Hà Nam đón Bằng công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM
Sáng 13/1, tại tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã dự Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón Bằng công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Tỉnh Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương thành tích của tỉnh Hà Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao Bằng công nhận tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền quân và dân tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP./Đoàn Bắc
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện đồng loạt trên cả nước, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn đã và đang ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới khá đồng bộ. Kinh tế nông thôn, trong đó có sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, xuất hiện hàng vạn mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, của người dân sống ở nông thôn ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, vững mạnh.
Đến tháng 12/2020, cả nước đã có 5.506 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 62% số xã; 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 26% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Đặc biệt, đã có 4 tỉnh được được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có tỉnh Hà Nam... Như vậy, cả nước đã hoàn thành mục tiêu 5 năm (2016-2020) là đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm gần 2 năm so với mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng hoa chúc mừng tỉnh Hà Nam - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Do đó, xây dựng nông thôn mới không dừng lại, không có đích đến cuối cùng. Vì vậy, phải luôn thúc đẩy công nghiệp hoá nông nghiệp, hiện đại hoá nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới mới để làm tiền đề cho quá trình đô thị hoá.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tỉnh Hà Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức để xây dựng nông thôn mới, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trở thành một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Thủ đô.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của thị trường trong nước, quốc tế nhằm nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, phải coi trọng phát triển nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; Đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đồng thời, Hà Nam cần tập trung phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để hỗ trợ nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là những dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng gợi mở, tỉnh Hà Nam có thể tập trung phát triển một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, vận tải, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá – thể thao… trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam phải rà soát, cập nhật, bổ sung, lập mới các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, các quy hoạch hạ tầng khác;… tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án trọng điểm về giao thông vận tải, kết nối các vùng, khu vực, trung tâm kinh tế; Xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng ở các đô thị; Tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng…
Tỉnh Hà Nam cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phát triển hệ thống y tế, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân; chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của người dân, không để xảy ra điểm nóng, tạo môi trường chính trị, xã hội ổn định để phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Nam đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho 100% số xã, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tất cả 6 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh Hà Nam đã huy động đầu tư gần 31.000 tỷ đồng cho xây dựng các tiêu chí nông thôn mới từ xã đến huyện. Đến nay, 100% tuyến đường huyện; đường trục xã; đường trục thôn, xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng trên địa bàn tỉnh Hà Nam được đầu tư làm mới, nâng cấp đồng bộ đạt tiêu chuẩn và đảm bảo kết nối giữa các địa phương trong tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. 100% số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn về chỉ tiêu trường trung học phổ thông; đạt chuẩn về chỉ tiêu văn hóa và Trung tâm y tế các huyện đều được công nhận là đơn vị sự nghiệp hạng III. 100% số huyện đạt chuẩn tiêu chí về Y tế - Văn hóa - Giáo dục; 100% xã, phường, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải…
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hà Nam đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên kết sản xuất và tiêu thụ với sản phẩm chủ lực lúa chất lượng cao với diện tích lúa khoảng 27.000 ha; các vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 5.000 ha; xây dựng hơn 160 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông sản sạch; hình thành các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích quy hoạch trên 656 ha thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Tỉnh Hà Nam cũng triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), đến nay, đã công nhận 41 sản phẩm OCOP.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn năm 2020 tăng xấp xỉ 3,7 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh từ 10,68% năm 2010 xuống còn khoảng 1,84% năm 2020, khoảng cách phát triển giữa nông thôn – đô thị từng bước được thu hẹp.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu; 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 12-15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 68 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới còn dưới 0,5%; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt từ 95% trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; thường xuyên duy tu, bảo trì, nâng cấp các công trình hạ tầng đảm bảo phát huy hiệu quả, bền vững; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu để đồng bộ các quy hoạch đảm bảo thực hiện xây dựng nông thôn mới bền vững, hiện đại.
Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương theo chuỗi giá trị, kết hợp với thu hút đầu tư, phát triển du lịch; Xây dựng và tạo cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng – xanh - sạch - đẹp; Thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu chăn nuôi, cụm công nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải theo quy hoạch; Phát triển và nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục và đào tạo; làm tốt công tác đào tạo nghề, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và duy trì, bảo tồn phát triển làng nghề, làng có nghề, làng nghề truyền thống.
Chiều 21/11, UBND TP. Hải Phòng tổ chức khai trương Dự án chính quyền số Hải Phòng. Đây là một trong những dự án quan trọng nhất, làm nền tảng thúc đẩy đột phá phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành NN-PTNT (14/11/1945 - 14/11/2024), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi tới các đồng chí Lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành lời chúc mừng tốt đẹp và trân quý nhất.
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng vừa tổ chức Lễ phát động Giải báo chí về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, năm 2024-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.