Vụ việc khiếu kiện đất đai tại phường Bình An, quận 2, TP. HCM của 4 hộ ông Huỳnh Văn Ba, Trương Văn Liếp, Lê Thị Năm, Trần Văn Hùng đã diễn ra từ hơn 30 năm qua.
Đến nay, mặc dù UBND TP. Hồ Chí Minh thua kiện “trắng bụng”, tuy nhiên, công lý vẫn chưa tìm về đến với người dân.
Sau hàng chục năm ròng rã khiếu kiện, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người dân, hủy các quyết định hành chính của UBND thành phố; thế nhưng, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi các cấp chính quyền của thành phố lại chấp thuận việc triển khai, đầu tư dự án Bình An Pearl (số 2 Trần Não, phường Bình An, Quận 2, TP. HCM) trên lô đất do Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An (SSG Bình An) làm chủ đầu tư, trong khi người dân vẫn chưa nhận được sự đền bù thỏa đáng nào.
Phối cảnh dự án Bình An Pearl (do Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An (SSG Bình An) làm chủ đầu tư.
Thành phố thua “lấm lưng, trắng bụng”
Khu đất rộng khoảng 11.000 m2 tại phường Bình An và An Phú được các hộ ông Trần Văn Hùng, Trần Văn Ba, Trương Văn Liếp và bà Lê Thị Năm (cùng ngụ ở phường Bình An, Q.2, TP.HCM) khai hoang từ những năm 1970-1971.
Năm 1975, họ được chính quyền địa phương giao phần đất trên để sử dụng và xây nhà ở. Năm 1982, theo Chỉ thị 299 của Chính phủ, họ đã đăng ký quyền sử dụng đất.
Khu đất trên được người dân tiếp tục sử dụng ổn định cho đến năm 1985, Xí nghiệp khảo sát thiết kế và xây lắp (nay là Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4) bất ngờ đưa người đến chiếm nhà, lấy đất với lý do khu đất được UBND TP.HCM giao cho công ty làm dự án công ích. Bàng hoàng trước hành động trên, ngay lập tức người dân làm đơn khiếu nại gởi lên chính quyền địa phương nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng. Sau đó họ tiếp tục khiếu nại lên UBND TP.HCM và đề nghị Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 trả lại đất nhưng sự việc tiếp tục “khiếu kiện” kéo dài nhiều năm và không được giải quyết triệt để.
Sự “bức xúc” chưa kịp hạ nhiệt thì sau đó các hộ dân “bàng hoàng” khi biết được thông tin, Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã báo cáo không trung thực với UBND Thành phố: “Đã đến bù cho người dân”. Do đó, năm 2003, UBND TP.HCM ban hành các quyết định bác đơn khiếu nại của người dân với lý do các hộ dân đã được công ty đền bù xong.
Không đồng tình với quyết định của UBND TP.HCM, các hộ dân đồng loạt gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan chức năng Trung ương và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM tố cáo Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4.
Năm 2005, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vào cuộc. Sau nhiều năm kiểm tra, xác minh, Thanh tra Bộ TN&MT kết luận, đất của người dân sử dụng trước đây là hợp pháp, chưa có đủ cơ sở cho thấy Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã đền bù cho người dân, đề nghị UBND TP.HCM kiểm tra lại vụ việc và giải quyết cho người dân. Cùng thời điểm đó, Công an TP.HCM cũng khẳng định: “Không đủ cơ sở kết luận Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã giao tiền đền bù cho các hộ dân”.
Mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Bộ TN&MT và Công an TP.HCM nhưng các cấp chính quyền TP.HCM không những không giải quyết vụ việc, trả đất lại cho người dân mà còn giải quyết thủ tục cho Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 chuyển nhượng khu đất cho SSG Bình An.
Ngay sau đó, SSG Bình An xin chuyển đổi quyền sử dụng đất để làm dự án chung cư cao tầng.
Quá phẫn nộ và bức xúc, người dân kiên quyết khởi kiện UBND TP.HCM lên Tòa án nhân dân TP.HCM.
Sau 32 năm ròng rã đi khiếu nại, Tòa sơ thẩm TAND TP.HCM nhận định việc UBND TP.HCM bác đơn khiếu nại của người dân là không có cơ sở và tuyên hủy quyết định của UBND TP.HCM. Không đồng ý, UBND TP.HCM kháng cáo, khoảng giữa năm 2017, tại 3 phiên tòa xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM đều tuyên y án sơ thẩm.
Điều đáng nói, mặc dù bản án đã tuyên, người dân thắng kiện và bản án có hiệu lực. Các cơ quan chức năng đều biết việc này, thế nhưng, ngày 28/8/2017, Sở Xây dựng TP.HCM vẫn “bỏ ngoài tai” tất cả để cấp phép xây dựng cho SSG Bình An khởi công xây dựng chung cư Bình An Pearl.
Chính quyền thờ ơ, bỏ mặc quyền lợi người dân bị xâm hại?
Khu đất đang triển khai xây dựng dự án Bình An Pearl (số 2 đường Trần Não, P.Bình An, Q.2, TP.HCM) có tổng diện tích 8.277,8m2. Cuối năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH bất động sản SSG Bình An (SSG Bình An) sử dụng đất để đầu tư dự án căn hộ kết hợp thương mại.
Lúc này, UBND Thành phố đã bị người dân khởi kiện ra tòa. Vì vậy, trong quyết định này, UBND Thành phố đưa ra điều khoản quy định: “Sau khi việc khiếu nại của các hộ dân được tòa án xét xử và bản án được tuyên có hiệu lực pháp luật, công ty có trách nhiệm thực hiện theo bản án của tòa”.
Và dường như đối lập với những kết quả tích cực mà người dân giành được khi tiến hành khởi kiện Thành phố ra Tòa thì các cấp chính quyền thành phố lại có những bước đi “dồn dập” để hợp thức hóa dự án về mặt pháp lý như “sự đã rồi”.
Cụ thể, TAND TP.HCM chính thức thụ lý vụ kiện khoảng giữa năm 2014 thì cuối năm 2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc cho dự án Bình An Pearl. Khoảng đầu năm 2016, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng kiện thì cuối năm 2016, Sở TNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án. Khoảng giữa năm 2017, tòa phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên người dân thắng tiếp thì tháng 8/2017, Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Đại diện các hộ dân cho biết, sau 33 năm ròng rã khiếu kiện, nhiều người đến lúc nhắm mặt xuôi tay vẫn đau đáu nỗi niềm tìm được công lý trên mảnh đất chính họ đã khai hoang, vỡ hóa.
Đến nay, theo các hộ dân, đến nay, đã hơn một năm sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, UBND TP vẫn chưa thi hành bản án của tòa. Trong khi đó, việc cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư dự án Bình An Pearl sau khi bản án đã được tuyên khiến người dân và chủ đầu tư mâu thuẫn quyền lợi, xung đột gay gắt.
Theo bà Chu Thị Sỹ - người đại diện cho quyền lợi của các hộ dân cho biết, sau khi được cấp giấy phép, SSG Bình An đã cho dựng hàng rào quây khu đất lại và dựng bản công trình lên, đưa máy móc vào thi công dự án.
“Để giữ đất, bốn hộ dân trước kia nay đã có nhiều gia đình con cháu đã huy động người đến phản đối. Rất may lực lượng công an có mặt kịp thời nên không xảy ra điều gì quá đáng tiếc xảy đến. Nhưng đây là vấn đề quyền lợi của các hộ dân, nếu chính quyền thành phố và chủ đầu tư không có phương án đền bù thỏa đáng, chúng tôi sẽ phản đối đến cùng việc triển khai dự án Bình An Pearl. Tại sao vụ việc đã được tòa tuyên án, các cơ quan chức năng vẫn cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư khiến vụ việc càng phức tạp hơn? Phải chăng họ muốn biến vụ việc đã rồi để “ép” chúng tôi?” - bà Sỹ nói.
Để làm sáng tỏ vấn đề và giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như doanh nghiệp, đã đến lúc Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, … cần khẩn trương vào cuộc, lập các đoàn thanh tra, kiểm tra để xác minh, làm rõ khiếu kiện của người dân tại dự án Bình An Pearl do Công ty TNHH Bất động sản SSG Bình An làm chủ đầu tư.
Tạp chí Mặt trận (tapchimattran.vn) sẽ tiếp tục thông tin.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.