Hà Giang: Thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện
Nắm bắt lợi thế đang có trong lĩnh vực hoạt động nuôi trồng thủy sản, tỉnh Hà Giang đã dành nguồn kinh phí trên 15 tỷ đồng nhằm phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện. Chủ trương này được áp dụng từ nay đến năm 2025.
Với hệ thống sông, suối dày đặc, độ dốc lớn, thuận lợi để phát triển thủy điện và hiện đã có hàng chục dự án được đầu tư, hoàn thành, phát điện lên lưới Quốc gia. Các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Nho Quế (Mèo Vạc), sông Gâm (Bắc Mê), sông Chừng (Quang Bình), sông Lô chảy qua địa phận huyện Bắc Quang,… tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, nguồn nước ổn định, rất thuận lợi đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy lợi thế này, nhiều hộ dân, các hợp tác xã (HTX) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng với các loài thủy sản đặc hữu như cá lăng, chiên, mang lại nguồn thu lớn.
Đơn cử, nhà máy Thủy điện Sông Chừng, từ khi được đầu tư xây dựng tại đây đã tạo ra vùng lòng hồ rộng hơn 225 ha, dung tích chứa trên 43 triệu m3 nước, trải dài 15 km trên địa phận các xã Tân Nam, Tiên Nguyên và thị trấn Yên Bình (Quang Bình, Hà Giang).
Từ lợi thế này, UBND huyện Quang Bình đã có chủ trương “đánh thức” tiềm năng thủy sản với chính sách cụ thể. Đón đầu chính sách, từ năm 2019, HTX Nuôi trồng thủy sản Sông Chừng đã nuôi 52 lồng cá các loại và nuôi thử nghiệm 40 lồng cá lăng. Qua theo dõi cho thấy, loài cá này hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như nguồn nước nên HTX tiếp tục mở rộng quy mô để cung cấp khoảng 120 tấn cá lăng thương phẩm mỗi năm; đồng thời, nghiên cứu nuôi cá bỗng, chiên.
Đại diện huyện Quang Bình cho biết, địa phương đã xây dựng đề án cụ thể, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, sản lượng nuôi và đánh bắt thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng đạt 450 tấn/năm; nâng giá trị ngành Thủy sản của huyện tăng từ 16 tỷ đồng năm 2019 lên 39,5 tỷ đồng năm 2025; giá trị từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm. Dự kiến, trên lòng hồ sẽ có trên 300 lồng cá; trong đó, xã Tân Nam 50 lồng, Tiên Nguyên 70 lồng, thị trấn Yên Bình 180 lồng và nuôi chủ yếu cá lăng, nheo, chép, trắm, rô phi, bỗng và chiên.
Cũng như sông Chừng, vùng lòng hồ Thuỷ điện Sông Lô 4 đang tạo lợi thế rất lớn giúp người dân xã Tân Thành (Bắc Quang) có thêm nguồn thu nhập từ nuôi trồng thủy sản. Người dân ở đây cho biết: Hiện, việc nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô phát triển khá mạnh. Bình quân, mỗi lồng cá chiên nuôi một năm cho lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng. Loài cá chiên ăn tạp, sức chống chịu dịch bệnh cao, thịt ngọt, nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên nuôi cá chiên bằng lồng bè trên sông Lô có nhiều triển vọng.
Tận dụng lợi thế mặt nước dọc sông Gâm, xã Yên Phong (Bắc Mê) đã đẩy mạnh nuôi cá lồng. Tính đến nay, xã có 34 lồng cá với nhiều chủng loại như cá chép, trắm, nheo và một số loài đặc sản như cá chiên, bỗng... Năm 2018, HTX Nuôi trồng thủy sản Yên Phong được thành lập với 10 thành viên; hiện đang sở hữu 18 lồng nuôi cá; mỗi năm xuất bán khoảng 2 tấn cá thương phẩm, giá trung bình khoảng 80 - 100 nghìn đồng/kg.
Là địa phương được hưởng lợi từ vùng lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3, người dân xã Khâu Vai (Mèo Vạc) đang đẩy mạnh nuôi cá lồng và coi đây là hướng phát triển kinh tế mới. Tận dụng lợi thế và đón đầu cơ hội, năm 2019, anh Hoàng Văn Hùng, thôn Khau Vai đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà giàn, 6 lồng nuôi và hiện đã có cá thương phẩm xuất bán. Hiện nay, xã Khau Vai đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân học tập và tiến hành đầu tư nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện.
Nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh Hà Giang vừa có kế hoạch phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Giang dành nguồn kinh phí trên 15 tỷ đồng để nâng cáo giá trị sản phẩm cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện. Mục tiêu hỗ trợ cá nhân, HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chuyển từ nuôi trồng thủy sản thông thường, manh mún, nhỏ lẻ sang thâm canh quy mô lớn, tập trung, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo môi trường gắn với phát triển du lịch lòng hồ thủy điện. Quy mô thực hiện 1 nghìn lồng, sản lượng 1.874 tấn
Trước mắt, trong năm nay sẽ lựa chọn 4 cá nhân, HTX đang nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng, Sông Lô, Sông Miện và lòng hồ Thủy điện Bắc Mê tham gia liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, đánh giá cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 4 cá nhân, HTX tham gia liên kết, xây dựng chuối giá trị cá lăng, bỗng, chiên. Từ năm 2021-2025, phát triển, nhân rộng 642 lồng nuôi cho 8 cá nhân, HTX; mở rộng vùng nuôi trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế, Sông Chảy và Thủy điện Tuyên Quang.