Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 10 năm 2019 | 22:21

Hà Nam: Đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XD NTM, Hà Nam đã công nhận 98 xã đạt chuẩn, đạt 100% số xã, vượt 49 xã so với mục tiêu đề ra. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện, thành phố đạt chuẩn NTM,

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Hà Nam đã phát huy vai trò chủ thể của người dân, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của nhân dân. Thực hiện tốt quan điểm "dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ", từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, thụ động trong triển khai thực hiện chương trình.

 Thành phố Phủ Lý hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp, của toàn xã hội, nhất là phát huy sức sáng tạo, tinh thần cộng đồng của nhân dân,  Hà Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực sự tạo ra không khí thi đua phấn khởi tại khắp các địa phương. Trong đó, triển khai hiệu quả việc thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM gắn với quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường, quy hoạch sử dụng đất, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng hiện đại được hoàn thiện, làm cơ sở để quản lý và định hướng cho nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch.
 
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, hướng đến đồng bộ hơn, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt. Đặc biệt, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, coi đây là động lực quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Hà Nam đã hỗ trợ trên 318.000 tấn xi măng để thực hiện bê tông hóa được trên 1.900 km đường giao thông thôn, xóm; 500 km đường trục xã; hỗ trợ đá cấp phối để cứng hóa trên 1.000 km đường trục chính nội đồng. Các địa phương đã tập trung kiên cố được trên 100 km và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai tại chỗ trên địa bàn; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học và triển khai xây dựng, sửa chữa nâng cấp đưa vào sử dụng 3.010 phòng học các cấp; triển khai xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng 32 nhà văn hoá xã và 451 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm.

 Huyện Kim Bảng đạt chuẩn NTM

Cùng với đó, Hà Nam cũng chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết, đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 656,22 ha. Công tác tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững, thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng năm 2010 lên 46 triệu đồng năm 2019, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn NTM năm 2019 còn 0,75%, và có nhiều mô hình trên ứng dụng khoa học, công nghệ tham gia liên kết chuỗi sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Từ những nỗ lực trên, Hà Nam đã công nhận cho 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; 04 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; còn 02 huyện Lý Nhân và Bình Lục đang hoàn thiện một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện và phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành 9/9 tiêu chí và đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
 
Từ thực tế 10 năm thực hiện, Hà Nam cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, thường xuyên cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, thiết thực, phù hợp, phục vụ sự phát triển của khu vực nông thôn; chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; xây dựng NTM phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện nghiêm các nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

 Huyện Duy Tiên đạt chuẩn NTM

Thời gian tới, các huyện, thành phố phải chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến năm 2020 và giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ban, ngành cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm  tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công phụ trách tiêu chí cụ thể để tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên của tổ chức mình hưởng ứng và tham gia chương trình xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao ý thức tự lực tự cường củng cố khối đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.
 
Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Làm sao để nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người nông dân càng được nâng cao, giàu mạnh một cách bền vững.
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top