Nếu như trước đây, trong định hướng tái cơ cấu nền nông nghiệp, cây lúa và cây ăn trái là những đối tượng được ưu tiên phát triển hàng đầu, thì hiện nay xác định những mũi nhọn xuất khẩu lần lượt là thủy sản, trái cây và cuối cùng là cây lúa. Trong đó, con tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế con tôm Việt, nhiều chuyên gia cho rằng, phải bắt đầu từ khâu giống.
Nâng cao chất lượng tôm giống là giải pháp phát triển ngành tôm bền vững.
Còn nhiều hạn chế
Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước có khoảng 1.863 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng), trong đó các tỉnh ven biển miền Trung (từ Thanh Hoá đến Bình Thuận) có khoảng 963 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, chiếm 51,7% số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ cả nước và 95% số cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tập trung tại khu vực này.
Năm 2016, cả nước sản xuất được 104,4 tỷ con tôm giống, trong đó có 24,1 tỷ con tôm sú và 80,3 tỷ con tôm thẻ chân trắng. Khu vực các tỉnh miền Trung sản xuất được 67,5 tỷ con (chiếm 64,5% sản lượng giống tôm nước lợ cả nước). Các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh miền Trung phần lớn có quy mô lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. Những cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ ngày càng bị thu hẹp và có xu hướng tập trung thành các tổ hợp có quy mô lớn hơn.
Mặc dù thế mạnh về vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu của con tôm đã được khẳng định, nhưng ngành tôm của nước ta hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, dịch bệnh thường xuyên xảy ra... Trong đó, chất lượng con giống luôn là vấn đề được người nuôi tôm quan tâm, bởi đây là yếu tố gần như quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, với nhu cầu tôm giống hàng năm của cả nước khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230.000 con. Trong khi đó, chất lượng tôm giống trong nước hiện nay rất thấp và còn nhiều bất cập hạn chế. Tôm bố mẹ phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, nên sản xuất thiếu tính chủ động và phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tôm bố mẹ nhập từ nước ngoài.
Thực tế hiện nay người nuôi tôm rất khó chọn mua được tôm giống tốt giữa vô vàn thương hiệu, thậm chí khi chọn được nguồn tôm giống có thương hiệu được đánh giá cao, người nuôi vẫn có thể gặp phải đàn giống chất lượng kém, mang mầm bệnh, gây dịch khiến tôm chết hàng loạt sau 2 - 3 tuần thả nuôi. Bên cạnh đó, một số công ty cung cấp tôm giống còn tăng giá, khiến giá thành sản xuất tôm thương phẩm tăng, đã gây khó khăn cho người nuôi.
Theo ông Nguyễn Hữu Ninh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống ở Việt Nam phần lớn được nhập từ các quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Singapore, Indonesia. Trong đó, Mỹ, Thái Lan và Indonesia là các quốc gia đang thực hiện chương trình chọn giống tôm; Singapore là nơi tiếp nhận tôm giống đã được chọn giống từ Mỹ và nuôi lên thành tôm bố mẹ để bán.
Cũng theo ông Ninh, việc phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ ở nước ngoài tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nghề nuôi tôm ở nước ta, như không chủ động về thời gian và số lượng tôm bố mẹ. Tôm bố mẹ phải đặt trước, số lượng và giá cả phụ thuộc vào thị trường và nhà sản xuất. Trong khi sản xuất giống trong nước còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, thời vụ thì việc không chủ động về thời gian và số lượng tôm bố mẹ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các cơ sở sản xuất giống.
Các quốc gia chọn giống tôm luôn tiến hành chọn tạo đàn tôm bố mẹ sạch bệnh trong điều kiện tối ưu. Tuy nhiên, thực tế sản xuất của người dân hoàn toàn khác xa so với điều kiện sống mà đàn tôm đã được chọn tạo. Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn ao nuôi của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên; sự dao động lớn của nhiệt độ và độ mặn sau mưa hoặc nhiệt độ ngày đêm dao động lớn cũng làm cho tôm chết nhiều, không có khả năng chịu đựng.
“Tất cả các nhà sản xuất nước ngoài khi cung cấp tôm bố mẹ cho Việt Nam chỉ đảm bảo tôm sạch bệnh ở trong cơ sở sản xuất của họ, ra ngoài cơ sở thì tôm không còn được coi là sạch bệnh. Mặc dù đàn tôm chọn giống của nước ngoài được giám sát trong điều kiện sạch bệnh, tuy nhiên không phải sạch tất cả các loại bệnh mà chỉ một số loại bệnh được kiểm tra và giám sát. Trong khi nhiều bệnh mới phát sinh mà thế giới cũng chưa phát hiện kịp thời, vô hình chung, đàn tôm chọn giống có mang mầm bệnh mới phát tán vào Việt Nam khi chúng ta nhập đàn tôm bố mẹ”, ông Ninh nêu một thực tế.
Đó là chưa kể, hiện nay chúng ta cũng mới chỉ đánh giá chất lượng tôm bố mẹ nhập nội dựa vào kiểm tra hồ sơ xuất xứ, cân đo tôm bố mẹ, kiểm tra một số bệnh nguy hiểm thường gặp mà chưa đánh giá về sức sinh sản, tốc độ sinh trưởng...
Áp dụng các mô hình nuôi an toàn
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020, trên 50% tôm bố mẹ được sản xuất trong nước và đến năm 2025 là 100%, phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỉ USD, đến năm 2030 đạt 8 - 10 tỉ USD, theo các chuyên gia, chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là nâng cao chất lượng con giống.
TS.Nguyễn Tấn Sỹ, Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa chủ động được về tôm giống, để đảm bảo nguồn giống chất lượng cao cho người nuôi, cần có chính sách chấn chỉnh tình trạng lưu hành, sử dụng tôm bố mẹ, tôm giống không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm nghiệm, khảo nghiệm; thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống và kiểm tra chất lượng tôm giống. Ngoài ra, cần có cơ chế truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu để ngăn chặn sản phẩm chất lượng kém, ngăn chặn nguồn tôm bố mẹ và tôm giống nhập lậu.
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống tại các tỉnh miền Trung” vừa được tổ chức tại Khánh Hòa, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng tôm giống như: Tổng cục Thủy sản cần chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý con giống để đảm bảo số lượng, chất lượng; Tăng cường quản lý và kiểm soát thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển tôm bố mẹ trong nước để chủ động nguồn tôm bố mẹ trong nước.
Các viện, trường, trung tâm giống thủy/hải sản quốc gia, các trung tâm sản xuất tôm giống sạch bệnh, các cơ sở sản xuất giống thủy sản tập trung hoàn thiện việc đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, lưu giữ và cung ứng giống tôm chất lượng hơn. Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ để cung ứng con giống kháng bệnh cao, nhanh lớn, hệ số thức ăn thấp.
Hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm theo mô hình công nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, biofloc, mô hình VietGAP; nuôi an toàn sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất. Tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc thú y và các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi tôm.
Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tăng cường hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mùa vụ và mật độ nuôi phù hợp, khuyến cáo người dân thả tôm giống cỡ lớn, ương nuôi hai giai đoạn, thả mật độ thưa để giảm rủi ro; Tổng kết và nhân rộng các mô hình nuôi tôm theo VietGAP, GMP.., nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và theo tiêu chuẩn quốc tế; Tăng cường thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đẩy nhanh nhân rộng các mô hình hiệu quả, với phương châm “Một người làm, nghìn người biết, hàng trăm hộ làm, hàng trăm hộ học tập làm theo”.
Tăng cường sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong việc cung ứng tôm giống, tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng tốt, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tích cực tìm hiểu các thông tin, xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản khu vực miền Trung.
Tăng cường tuyên truyền mô hình hiệu quả, mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất; Khuyến cáo cho người nuôi các địa chỉ cung ứng giống tôm đảm bảo chất lượng; tuyên truyền cho người người dân và doanh nghiệp chấp hành các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản. Tích cực tố giác các hành vi gian lận trong sản xuất kinh doanh giống tôm.
Ngành chức năng, các địa phương tích cực tổ chức cho nông dân tham quan học tập, tham gia sản xuất theo hình hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với các nhà khoa học, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Thơ
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.