha trộn riêng, hợp “gu” từng vùng, nhóm người.

“Có ngày, mình tự rang xay, chế biến, thử cả trăm ly cà phê. Uống nhiều đến mức say cà phê, nhưng vui khi tìm ra bí quyết công thức pha trộn cho từng "gu" khách hàng”, Nguyên Anh tâm sự.

Sau 5 năm, Nguyên Anh chính thức thành lập Công ty TNHH MTV Anh Coffee. Thời gian đầu, anh chọn mua những dòng cà phê đạt chuẩn để chế biến rồi bán lại, song gặp nhiều khó khăn bởi thị trường đã có nhiều “ông lớn" chế biến cà phê.

Nguyên Anh chọn hướng đi riêng là kinh doanh cà phê chất lượng. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen tiêu dùng không đơn giản. Khó nhưng không nản, kiên trì thuyết phục khách hàng, dần dần anh có những đối tác, đơn hàng lớn. Để chủ động kiểm soát chất lượng cà phê, anh đã đầu tư nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu và đón khách du lịch như ngày nay.

Lâm Đồng: Cà phê sạch dưới chân đèo D'ran

Từ niềm đam mê và mong muốn làm cà phê Arabica sạch, đúng chuẩn ở vùng núi, nằm ở thị trấn D’ran, anh Huỳnh Văn Sử  (tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương) bắt đầu hành trình với khát khao xây dựng thương hiệu cà phê đặc trưng riêng tại quê nhà.

 

cf16.jpg

Anh Sử luôn khắt khe từ việc trồng đến sản xuất, chế biến cà phê sạch

 

Bắt đầu  về câu chuyện làm cà phê sạch, anh Sử cho hay: Tại những khu vực trồng nhiều cà phê, anh nhận thấy người nông dân đều bán nguyên liệu thô với giá rẻ. Mãi đến lúc anh gặp những người bạn đến thăm nhà, và nhìn thấy mọi điều kiện ở đây, đều phù hợp có thể gầy dựng nên thương hiệu cà phê riêng cho bản thân, khi ấy, anh chính thức bước vào hành trình của mình.

Chia sẻ về điều này, anh Sử nói: “Tôi nghĩ, muốn tạo ra cái ban đầu đúng nghĩa với những gì mình đang theo đuổi, thì phải tâm huyết và có sự đầu tư cao. Đối với cà phê cũng vậy, tôi mong muốn khám phá để tìm ra mọi hương vị của nó mang lại ở cách trồng, cách phơi, cách rang xay và pha chế khác nhau”.

Tìm hiểu điều kiện cơ bản về sản xuất cà phê sạch, anh Sử được biết các vùng ngoại ô Đà Lạt, hay huyện lân cận được coi là thiên đường Arabica, nhờ chỉ số vàng như: độ cao 1.500 m, khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm. Địa hình càng cao khí hậu càng lạnh, càng cho ra những hạt cà phê chất lượng tuyệt hảo, đây còn là vùng sản xuất Arabica chất lượng cao nhất cả nước.

“Vườn cà phê của tôi may mắn nằm ở độ cao đó nên rất thích hợp cho dòng Arabica có một hương vị riêng, đặc trưng, mà ít nơi nào có được.

Còn về cách thức canh tác mình luôn hạn chế tối đa việc bỏ phân hóa học cho cây. Chỉ bỏ một lượng nhỏ phân lân, đạm vào ủ cùng vỏ cà phê, phân bò là nguồn phân bón chính, giúp tăng thêm dinh dưỡng cho cây phát triển. Từ những điều đó đã thôi thúc tôi sản xuất cà phê sạch, để có giá trị cao” - anh vui vẻ nói.

Gắn bó hơn 10 năm với cà phê, năm 2017, anh Sử chọn đi theo con đường làm cà phê sạch bằng cách xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh khép kín.

Tại vườn cà phê của gia đình, thay vì làm cỏ sạch, anh Sử lại để cỏ mọc, với mục đích tạo thêm độ ẩm cho cây, giúp đất thêm tơi xốp, các vi sinh vật trong đất phát triển, tránh không dùng tới thuốc diệt cỏ.

Với độ ẩm phù hợp, vườn cà phê vẫn phát triển tốt mà không cần tưới nước vào mùa khô. Muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu đầu vào phải tốt, cà phê ngon trước hết phải sạch. Đây là nguyên lý cơ bản của giới rang xay, chế biến cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường.

Mỗi bước cần tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt, thu hái phải đảm bảo 100% chín, dùng nguồn nước sạch để rửa. Cách sơ chế không để bị nứt, bảo quản đúng nhiệt độ cho phép. Khâu rang xay cũng được anh chú trọng nhằm tạo nên một sản phẩm đạt chất lượng đóng gói và đưa ra thị trường.

Khi bắt tay làm cà phê chất lượng cao, anh Sử đã xác định ngay phải làm cà phê sạch từ chính cái “tâm” của người nông dân. Đó chính là việc lựa chọn những hạt cà phê nguyên liệu đạt “chuẩn”,  cộng với quá trình rang xay, pha chế theo công thức riêng.

Từ đó tạo ra loại cà phê đặc biệt thơm ngon, phù hợp với từng khẩu vị của người “sành điệu” biết thưởng thức cà phê. Tuy nhiên, để gây dựng một thương hiệu cà phê mới, ngay vùng đất Nam Tây Nguyên, vốn đã có nhiều thương hiệu cà phê lâu đời, cũng là thách thức lớn. 

Chia sẻ về những khó khăn khi đi theo con đường cà phê sạch, anh Sử cho biết: Khó khăn lớn nhất chính là phải cạnh tranh với các dòng cà phê kém chất lượng, giá thành thấp, trong khi người bán quán cà phê ,chạy theo lợi nhận mà chấp nhận bán cho người tiêu dùng.

Làm cà phê sạch với quy trình sản xuất khép kín, anh Sử tự tin chất lượng sản phẩm tốt sẽ giúp mình thành công. Sự khác biệt của anh Sử đó là chất lượng tốt và chỉ làm theo đơn đặt hàng, không sản xuất hàng loạt, từ đó tạo lòng tin với khách hàng.

Hiện cà phê của anh được chia làm nhiều loại, thuộc dòng cà phê Arabica với mức giá trung bình 130.000 đồng/kg, hoặc có những dòng sản phẩm cao cấp được anh bán giá 1.800.000 - 2.000.000 đồng/kg. 

Nói về định hướng phát triển cà phê sạch Arabica, anh Huỳnh Văn Sử cho biết, anh mong muốn đưa sản phẩm của mình tới nhiều khách hàng hơn nữa, bởi đây là sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Hầu hết những người uống cà phê dòng này, đều quay lại sử dụng, bởi họ đã quen với hương vị tự nhiên. Với hương vị thơm, ngon và nguyên chất, Arabica sẽ là sản phẩm lựa chọn hoàn hảo cho những ai yêu thích sản phẩm cà phê đặc trưng của vùng đất này” - anh Sử cho hay.

Đăk Nông: Trồng tiêu hữu cơ thu nhập cao

Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc hồ tiêu theo hướng hữu cơ, nhiều hộ dân tại Đắk Song (Đắk Nông) đã có thu nhập cao hơn hẳn so với phương pháp sản xuất tiêu thông thường.

 

tieu-121.jpg

Tiêu hữu cơ của anh Nga cho năng suất ổn định nhiều năm nay.

 

Vườn tiêu của gia đình anh Đào Văn Nga, ở thôn Thuận Bình, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng người. Gần 70 nhân công, chủ yếu là người địa phương, được anh Nga thuê hái tiêu khoảng chục ngày nay.

Đây là một trong những vườn tiêu lớn nhất nhì xã Thuận Hạnh. Với hơn 15 ha đất liền thửa, anh đã lựa chọn tiêu là cây trồng chủ lực từ năm 2007 tới nay. Không chỉ có diện tích rộng, vườn tiêu của anh còn nổi tiếng  với phương pháp chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Theo anh Nga, việc lựa chọn chăm sóc vườn tiêu hữu cơ xuất phát từ suy nghĩ, bảo vệ sức khỏe của chính bản thân. "Nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vào chăm sóc cây trồng, thì chính người nông dân trực tiếp canh tác bị ảnh hưởng đầu tiên.

Hơn nữa, nếu áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ và các chế phẩm sinh học, thì cây trồng sẽ kéo dài tuổi thọ, và sản phẩm cũng được thị trường ưa chuộng hơn", anh Nga chia sẻ.

Hiện, vườn tiêu của gia đình anh Nga sử dụng 100% phân chuồng. Thường thì sau khi thu hoạch, anh Nga thuê người bón xung quanh các trụ tiêu, với khoảng cách trung bình 1m. Vườn tiêu nhiều cỏ, nhưng chủ vườn không bao giờ dùng thuốc hóa học, mà thuê nhân công đến phát dọn.

Anh Nga cho biết: Việc chăm sóc theo hướng hữu cơ, thường tốn công hơn so với phương pháp chăm sóc thông thường, năng suất cũng giảm hơn.

Tuy nhiên, sản phẩm tiêu hữu cơ lại rất được thị trường ưa chuộng và có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần so với tiêu thông thường. Do đó, nông dân hoàn toàn có thể “sống khỏe” nếu lựa chọn việc chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ.

Được biết, gia đình anh Nga đã xây dựng hệ thống nhà lồng, nhà kho không chỉ giúp sản phẩm tiêu không bị bám đất, bụi mà còn bảo đảm thời gian phơi tiêu nhanh hơn. Nhà kho rộng, gia đình có thể bảo quản tốt sản lượng tiêu trung bình 80 tấn mỗi năm.

Ngoài gia đình anh Nga, rất nhiều hộ dân khác ở xã Thuận Hạnh đang lựa chọn phương pháp trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Các hộ dân đã tham gia vào HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Hồng Nguyên, xã Thuận Hạnh, với diện tích khoảng 100 ha.

Theo UBND xã Thuận Hạnh, sau khi hình thành, HTX đã bước đầu tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm tiêu hữu cơ tại địa phương. Giá sản phẩm tiêu hữu cơ cao hơn hẳn so với tiêu thông thường, và mở ra cơ hội nâng cao thu nhập cho người trồng tiêu tại địa phương.

Đắk Song là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất của tỉnh, với diện tích trên 15.000 ha. Những năm qua, ngành Nông nghiệp địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng hồ tiêu trên trụ sống, và sử dụng các chế phẩm sinh học vào chăm sóc tiêu.

Ông Nguyễn Văn Đô, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song cho hay: Người dân địa phương ngày càng nâng cao nhận thức trong việc phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Tại Đắk Song đã hình thành các vùng, các HTX sản xuất tiêu hữu cơ. Với phương pháp canh tác này, bước đầu, bà con đã có thu nhập cao và ổn định hơn.

 

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top