Nhằm góp phần tăng cường năng lực quản lý, khai thác tài nguyên bền vững vùng đất dốc huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Quỹ Môi trường toàn cầu đã tài trợ cho 3 xã: Cẩm Châu, Cẩm Tâm và Cẩm Vân thực hiện các dự án nhỏ với mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho nông dân.
Kiểm tra mô hình trữ nước tại các xã thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án thực hiện với mục tiêu nâng cao năng lực ứng dụng đa dạng các giải pháp cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai/thời tiết cực đoan để phát triển bền vững cho cộng đồng các dân tộc vùng dự án thông qua việc tiếp tục cải thiện, nâng cấp và chuyển giao kỹ thuật các mô hình đã thành công. Dự án được thực hiện trong 2 năm (1/1/2015-31/12/2016).
Sau một năm triển khai dự án, các mô hình quản lý và khai thác bền vững tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học, giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động bất lợi của BĐKH và quản lý những rủi ro tăng thêm từ BĐKH đã được áp dụng trong khuôn khổ các hoạt động quản lý tài nguyên bền vững, bao gồm: Hệ thống mương đồng mức (trên diện tích 23,3ha) có tác dụng hạn chế lũ quét, bảo vệ hoa màu, nhà cửa, chống xói mòn bạc màu đất. Thu trữ nước mó đầu tư ít, bảo vệ nguồn nước và có nước sinh hoạt lâu dài với 15 bể trung chuyển nước mó, 2.100m đường ống dẫn nước; 46,8ha rừng (keo) được trồng và quản lý nghiêm ngặt; hỗ trợ vốn cho người dân thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản...
Có thể nói, kết quả lớn nhất của dự án tính đến thời điểm hiện tại là truyền tải cho người dân kiến thức về quản lý tài nguyên nước thông qua các nhóm sở thích (NST), hiểu biết trong việc phòng ngừa và ứng phó với BĐKH, nâng cao hiệu suất kinh tế trong việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn... Đồng thời dự án cũng tổ chức các hoạt động truyền thông như: nói chuyện, đối thoại về BĐKH.
Kết quả , đã có trên 1.360 lượt người (35% phụ nữ) là cán bộ, cộng đồng dân cư tại ba xã tham dự các khóa tập huấn và truyền thông. Hơn 157 hộ gia đình với 710 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp từ các mô hình đang thực hiện của dự án.
Sở dĩ dự án đạt được nhiều thành công vì nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng dân cư. Các mô hình của dự án bước đầu cho kết quả khả quan, giải quyết các nhu cầu bức xúc nhất hiện nay, cải thiện sinh kế cộng đồng để có khả năng thích ứng ngày càng cao trước tác động của BĐKH.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, cũng gặp không ít khó khăn như: năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp làm cho tình trạng hạn hán và thiếu nước trong các xã thực hiện dự án trở nên nghiêm trọng. Ngoại trừ xã Cẩm Vân có hệ thống trạm bơm điện nên chủ động được nước tưới và nước sinh hoạt, còn hai xã Cẩm Châu và Cẩm Tâm đều không cấy hết diện tích theo thời vụ, năng suất và sản lượng đều bị sụt giảm so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trình độ nhận thức của các hộ dân tham gia dự án không đồng đều. Một số hộ ngại làm theo hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia do tâm lý sợ tốn công, tốn chi phí. Công tác theo dõi, giám sát và đánh giá dự án chưa được tăng cường, đặc biệt là giám sát cộng đồng.
Từ kết quả bước đầu thấy, để dự án thành công, cần có sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh, huyện và các địa phương tham gia dự án. Trong quá trình thực hiện, cộng đồng là đối tượng vừa tham gia các hoạt động đào tạo tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, vừa tham gia vào các hoạt động theo dõi, giám sát và đánh giá, kể cả đánh giá tính dễ bị tổn thương và khả năng trước, trong quá trình thực hiện và sau khi kết thúc dự án. Do đó cần được tiếp tục nâng cao nhận thức.
Ngoài ra, cần có cơ chế trách nhiệm, giải trình rõ ràng và minh bạch. Ban điều hành phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, nhóm chuyên gia thiết kế mô hình, hỗ trợ kỹ thuật chặt chẽ và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Kỹ thuật hiện trường liên tục bám sát hoạt động thực hiện mô hình của người dân để có phương án hỗ trợ kịp thời.
Phạm Xuân Tuân
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.