Giữa thời điểm dịch Covid-19 đang phức tạp, sau quyết định “gấp gáp” của Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, 09 hộ dân ở xã Quảng Trực (Tuy Đức - Đắk Nông) đang “gánh” thêm nhiều khó khăn.
Để phòng, chống dịch Covid-19, toàn tỉnh Đắk Nông đang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Dịch diễn biến phức tạp, giá nông sản bấp bênh, khó tìm đầu ra tiêu thụ,… là thách thức chung của nhiều người dân ở Đắk Nông. Trước thực tế đó, các cấp chính quyền ở đây đã nhanh chóng có nhiều giải pháp để sát cánh cùng người dân trong lúc khó khăn.
Thế nhưng, ở cùng thời điểm này, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình đã có quyết định được xem là “xử ép” người dân.
Sau chỉ đạo chấm dứt thỏa thuận hợp tác đầu tư (kéo dài 08 năm) vào ngày 09/08/2021, từ ngày 10/08/2021 đến nay, 09 hộ dân ở xã Quảng Trực không có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Người dân bị “phụ bạc”
Năm 2013, tại xã biên giới Quảng Trực, cuộc sống của người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nhất là điện lưới quốc gia chưa bao phủ. Tin tưởng vào “mã” doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Quang Lĩnh và bà Trần Thị Minh Hiếu đã lập và ký biên bản thỏa thuận đầu tư xây dựng đường dây điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất với Xí nghiệp Đức Phú (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên). Cụ thể: Xí nghiệp Đức Phú góp 110 triệu đồng; ông Trần Quang Lĩnh và bà Trần Thị Minh Hiếu mỗi người góp 150 triệu đồng.
Biên bản thỏa thuận có cam kết rất rõ ràng: “Trong quá trình đầu tư xây dựng và sử dụng đường điện chung, các bên không được tự ý hủy bỏ thỏa thuận hợp tác đầu tư chung và gây khó khăn cho bên kia dù bất cứ trường hợp nào. Nếu bên nào muốn độc quyền sử dụng đường dây chung toàn tuyến đã đầu tư thì phải được các bên đồng ý và hoàn trả lại cho bên kia toàn bộ giá trị ban đầu mà bên kia đã đầu tư, mới được trọn quyền sử dụng”.
Cam kết là vậy, nhưng khi hết nhu cầu sử dụng, để “đường ai nấy đi”, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên lại cho rằng: Biên bản thỏa thuận ký 3 bên vào năm 2013 chỉ là biên bản ghi nhớ ban đầu, chưa đủ tính pháp lý, lý do: thiếu hồ sơ dự án đầu tư, quyết định phê duyệt dự án đầu tư, hợp đồng liên kết giữa các bên, hồ sơ, giấy tờ thanh quyết toán công trình,…
Vị Chủ tịch này không quên “đá” trách nhiệm cho những đã người ký thỏa thuận năm 2013 (gồm: Giám đốc Xí nghiệp Đức Phú và 2 hộ dân).
Ngoài ra, để bao biện cho sự “quay lưng” của mình, “dàn” lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông còn đưa ra vô số lý do khác như: Công ty không còn nhu cầu sử dụng điện tại khu vực đã đầu tư hệ thống lưới điện; Thu hồi lại tài sản công ty đã đầu tư, không làm thất thoát tài sản công ty; Trả lại diện tích đất của Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp cho địa phương quản lý, sử dụng”….
Và cuối cùng, phần thua trong trong quá trình hợp tác đã thuộc về người dân, còn phần thắng thuộc về doanh nghiệp. Đặc biệt, Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên không quên “nhắn” người dân nếu không thỏa mãn có thể gửi đơn ra Tòa án dân sự huyện Tuy Đức để giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Lĩnh, đại diện cho 2 hộ góp vốn cho rằng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã không sòng phẳng trong hợp tác đầu tư với người dân. Chúng tôi góp 300 triệu đồng cùng doanh nghiệp đưa điện về để phát triển kinh tế, nay doanh nghiệp chuyển hướng làm ăn, ngay lập tức “trở mặt”, phụ bạc người dân. Khó khăn này sẽ phải vượt qua, nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ khó tiếp cận thông tin tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Vi phạm cam kết!?
Sau khi nghiên cứu nội dung vụ việc, trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, luật sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc chi nhánh TP.Hồ Chí Minh – Công ty Luật TNHH Phát Việt, khẳng định: Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 giữa giữa Xí nghiệp Đức Phú và bà Trần Thị Minh Hiếu, ông Trần Quang Lĩnh là có hiệu lực pháp luật như một hợp đồng.
Xí nghiệp Đức Phú thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên có đầy đủ các giấy tờ để hoạt động theo pháp luật (Giấy phép hoạt động của xí nghiệp, con dấu xí nghiệp và các giấy tờ khác). Bà Hiếu và ông Lĩnh là người có đủ điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo Điều 14 và Điều 17 của Bộ Luật Dân sự 2005.
Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 được các bên ký trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, lừa dối để đi đến lợi ích chung là xây dựng đường dây điện phục vụ sản xuất.
Việc ký kết Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 giữa Xí nghiệp Đức Phú và bà Hiếu, ông Lĩnh là để xây dựng đường dây điện phục vụ vào việc sản xuất của các bên, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Vì vậy, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên không được tự ý hủy bỏ thỏa thuận trong Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013. Công ty chỉ có quyền rút khỏi biên bản thỏa thuận trong trường hợp có thỏa thuận trong Biên bản thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng và phải có sự đồng ý của bà Trần Thị Minh Hiếu và ông Trần Quang Lĩnh.
Đồng quan điểm với luật sư Đỗ Văn Luận, luật sư Phạm Công Hải, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: Căn cứ Điều 117 và Điều 401 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì biên bản thỏa thuận ký năm 2013 có giá trị pháp lý. Trên thực tế các bên đã cùng nhau thực hiện thỏa thuận này và cùng nhau sử dụng tài sản chung.
Hơn nữa, giao dịch giữa Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và 2 hộ dân không chấm dứt khi công ty đã góp tài sản mà giao dịch này được thực hiện một cách liên tục trong quá trình sử dụng tài sản chung. Đây là các tài sản đã tạo thành hệ thống, khi một bên lấy tài sản của mình góp vào thì hệ thống sẽ không sử dụng được.
Việc Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với 2 hộ dân đã vi phạm Điều 422 và Điều 428 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chấm dứt hợp tác mà gây thiệt hại đối với hai hộ dân thì phải bồi thường theo Điều 13 và Điều 419 của Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Liên quan đến nội dung trên, ngày 29/07/2021, Kinh tế nông thôn đã đăng bài viết: Hủy thỏa thuận đã ký với dân, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tiền hậu bất nhất?; ngày 10/08/2021 đăng bài: “Lật kèo” với dân, Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ngang nhiên vi phạm cam kết!?
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.