Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 7 năm 2021 | 7:7

Hủy thỏa thuận đã ký với dân, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên "tiền hậu bất nhất"?

Năm 2013, Xí nghiệp Đức Phú và 2 hộ dân ký thỏa thuận hợp tác đầu tư hệ thống đường dây lưới điện phục vụ sản xuất. Sắp tới, thỏa thuận trên có nguy cơ bị chấm dứt, phần thiệt hại đang “ngả” về phía người dân.

Giữa thời điểm giãn cách xã hội, 9 hộ dân phải dùng lại đèn dầu?

Theo đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí, đại diện các hộ dân ở xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) cho biết: Từ năm 2011, Xí nghiệp Đức Phú (nay là Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên) sử dụng “ké” điện của ông Trần Quang Lĩnh. Đến năm 2013, lãnh đạo Công ty  Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, lập dự toán xây dựng đường dây điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất với tổng dự toán hơn 600 triệu đồng. Do mức đầu tư lớn, trong khi xí nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả, nên lãnh đạo công ty kêu gọi các hộ dân góp vốn đầu tư theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”.

Từ nhu cầu của các bên, ngày 07/01/2013, đại diện 2 hộ dân đã lập và ký biên bản thỏa thuận đầu tư xây dựng đường dây điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất với Xí nghiệp Đức Phú. Cụ thể: Xí nghiệp Đức Phú góp 110 triệu đồng; ông Trần Quang Lĩnh và bà Trần Thị Minh Hiếu mỗi người góp 150 triệu đồng. Đến nay có 9 hộ dân sử dụng đường dây chung này, phục vụ cả sản xuất lẫn sinh hoạt.

Sau 8 năm sử dụng chung, ngày 24/07/2021, ông Trần Quang Lĩnh bất ngờ nhận được thông báo về việc thu hồi đường dây điện từ Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp do giám đốc Phạm Văn Thô ký.

Theo ông Thô, việc thu hồi đường dây điện được thực hiện Kết luận số 24/TB-CT ngày 28/06/2021 của Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Dự kiến thu hồi 7.000m, địa điểm thu hồi tính từ trụ sở Xí nghiệp thương mại dịch vụ (cũ) đến trụ sở Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp (thôn 5, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Lý do thu hồi: Trả lại diện tích đất của xí nghiệp kinh doanh tổng hợp cho địa phương quản lý, sử dụng. Thời gian thu hồi từ ngày 30/07/2021 đến hết ngày 01/08/2021.

Việc đơn phương hủy thỏa thuận hợp tác sẽ khiến các hộ dân không có nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Việc đơn phương hủy thỏa thuận hợp tác sẽ khiến các hộ dân không có nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

 

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Lĩnh, đại diện các hộ góp vốn đầu tư, cho rằng: Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên Nguyễn Ngọc Bình chỉ đạo thu hồi đường dây lưới điện đã vi phạm nghiêm trọng biên bản thỏa thuận ký ngày 07/01/2013. Cụ thể, khi góp vốn, 2 bên đã cam kết không tự ý hủy bỏ thỏa thuận hợp tác đầu tư chung và gây khó khăn cho bên kia dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy, lấy lý do trả lại diện tích đất của Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp cho địa phương quản lý, sử dụng để thu hồi đường dây là không đúng với tinh thần hợp tác đã ký.

“Nếu chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên vẫn tự ý thu hồi đường dây, trong khoảng 2 đến 3 ngày tới, hàng chục hecta cà phê cùng cây ăn trái của 9 hộ dân chúng tôi đứng trước nguy cơ không thể tưới tiêu trong mùa khô do thiếu nguồn điện. Các hộ gia đình cũng sẽ phải  sử dụng bình ắc quy, thậm chí là nến, đèn dầu để thắp sáng”, ông Lĩnh nói.

Đem con bỏ chợ?

Ông Phạm Văn Thô, Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp, cho biết: Việc gửi thông báo thu hồi đường dây lưới điện cho các hộ liên quan được thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, việc thu hồi đường dây này có vi phạm cam kết hay không tôi không nắm được, đề nghị PV liên hệ làm việc với lãnh đạo công ty.

Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, cho biết: Đất của xí nghiệp đã bàn giao về cho địa phương quản lý, chúng tôi không còn nhu cầu sử dụng điện bên khu vực đó nữa nên thu hồi đường dây về để phục vụ vườn ươm gần trụ sở công ty. Lúc trước, công ty bỏ vốn đầu tư phần nào thì bây giờ chỉ thu hồi đúng phần đó. Trước khi thu hồi, chúng tôi đã gửi thông báo rồi, có gì đâu mà kiện với cáo. Về thỏa thuận ký năm 2013, ông Dũng khẳng định, đó chỉ là thỏa thuận ban đầu để hai bên có cơ sở thực hiện ngoài đường dây, không có giá trị pháp lý.

“Nếu khi thỏa thuận xong, anh ký hợp đồng xin sử dụng điện của công ty, của xí nghiệp thì mới có giá trị pháp lý. Nếu bên đó thắc mắc cứ việc gửi đơn ra tòa để phân xử”, ông Dũng nói.

Sau khi không còn nhu cầu sử dụng, lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên lại cho rằng biên bản thỏa thuận đã ký 8 năm trước không có giá trị pháp lý?
Lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho rằng biên bản thỏa thuận ký  năm 2013 không có giá trị pháp lý?

Trao đổi thêm với PV, ông Trần Quang Lĩnh bức xúc cho rằng: Cách làm của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên rất vô trách nhiệm, giống kiểu “đem con bỏ chợ”. Khi cần, doanh nghiệp kêu gọi góp vốn, khi hết nhu cầu thì đơn phương phá vỡ cam kết. Việc đặt niềm tin “nhầm” đối tác, khiến chúng tôi sắp đối mặt với khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt. Việc tự ý hủy thỏa thuận hợp tác của Chủ tịch Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên sắp đẩy người dân vào tình cảnh éo le ngay giữa mùa dịch. Là doanh nghiệp nhà nước nhưng rõ ràng lãnh đạo công ty này đã không giữ chữ Tín, tiền hậu bất nhất.

“Nếu đúng Xí nghiệp và Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên không còn nhu cầu sử dụng đường dây lưới điện đó thì nên bàn giao lại cho chúng tôi để ký lại hợp đồng với ngành điện. Sau khi tính toán khấu hao, các hộ dân sẽ mua lại số mét đường dây mà doanh nghiệp này đã đầu tư. Chúng tôi cũng sẵn sàng di dời toàn bộ đường dây lưới điện ra khỏi diện tích đất mà công ty đã trả về địa phương”, ông Lĩnh nói. 

 

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
Top