Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 8 năm 2021 | 5:42

“Lật kèo” với dân, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ngang nhiên vi phạm cam kết!?

Lấy lý do không còn nhu cầu sử dụng, biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên sắp “lật kèo” với nhiều người dân ở xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

“Ép” dân đến cùng?

Theo thông tin mà ông Trần Quang Lĩnh cung cấp, ngày 07/01/2013, đại diện 2 hộ dân (gồm ông Trần Quang Lĩnh, bà Trần Thị Minh Hiếu) đã lập và ký biên bản thỏa thuận đầu tư xây dựng đường dây điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất với Xí nghiệp Đức Phú. Cụ thể: Xí nghiệp Đức Phú góp 110 triệu đồng; ông Trần Quang Lĩnh và bà Trần Thị Minh Hiếu mỗi người góp 150 triệu đồng.

Sau 8 năm sử dụng chung, ngày 24/07/2021, ông Trần Quang Lĩnh bất ngờ nhận được thông báo về việc thu hồi đường dây điện của Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên) do Giám đốc Phạm Văn Thô ký. Thời gian thu hồi từ ngày 30/07/2021 đến hết ngày 01/08/2021.

Theo ông Thô, việc thu hồi đường dây điện được thực hiện theo Kết luận số 24/TB-CT ngày 28/06/2021 của Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Lý do thu hồi: Trả lại diện tích đất của Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp cho địa phương quản lý, sử dụng.

Thông tin với PV, ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên lại đưa ra lý do khác: Chúng tôi không có nhu cầu sử dụng đường dây bên khu vực đó nữa nên thu hồi về để kéo điện phục vụ vườn ươm gần trụ sở công ty. Lúc trước, công ty bỏ vốn đầu tư phần nào thì bây giờ chỉ thu hồi đúng phần đó. Về thỏa thuận ký ngày 07/01/2013, ông Dũng khẳng định, đó chỉ là thỏa thuận ban đầu để hai bên có cơ sở thực hiện ngoài đường dây, không có giá trị pháp lý.

Khi không còn nhu cầu sử dụng, doanh nghiệp nhà nước mới phát hiện ra biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý.
Khi không còn nhu cầu sử dụng, doanh nghiệp mới phát hiện biên bản thỏa thuận ký với dân năm 2013 không có giá trị pháp lý.

 

Ông Trần Quang Lĩnh cho biết: Sau khi nhận được thông báo thu hồi đường dây điện từ Xí nghiệp doanh tổng hợp, ông đã viết đơn đề nghị Công ty phải giữ đúng cam kết ghi trong biên bản thỏa thuận ký năm 2013.

“Các bên ký biên bản thỏa thuận năm 2013 đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, lừa dối để đi đến lợi ích chung là xây dựng đường dây điện phục vụ sản xuất. Mặt khác, các bên đã cùng nhau thực hiện cái thỏa thuận đó cũng như cùng nhau sử dụng tài sản chung. Vì vậy, biên bản thỏa thuận ký năm 2013 như một Hợp đồng, hoàn toàn có giá trị pháp lý”, ông Lĩnh khẳng định với PV.

Tuy nhiên, trong công văn (ký ngày 30/07/2021) trả lời đơn của ông Trần Quang Lĩnh, ông Phạm Văn Thô, Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh tổng hợp một lần nữa khẳng định, biên bản thỏa thuận ký ngày 07/01/2013 không có giá trị pháp lý.

Để giữ lại nguồn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ngày 06/08/2021, ông Trần Quang Lĩnh tiếp tục gửi đơn đề nghị mua thanh lý đường dây điện đến lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến ngày 10/08/2021, ông vẫn chưa nhận được công văn trả lời.

Xoay quanh câu chuyện này, nhiều câu hỏi cần người trong cuộc trả lời bạn đọc Kinh tế nông thôn, tại sao sau 8 năm lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên mới “phát hiện” biên bản thỏa thuận ký với dân không có giá trị pháp lý? Nếu doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất ở vị trí cũ, liệu có “quay lưng” với dân hay không? Có hay không việc doanh nghiệp cố tình “ép” dân đến cùng?

Người dân đã bị doanh nghiệp bội ước?
Người dân đã bị doanh nghiệp bội ước?

 

Biên bản có hiệu lực pháp luật

Trao đổi thêm với PV, ông Trần Quang Lĩnh bức xúc cho rằng: Kiểu hợp tác của Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên với người dân chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”, bội ước với dân.

Sau khi nghiên cứu nội dung vụ việc, trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, Luật sư Đỗ Văn Luận, Giám đốc chi nhánh TP.Hồ Chí Minh – Công ty Luật TNHH Phát Việt khẳng định: Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 giữa giữa Xí nghiệp Đức Phú và bà Trần Thị Minh Hiếu, ông Trần Quang Lĩnh là có hiệu lực pháp luật như một hợp đồng. Cụ thể: Căn cứ theo Điều 121, Bộ Luật Dân sự 2005 “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”, Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 giữa Xí nghiệp Đức Phú và bà Hiếu, ông Lĩnh là một giao dịch dân sự, có quy định đầy đủ về chủ thể, mục đích, đặc điểm, giá trị hợp tác, thời gian thi công, chất lượng công trình và cam kết của các bên như một Hợp đồng.

Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 giữa Xí nghiệp Đức Phú và bà Hiếu, ông Lĩnh có hiệu lực pháp luật, có đủ các điều kiện theo khoản 1, Điều 122, Bộ Luật Dân sự 2005, để mà một giao dịch dân sự có hiệu lực thì:

Thứ nhất, chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Xí nghiệp Đức Phú thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên có đầy đủ các giấy tờ để hoạt động theo pháp luật (Giấy phép hoạt động của xí nghiệp, con dấu xí nghiệp và các giấy tờ khác). Bà Hiếu và ông Lĩnh là người có đủ điều kiện về năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo Điều 14 và Điều 17 của Bộ Luật Dân sự 2005.

Thứ hai, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 được các bên ký trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc, lừa dối để đi đến lợi ích chung là xây dựng đường dây điện phục vụ sản xuất.

Thứ ba, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Việc ký kết Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013 giữa Xí nghiệp Đức Phú và bà Hiếu, ông Lĩnh là để xây dựng đường dây điện phục vụ vào việc sản xuất của các bên, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, theo khoản 5 về cam kết giữa các bên trong Biên bản thỏa thuận: “Trong quá trình đầu tư xây dựng và sử dụng đường điện chung, các bên không được tự ý hủy bỏ thỏa thuận hợp tác đầu tư chung đã ghi trên và gây khó khăn cho bên kia dù bất cứ trường hợp nào. Nếu bên nào muốn độc quyền sử dụng đường dây chung toàn tuyến đã đầu tư thì phải được các bên đồng ý và hoàn trả lại cho bên kia toàn bộ giá trị ban đầu mà bên kia đã đầu tư ban đầu, mới được trọn quyền sử dụng”.

Vì vậy, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên không được tự ý hủy bỏ thỏa thuận trong Biên bản thỏa thuận ngày 07/01/2013. Công ty chỉ có quyền rút khỏi biên bản thỏa thuận trong trường hợp có thỏa thuận trong Biên bản thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng và phải có sự đồng ý của bà Trần Thị Minh Hiếu và ông Trần Quang Lĩnh.

Liên quan đến nội dung trên, ngày 29/07/2021, Kinh tế nông thôn đã đăng bài viết: Hủy thỏa thuận đã ký với dân, Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên tiền hậu bất nhất? 

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

 

 

 

Trần Luật
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top